Pfizer đã kiếm được gần 37 tỷ USD từ bán vắc xin COVID-19 trong năm 2021

09/02/2022 - 12:50

PNO - Pfizer đã kiếm được gần 37 tỷ USD từ việc bán vắc xin COVID-19 trong năm 2021, và dự báo sẽ có một năm bội thu nữa trong 2022, nhờ việc đưa ra thị trường Paxlovid - một loại thuốc trị COVID-19 dạng viên, dùng đường uống.

Với con số nói trên, vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer đã trở thành một trong những sản phẩm sinh lợi nhất trong lịch sử.

Pfizer đã có một năm bội thu nhờ bán vắc xin ngừa COVID-19
Pfizer đã có một năm bội thu nhờ bán vắc xin ngừa COVID-19

Năm 2021, tổng doanh thu của nhà sản xuất dược phẩm hàng đầu ở Mỹ tăng gấp đôi, đạt 81,3 tỷ USD, và công ty dự báo ​sẽ đạt doanh thu kỷ lục từ 98-102 tỷ USD trong năm 2022.

Doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng tốt đã khiến cho Pfizer bị các nhóm hoạt động lên án “trục lợi từ đại dịch”. Nhóm Global Justice Now (GJN) cho biết, doanh thu 81 tỷ USD một năm của Pfizer thậm chí còn nhiều hơn GDP của hầu hết các quốc gia, và cáo buộc Pfizer đã “làm giàu từ các hệ thống y tế công”.

Comirnaty - tên thương mại của một loại vắc vin COVID-19 mà Pfizer đã phát triển cùng với một công ty có quy mô nhỏ hơn của Đức là BioNTech - đã mang lại cho Pfizer doanh thu 12,5 tỷ USD trong quý IV/2021, nâng tổng doanh thu của riêng mặt hàng nay trong cả năm lên 36,8 tỷ USD. Pfizer cho biết, công ty đã vượt mục tiêu sản xuất 3 tỷ liều vắc xin vào năm 2021.

Trong năm 2021, Pfizer đã kiếm được lợi nhuận ròng gần 22 tỷ USD. Công ty ước tính doanh thu từ Comirnaty sẽ tăng lên 32 tỷ USD, và ​​Paxlovid sẽ đóng góp 22 tỷ USD trong năm 2022.

Với hiệu quả gần 90% trong việc ngăn ngừa bệnh nặng ở những người trưởng thành dễ bị tổn thương, nếu được uống ngay sau khi bị nhiễm COVID-19, Paxlovid đã được Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp vào cuối tháng 12/2021.

Vài ngày sau, Paxlovid cũng được phê duyệt ở Anh, và hiện đã nhận được sự chấp thuận sử dụng khẩn cấp ở 40 quốc gia.

Tuy nhiên, cùng với một số công ty dược phẩm khác, Pfizer đã bị cáo buộc không chia sẻ công thức sản xuất vắc xin, góp phần tạo ra tình trạng mất cân đối trong việc phân phối vắc xin trên toàn cầu.

“Pfizer hiện giàu hơn hầu hết các quốc gia, và đã kiếm được nhiều tiền hơn từ cuộc khủng hoảng này. Đã đến lúc cần chấm dứt quyền sở hữu trí tuệ và phá vỡ thế độc quyền về vắc xin”, Tim Bierley - một nhà vận động trong ngành dược phẩm của GJN - lên tiếng. 

Đáp lại các chỉ trích, người phát ngôn của Pfizer cho biết công ty “luôn cam kết tạo ra sự tiếp cận công bằng với giá cả phải chăng” đối với vắc xin Comirnaty.

“Tuy nhiên, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng chi phí thực sự để đưa loại vắc xin mRNA mới này đến bệnh nhân bao gồm nhiều mục, chẳng hạn như: nghiên cứu lâm sàng và cảnh giác dược được thực hiện thường xuyên với quy mô lớn, các nỗ lực cải tiến liên tục trong quá trình sản xuất, hoạt động phân phối và cung cấp trên phạm vi toàn cầu.

Ngoài ra, vắc xin COVID-19 là một sản phẩm sinh học phức tạp, mà việc sản xuất đòi hỏi phải có kinh nghiệm, chuyên môn và các thiết bị chuyên dụng, chứ không đơn giản chỉ cần chia sẻ công thức”, người phát ngôn của Pfizer giải thích.

Nhất Nguyên (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI