PetroVietnam Landmark phá sản: Quản lý yếu, doanh nghiệp liều

03/03/2017 - 11:41

PNO - Sau hơn sáu năm “chết lâm sàng”, dự án PetroVietnam Landmark (Q.2, TP.HCM) đã chính thức “qua đời” khi Tòa án nhân dân (TAND) TP.HCM ra quyết định mở thủ tục phá sản với chủ đầu tư (CĐT).

chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần bất động sản xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC Land, Nguyễn Gia Thiều, Q.3). Vụ việc chắc chắn sẽ gây thiệt hại nặng nề cho hơn 400 khách hàng của dự án. 

PetroVietnam Landmark pha san: Quan ly yeu, doanh nghiep lieu
 

Dự án được khởi công năm 2010. Sau khoảng một năm thi công hoàn thành phần thô, công trình “đứng hình” và tiếp theo là hàng chục cuộc xung đột căng thẳng giữa khách hàng và CĐT, từ khiếu nại đến giăng băng rôn biểu ngữ, vây trụ sở của CĐT đòi giao nhà...

Trước phản ứng căng thẳng của khách hàng, khoảng giữa năm 2013 CĐT rục rịch thi công lại: tô, sơn, lắp khung kính... Tuy nhiên, mọi việc chỉ diễn ra vài tháng thì dự án tiếp tục “trùm mền”.

Tháng 7/2016, trước sức ép của khách hàng, CĐT đã ra văn bản cam kết bàn giao block A, B vào quý IV/2016; block C, D vào quý IV/2017. Thật ra, những cam kết này chỉ là “đòn gió” của CĐT để vừa hạ nhiệt, vừa làm cái bẫy để tiếp tục “móc túi” khách hàng.

Ngay sau các văn bản cam kết trên, CĐT yêu cầu khách hàng tiếp tục đóng tiền. Tin tưởng, nhiều người đã đổ tiền vào đến 90-95% giá trị căn hộ, thậm chí 102% (2% phí bảo trì, dù chưa nhận nhà). Tính ra trung bình mỗi khách hàng đã đóng gần 2 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo điều 57, Luật Kinh doanh bất động sản, CĐT chỉ được huy động tối đa 70% giá trị căn hộ hình thành trong tương lai.

PetroVietnam Landmark pha san: Quan ly yeu, doanh nghiep lieu
 

Qua xác minh, có căn cứ chính xác PVC Land đã mất khả năng thanh toán, TAND TP.HCM ra quyết định số 52/2017/QĐ-MTTPS mở thủ tục phá sản đối với PVC Land.CĐT làm sai nhưng các cơ quan chức năng cũng không hề động tay xử lý. Đã vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi, một phần diện tích đất của dự án đã bị CĐT thế chấp cho Ngân hàng thương mại cổ phần bưu điện Liên Việt (chi nhánh TP.HCM). Tại sao các căn hộ của dự án đã bán cho khách hàng mà CĐT vẫn có thể làm thủ tục thế chấp ngân hàng được?

Luật sư Nguyễn Văn Trương - Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Văn Trương nhận định, theo quy định của Luật Phá sản, việc khách hàng đòi lại được bao nhiêu tài sản phụ thuộc vào giá trị tài sản của doanh nghiệp sau khi thanh lý.

Thứ tự phân chia tài sản thực hiện theo nguyên tắc: ưu tiên cho các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động; sau đó là nghĩa vụ với Nhà nước (nếu có), rồi nợ trả cho ngân hàng, cuối cùng mới đến khách hàng... Như vậy, cơ hội nhận lại được tài sản của khách hàng rất nhỏ.

Theo tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoàng (chuyên gia kinh tế), để bảo vệ khách hàng mua căn hộ hình thành trong tương lai, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã bổ sung điều 56, quy định: “CĐT dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại bảo lãnh nghĩa vụ tài chính”.

Trong trường hợp CĐT không bàn giao đúng tiến độ dự án, ngân hàng sẽ sử dụng tiền bảo lãnh để tiếp tục hoàn chỉnh dự án hoặc đền bù cho khách hàng. Điều đáng nói là hiện nay nhiều khách hàng mua căn hộ không hề được CĐT trao chứng thư bảo lãnh, đồng nghĩa với việc dự án không được bảo lãnh ngân hàng theo quy định.

“Nếu không kiểm soát tốt việc này, nguy cơ dự án “đột tử” như PetroVietnam Landmark sẽ còn tái diễn” - ông Hoàng khẳng định.

Hùng Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI