Ngày 4/10, chúng tôi nhiều lần gọi điện đến dịch vụ khách hàng của Parkson nhưng không ai bắt máy. Đơn vị cho thuê mặt bằng tại đây xác nhận với khách hàng, Parkson Cantavil đã không còn hoạt động từ tháng 6/2018.
Không áp dụng trừ tiền từ phiếu quà tặng?!
Đáng nói, một số khách hàng thường tới đây mua sắm “chưng hửng” vì mua hàng không còn được nhận ưu đãi, tích điểm thưởng qua thẻ khách hàng Parkson.
Chưa kể, ngày 4/10, một số khách hàng đến Parkson Cantavil mua sắm cho biết, trước đó có nhận được phiếu quà tặng trị giá 100.000 đồng/phiếu vì mua hóa đơn 1,2 triệu đồng theo chương trình khuyến mại của Parkson. Thế nhưng, giờ mang phiếu tới mua hàng thì không được áp dụng.
|
Nhiều gian hàng giảm giá mạnh và tự giao dịch mua bán, thanh toán, không còn thông qua Parkson như trước đây. |
Chị Thanh (ngụ Q.2, TP.HCM) kể, dịp sinh nhật vừa rồi chị cũng nhận được phiếu quà tặng 100.000 đồng từ Parkson Cantavil, chưa kịp mua hàng thì nay nghe hết mua được vì Parkson Cantavil không còn hoạt động.
“Tôi mua mỹ phẩm, đưa hai phiếu quà tặng trị giá 100.000 đồng còn hạn sử dụng của Parkson cho nhân viên bán hàng để trừ tiền trên tổng hóa đơn mua hàng. Nhưng nhân viên trả lời không áp dụng phiếu này nữa vì không thanh toán qua TTTM Parkson nữa”, chị Thanh nói.
Một số nhân viên bán hàng tại đây cho biết họ nhận được thông báo Parkson đã rút khỏi trung tâm mua sắm này từ tháng 6/2018. Hiện, các gian hàng thực hiện giao dịch mua – bán hàng và thanh toán trực tiếp với khách hàng chứ không thanh toán thông qua TTTM như trước đây. Theo đó, các ưu đãi đối với chủ thẻ Parkson như tích lũy điểm, tặng quà và phiếu quà tặng khách đã nhận trước đó cũng không còn được áp dụng ở đây.
Theo quan sát, so với trước đây, vị trí các gian hàng đã có sự thay đổi, dịch chuyển. Nơi từng là gian hàng mỹ phẩm, thời trang nay được thay thế thành quán cà phê, cửa hàng điện thoại di động, dịch vụ y tế,…
Parkson chính thức gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2005 và từng phát triển lên tới 10 TTTM lớn tại TP.HCM, Hà Nội và Hải Phòng.
Tuy nhiên, doanh nghiệp này liên tục chịu lỗ những năm gần đây và nguyên nhân được cho là do thị trường xuất hiện thêm nhiều đơn vị bán lẻ nước ngoài với tiềm lực mạnh, chiết khấu lớn khiến Parkson không thể cạnh tranh lại.
|
Bảng hiệu Parkson cũng “biến mất” tại khu phức hợp Cantivil An Phú (Q.2); đồng thời Cantavil Premier mall là đơn vị đứng ra quản lý, cho thuê mặt bằng từ tháng 7/2018 đặt bảng thông báo sửa chữa TTTM.
Trong sảnh có bảng thông báo: “TTTM Cantavil Premier mall vẫn hoạt động bình thường trong thời gian nâng cấp”. Đơn vị này cũng đăng số Hotline khi khách hàng có nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh.
Một số chủ gian hàng cho biết họ không còn làm việc với Parkson nhưng tiếp tục thuê mặt bằng thông qua Cantavil Premier mall và vẫn kinh doanh bình thường trong thời gian TTTM này sửa chữa.
Parkson liên tiếp đóng cửa TTTM
Parkson Cantavil hoạt động từ tháng 12/2013 và thời điểm đó là TTTM thứ 9 của hệ thống này tại Việt Nam và thứ 6 tại TPHCM. Parkson Cantavil được đầu tư 8 triệu USD, có tổng diện tích mặt bằng thương mại lên đến 17.815 m2, gồm 1 tầng hầm và 5 tầng kinh doanh.
Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, khu mua sắm này thưa thớt khách đến. Các gian hàng thời trang liên tục đổi chủ, giảm giá, thanh lý hàng tồn… Từ cuối năm 2017 đến nay, các tầng mua sắm liên tiếp treo bảng sửa chữa.
Vào tháng 2/2018, Parkson Flemington Lê Đại Hành (Q.11) cũng đã chính thức thông báo đóng cửa sau 8 năm hoạt động. Đây là TTTM thứ 2 của hệ thống này tại TP.HCM đóng cửa và đến nay, tính thêm Parkson Cantavil thì tổng số TTTM Parkson đóng cửa là 3 TTTM. Hiện, tổng số TTTM Parkson đã đóng cửa tại Việt Nam là 4, riêng Hà Nội đã không còn sự hiện diện của hệ thống này.
|
TTTM Cantavil Premier mall không còn gắn bảng hiệu Parkson, thay vào đó là dịch vụ y tế. |
Như vậy, nếu Parkson Cantavil đóng cửa thì tại TP.HCM chỉ còn 3 TTTM của Parkson đang hoạt động, gồm: Parkson Saigon Tourist Plaza (Q.1), Parkson CT Plaza (Q.Tân Bình), Parkson Hùng Vương (Q.5).
Trên website của Parkson, hệ thống cập nhật danh sách các TTTM còn lại tại Việt Nam vẫn có Parkson Cantavil. Thông báo mới nhất tại phần tin tức sự kiện mà hệ thống này cập nhật là việc đóng cửa Parkson Flemington Lê Đại Hành (Q.11). Chúng tôi nhiều lần gọi điện đến dịch vụ khách hàng của Parkson nhưng không ai bắt máy.
Ghi nhận cho thấy, ngoại trừ Parkson Hùng Vương (Q.5) có lượng khách đông đúc, khách đến mua sắm kết hợp ăn uống, giải trí thì tình hình mua bán tại Parkson Saigon Tourist Plaza (Q.1), Parkson CT Plaza (Q.Tân Bình) vắng vẻ hơn.
Tại Parkson Saigon Tourist Plaza (Q.1), bãi giữ xe nhỏ, không tiện lợi cho khách đến mua sắm gửi xe; chưa kể khách vào TTTM Vincom gần đó nhưng ngại gửi xe dưới hầm, gửi “ké” bãi xe của Parkson.
Trong khi đó, phần lớn khách đến Parkson CT Plaza (Q.Tân Bình) chủ yếu ăn uống và xem phim giải trí. Khách mua sắm rất ít, mặc dù nơi đây liên tục khuyến mại, nhất là cuối tuần, mức giảm giá các mặt hàng lên đến 50%.
Nguyên tầng trệt bày bán quần áo, giày dép… giảm giá của nhiều thương hiệu, bên cạnh các gian hàng mỹ phẩm, song khách cũng... “lướt qua”!. Thậm chí, giày, dép nhiều loại giá chỉ 190.000 đồng, 290.000 đồng/đôi. Điều này càng gây hoài nghi cho khách hàng về chất lượng sản phẩm, vì Parkson thuộc phân khúc khách hàng trung cao cấp, phần lớn sản phẩm có giá hàng trăm đến hàng triệu đồng/món.
Parkson liên tục thua lỗ
Báo cáo tài chính quý I/2018 niên độ 2017 – 2018 vừa được Parkson Retail Asia - Tập đoàn sở hữu và vận hành chuỗi Parkson tại Việt Nam công bố với kết quả lỗ trước thuế 24 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ 7 thua lỗ liên tiếp tại thị trường Việt Nam.
Cụ thể, sau 3 tháng đầu năm 2018, Parkson chỉ thu về khoảng 111 tỷ đồng doanh thu tại Việt Nam, giảm 11% so với cùng kỳ 2017. Trong khi giá vốn và các chi phí vận hành không giảm khiến tập đoàn này lỗ 24 tỷ đồng, cùng kỳ chuỗi trung tâm tại Việt Nam cũng khiến Parkson lỗ 20 tỷ đồng.
|
TTTM Cantavil Premier mall thông báo vẫn hoạt động bình thường trong thời gian nâng cấp. |
Nguyên nhân chủ yếu khiến doanh thu quý vừa qua giảm mạnh do Parkson đã phải đóng cửa TTTM thứ 4 tại Việt Nam vào tháng 2/2018 là Parkson Flemington (TP.HCM).
Với niên độ tài chính bắt đầu từ tháng 7 hàng năm và kết thúc vào cuối tháng 6 năm sau, lũy kế 3 quý của niên độ tài chính 2017 – 2018, Parkson đạt doanh thu khoảng 350 tỷ đồng tại Việt Nam và lỗ tới 48 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo của Parkson cũng cho biết doanh số của cùng một cửa hàng trong kỳ vừa qua cũng giảm tới 9,8% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, ngoài Việt Nam thì Parkson còn thua lỗ tại 3 thị trường khác thuộc Đông Nam Á là Malaysia, Indonesia và Myanmar. Tại Malaysia, thị trường lớn nhất của Parkson Asia, dù doanh thu cao gấp 12 lần so với Việt Nam nhưng tập đoàn này cũng đang phải chịu khoản lỗ gấp hơn 3 lần. Tại Indonesia, doanh thu nơi đây cao gấp gần 2 lần Việt Nam nhưng cũng thua lỗ 2,5 lần. Tại thị trường nhỏ nhất là Myanmar, Parkson cũng đang trong tình trạng thua lỗ tương tự trên dưới 10 tỷ đồng .
Nguyễn Cẩm