Pakistan chuẩn bị bổ nhiệm nữ thẩm phán tòa án tối cao đầu tiên

07/01/2022 - 18:15

PNO - Hôm 6/1, Ủy ban tư pháp Pakistan đã xác nhận việc bổ nhiệm nữ thẩm phán tòa án tối cao đầu tiên trong lịch sử quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi.

Một ủy ban quyết định việc đề bạt các thẩm phán đã bỏ phiếu bầu chọn thẩm phán Ayesha Malik, 55 tuổi, vào vị trí nữ thẩm phán đầu tiên của Tòa án Tối cao, trong 75 năm kể từ khi Pakistan giành được độc lập.

Ayesha Malik, 55 tuổi, nữ thẩm phán đầu tiên của Tòa án Tối cao sau 75 năm
Bà Ayesha Malik, 55 tuổi, nữ thẩm phán đầu tiên của Tòa án Tối cao sau 75 năm

“Bước tiếp theo, một hội đồng nghị viện, trong đó có đủ thành viên của đảng cầm quyền, sẽ xác nhận việc bổ nhiệm bà Malik. Quyết định ngày 6/1 chỉ mới là việc đề cử, chưa phải là một sự bổ nhiệm chính thức”, bà Zahrah Vayani thuộc Hiệp hội Luật sư Nữ cho biết.

“Bà Malik là một luật sư sáng giá. Đây là một thời điểm rất quan trọng và có ý nghĩa đối với Pakistan, khi bà trở thành nữ thẩm phán tòa án tối cao đầu tiên của đất nước”, bà Maleeka Bokhari  - một nhà lập pháp của đảng cầm quyền Pakistan Tehreek-e-Insaaf, đồng thời là thư ký quốc hội về luật - đã nhận xét trên Twitter.

Tuy nhiên, động thái có tính lịch sử nói trên hiện vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi ở Pakistan. Nhiều luật sư và cả thẩm phán cho rằng bà Malik không nằm trong số 3 thẩm phán cao cấp nhất của tòa án cấp dưới, tức chưa đủ điều kiện để được bổ nhiệm vào vị trí thẩm phán tòa án tối cao.

“Vấn đề chính không phải nằm ở những nghi vấn có thể được đặt ra đối với năng lực của thẩm phán Ayesha Malik, mà nằm ở tính minh bạch trong quá trình đưa ra quyết định bổ nhiệm bà”,

Imaan Mazari-Hazir - một luật sư và nhà hoạt động vì quyền - nói với Reuters.

Một số tổ chức của các luật sư đã đe dọa sẽ đình công và tẩy chay các thủ tục xét xử của tòa án, cho rằng yêu cầu của họ đối với việc soạn thảo các tiêu chí cố định cho việc đề cử các thẩm phán của tòa án tối cao đã bị phớt lờ.

Tuy nhiên, bà Vayani đã phản bác điều này. “Đã có hơn 40 thẩm phán lần lượt được đề bạt vào các vị trí cao ở tòa án tối cao. Việc bổ nhiệm một nữ thẩm phán đầu tiên là một bước tiến lớn, và đã được thực hiện theo đúng quy trình trước nay”, bà nói.

Nhất Nguyên (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI