Pakistan: Cha mẹ sẽ bị bỏ tù nếu không cho con tiêm vắc xin

07/09/2023 - 11:05

PNO - Luật mới ở Sindh đưa ra "các biện pháp đặc biệt" để đảm bảo tiêm chủng cho trẻ em chống lại nhiều bệnh truyền nhiễm.

 

Một nhân viên y tế nhỏ giọt vắc xin bại liệt cho một đứa trẻ ở Karachi. Ảnh: Rizwan Tabassum/AFP/Getty Images
Một nhân viên y tế cho các em nhỏ uống vắc xin bại liệt ở Karachi - Ảnh: AFP

Theo luật này, cha mẹ ở Pakistan không cho con tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm có thể bị bỏ tù hoặc bị phạt với nhiều hình thức khác nhau. Mức phạt này có thể là 1 tháng tù và bị phạt 50.000 rupee Pakistan (hơn 160 USD).

Pakistan đưa ra quy định này nhằm nỗ lực loại trừ bệnh bại liệt, vốn là căn bệnh đặc hữu ở nước này. Ngoài tiêm vắc xin bệnh bại liệt, cha mẹ còn phải cho con tiêm phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, sởi, quai bị và rubella.

Đây là đạo luật đầu tiên về vấn đề này ở Pakistan và sẽ có hiệu lực trong tháng này. Shazia Marri - cựu bộ trưởng liên bang về xóa đói giảm nghèo và an toàn xã hội - cho biết: “Quy định sẽ là biện pháp ngăn chặn việc từ chối tiêm chủng. Phải có một số biện pháp đặc biệt để đảm bảo loại trừ loại virus (như bệnh bại liệt) này khỏi Pakistan. Có nhiều lý do khiến loại virus này vẫn còn lưu hành và chúng ta cần giải quyết tận gốc”.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Pakistan và Afghanistan là những quốc gia có bệnh bại liệt lưu hành. Tính từ đầu năm đến nay, Pakistan đã ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh bại liệt, so với 20 trường hợp vào năm 2022.

Tuy nhiên, hơn 62.000 phụ huynh, hầu hết ở tỉnh Sindh, đã từ chối tiêm vắc xin bại liệt cho con mình trong chiến dịch tiêm phòng bại liệt trên toàn quốc vào tháng 1 năm nay.

Các sĩ quan cảnh sát đứng bảo vệ khi nhân viên y tế nhỏ giọt vắc xin bại liệt cho một đứa trẻ ở Karachi. Ảnh: Asif Hassan/AFP/Getty Images
Nhân viên y tế cho trẻ uống vắc xin bại liệt với sự giám sát của binh lính - Ảnh: AFP

Tại Pakistan, nhiều người dân có tư tưởng bày trừ vắc xin vì được truyền bá rằng vắc xin là âm mưu của phương Tây nhằm triệt sản trẻ em Hồi giáo. Ở một số khu vực, những người làm nhiệm vụ tiêm chủng, (thường là phụ nữ), luôn phải có nhân viên bảo vệ hộ tống để bảo đảm an toàn. Thực tế đã có một số nhân viên y tế thiệt mạng khi thực hiện nhiệm vụ này.

Osama Malik - chuyên gia pháp lý ở Pakistan - cho biết, nhiều người đã bị cảnh sát bắt giữ vì từ chối tiêm vắc xin.

Năm 2015, chính quyền thành phố Peshawar ở phía bắc Pakistan đã bắt giữ 471 phụ huynh với cáo buộc gây nguy hiểm cho an ninh công cộng khi từ chối tiêm vắc xin cho con.

Trong đại dịch COVID-19, bất kỳ nhân viên chính phủ Sindh từ chối tiêm vắc xin sẽ bị trừ 1 tháng lương.

 Trọng Trí (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI