'Overseas': Tiết lộ tâm hồn người Việt di cư

13/05/2019 - 12:43

PNO - Tên 'Overseas' được chọn với hàm ý về sự kết hợp và hòa nhập trùng khít các mặt đối lập, chỉ báo về sự trở về đa dạng, thống nhất sau chia cắt, sự tổng hợp sau phân biệt, sự hội nhập giữa trời và đất…

Hai nghệ sĩ đương đại hàng đầu: Tuấn Lê và Nguyên Lê lần đầu kết hợp trong một dự án mang tới bối cảnh của dòng chảy sáng tạo Việt ngày nay, sự biến hóa trong tinh thần dịch chuyển Đông - Tây, sự nở rộ của cội nguồn độc đáo, qua những chuyến du hành của thời gian. Overseas là buổi trình diễn đầy chất thơ ở “hợp lưu” nghệ thuật, tiết lộ tâm hồn của người Việt di cư.

Năm ngoái, khi tôi hỏi có tác phẩm nào anh muốn mang về Việt Nam không, đạo diễn Tuấn Lê trả lời không cần suy nghĩ: Overseas, rồi lại trầm ngâm: “Nhưng không biết bao giờ mới mang về được”. Theo anh: “Quy mô tác phẩm quá hoành tráng, nhiều vấn đề kỹ thuật. Việt Nam chưa có sân khấu hay nhà hát nào đạt chuẩn để có thể diễn vở này. Chưa kể chi phí rất lớn, muốn mang về cũng phải bán được vé”. Thế nhưng, Overseas đã về Việt Nam, nhân sự kiện Những ngày châu Âu, với sự hỗ trợ của Viện Pháp Việt Nam và Phái đoàn Liên minh châu Âu, công diễn tại Hà Nội và TP.HCM.

'Overseas': Tiet lo tam hon nguoi Viet di cu
Nhạc sĩ Nguyên Lê và đạo diễn Tuấn Lê - tác giả của Overseas

Đây là chương trình trình diễn đa nghệ thuật, có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ Việt, theo đặt hàng của Bảo tàng Confluences ở Lyon (Pháp). Như tên gọi, Overseas là sự tụ hội những dòng chảy sáng tạo khác biệt, mang tinh thần Việt trong và ngoài quốc gia. Tên Overseas được chọn với hàm ý về sự kết hợp và hòa nhập trùng khít các mặt đối lập, chỉ báo về sự trở về đa dạng, thống nhất sau chia cắt, sự tổng hợp sau phân biệt, sự hội nhập giữa trời và đất…

Tuấn Lê kể, trong nhiều năm, anh và nhạc sĩ Nguyên Lê luôn mong muốn tập hợp những người Việt, gốc Việt hoặc có “dính dáng” tới Việt Nam trên khắp thế giới, để cùng nhau làm một tác phẩm khác với những tác phẩm đã có ở Việt Nam. Trong những chuyến lưu diễn các nước, họ luôn để ý tìm kiếm, trao đổi. Và rồi những con người ở những nơi khác nhau đã tụ hội về một chốn.

Ngoài Nguyên Lê, Tuấn Lê, còn có nghệ sĩ âm nhạc dân tộc Ngô Hồng Quang từ Hà Lan, beatboxer Trung Bảo từ Mỹ, Alex Tran và Illya Amar ở Pháp. Chưa hết, Cyril là chuyên gia ánh sáng, sống ở Nantes (Pháp), từng có nhiều duyên nợ với Việt Nam qua các chương trình Làng tôi, À Ố show, Festival Huế… và kết hôn với một cô vợ Việt. Đỗ Hải Anh là tài năng múa từ TP.HCM, Phan Hải Bằng với nghệ thuật Trúc Chỉ từ Huế... Đây không phải là một chương trình xác định nhân dạng, mà là đi tìm linh hồn Việt, dù họ có nói được tiếng Việt hay không và dù họ sống ở đâu trên địa cầu này. Đó là thứ tâm hồn Việt đã chuyển biến trong mỗi cá thể người Việt ở nước ngoài, qua nhiều thế hệ.

Tuấn Lê nói: “Khi họ đến với Overseas, tôi chỉ ước mơ nối kết được tinh thần, tư duy của những người trẻ, đâu đó tìm ra cho họ định nghĩa về Việt Nam. Việt Nam đối với họ là gì? Họ có bao nhiêu phần trăm liên quan tới Việt Nam thực sự? Đây chính là cơ hội cho họ khám phá về gốc gác, cốt lõi của mình”.

'Overseas': Tiet lo tam hon nguoi Viet di cu
Một cảnh trong Overseas -  Ảnh: Phúc Hải

Rất khó để định dạng đây là chương trình xiếc, múa hay âm nhạc, càng không phải tạp kỹ. Thường người ta hay phân biệt nội dung và hình thức, nhưng ở đây, hình thức chính là nội dung, nội dung cũng là hình thức, là một buổi diễn của nhiều loại hình nghệ thuật, giao hòa trong bầu không khí thăng hoa. Cảnh trí sân khấu thay đổi liên tục, âm nhạc dẫn dắt, vũ điệu tiếp nối, điểm nhấn từ “trò chơi” ánh sáng trên nền nghệ thuật Trúc Chỉ, các nghệ sĩ đối thoại và cùng nhau trả lời những câu hỏi trên bằng cách kết nối âm nhạc của các dân tộc thiểu số Việt Nam và nhạc jazz, nhạc điện tử, rock, reggae, hip hop, giữa múa đương đại, xiếc, đu dây…

“Bắt nguồn từ một góc tự sự riêng tư, chúng tôi muốn chia sẻ hành trình này, giấc mơ này với các bạn; bởi tất cả chúng ta đều dâng hiến bản thân cho cội rễ, cho trí tưởng tượng vượt xa ngôi nhà thân thương và những chuyến đi, cho số phận đưa ta đến cuộc đời này và cho vô vàn những định mệnh chưa hình thành” - nhạc sĩ Nguyên Lê chia sẻ. 

“Khi tôi lớn lên, tôi biết rằng, tôi là một Việt kiều - một người Việt Nam xa xứ, sinh ra trên mảnh đất không phải quê hương của cha mẹ, nhưng tôi vẫn nuôi dưỡng trong mình những giấc mơ về một đất nước xa xôi.

Album này, như chủ ý của tôi, đặt ra để phản chiếu cách các nền văn hóa dịch chuyển, phát triển và biến hóa trong suốt hành trình đó. Đây là chương tiếp theo, 22 năm sau Những câu chuyện từ Việt Nam và 5 album tiếng Việt khác. Sâu trong gốc rễ của những bài hát truyền thống, nhìn qua lăng kính của nhạc jazz, là sự tìm kiếm linh hồn bên trong của Việt Nam. Hôm nay, Việt Nam đã thay đổi, cũng như tôi. Vậy thì, câu hỏi không còn là “Tôi có phải là người Việt Nam?” nữa, mà sẽ là một câu hỏi lớn hơn.

Overseas là câu chuyện có tính phổ quát, cũng như các khái niệm về nhận dạng và di cư, địa phương và toàn cầu, đang trở nên rất quan trọng hiện thời. Qua bên kia đại dương, người ta biết mình là ai và sẽ trở thành người như thế nào. Nhớ về nguồn gốc của mình và bắt đầu cho một định mệnh chưa được phát lộ".

(lời tựa album Overseas của Nguyên Lê, dịch thô bởi Phan Hải Bằng)

Du Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI