“Niềm hy vọng” trở thành “gánh nặng”
Lúc ra đi, chị từng hy vọng và được hy vọng sẽ giúp gia đình thoát nghèo, vượt khó, đổi đời. Nhưng giờ đây, khi trở về, chị lại trở thành gánh nặng cho người thân. Con còn nhỏ dại, không có giấy tờ hợp pháp, gặp trở ngại trong việc học hành; mẹ chưa có việc làm, việc ly hôn cũng chưa dứt khoát... Bao nhiêu rối rắm ấy khiến chị Nguyễn Thị Bảo Chân, 31 tuổi, ngụ tại P.Thới An, Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ, hồi hương từ Hàn Quốc, rơi vào mặc cảm, tự ti, u uất.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông, kinh tế khó khăn, nên Bảo Chân luôn mơ ước giúp đỡ gia đình bớt đi nỗi nhọc nhằn và có cuộc sống tốt đẹp hơn. Với suy nghĩ ấy, năm 2008, khi vừa 18 tuổi, với nhan sắc dễ nhìn, Chân chấp nhận lấy một người đàn ông Hàn Quốc thông qua môi giới tại TP.HCM.
Chỉ một năm sau Chân sinh con gái. Ngỡ rằng đây sẽ là sợi dây kết nối gia đình bền lâu, nhưng mọi thứ đều không như ý. Còn quá trẻ, Chân không lường trước được những khó khăn trong cuộc sống hôn nhân, nhất là với người xứ lạ. “Bất đồng ngôn ngữ, khác biệt về văn hóa, tập tục và quan trọng hơn cả là giữa chúng tôi không có tình yêu, nên không có sự quan tâm, chia sẻ” - chị Chân cho biết. Dù đã cố gắng, nhưng cuộc sống vợ chồng không thể hòa hợp, chị Chân quyết định ly hôn và đưa con về Việt Nam. Con gái đã 12 tuổi. Hiện mẹ con chị sống chung với gia đình ngoại trong căn nhà nhỏ ở vùng ven TP.Cần Thơ.
|
Lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam cùng các đại biểu cắt băng khánh thành Văn phòng OSSO tại miền Tây Nam bộ |
Miền Tây Nam bộ là khu vực có số lượng phụ nữ lấy chồng nước ngoài nhiều nhất nước. Nhưng “nỗi niềm cô dâu Việt” thì không chỉ riêng ở khu vực này. Theo thống kê, Hàn Quốc là một trong những quốc gia đón nhiều công dân nữ Việt Nam di cư vì mục đích kết hôn, đặc biệt là đến từ các vùng nông thôn, quê nghèo hẻo lánh. Số cô dâu Việt trên đất Hàn có xu hướng tăng lên: năm 2015 là 4.651 người, năm 2016: 7.377, năm 2017: 5.364. Riêng năm 2018, Hàn Quốc có thêm 6.338 cô dâu Việt, chiếm số lượng đông đảo nhất (38%) trong 16.608 cô dâu ngoại quốc. Nhưng tỷ lệ ly hôn trung bình của các năm cũng lên đến 30% (thuộc nhóm quốc tịch có tỷ lệ ly hôn cao thứ hai), khiến cho khoảng 410 trẻ em bị ảnh hưởng mỗi năm. Giai đoạn 2011 - 2019 có 13.996 vụ ly hôn giữa vợ Việt - chồng Hàn. Theo một báo cáo gần đây, hiện chỉ còn tổng cộng khoảng 41.430 cô dâu Việt cư trú tại Hàn Quốc, trong tổng số khoảng 160.000 cô dâu nước ngoài.
OSSO - hãy đến để vươn lên
“Hôn nhân di cư không phải lúc nào cũng mang lại kết quả tốt đẹp, đặc biệt là đối với những phụ nữ gặp khó khăn về ngôn ngữ, văn hóa, tập quán khi đến nơi ở mới. Và đôi khi, chị em đã không vượt qua được. Khi đó, họ muốn trở về nhà, về quê hương để được sống gần gũi với người thân. Hội LHPN Việt Nam có nhiều lợi thế khi có mạng lưới rộng khắp đến tận cơ sở, có thể hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương tốt nhất” - ông Cho Han Deog - Giám đốc Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam - nhận định.
Theo ông Cho Han Deog, khi trở về Việt Nam, chị em phụ nữ gặp nhiều khó khăn vì thiếu việc làm và các vấn đề về pháp lý, tâm lý đối với bản thân và con cái. Thực tế ấy khiến nhiều phụ nữ di cư hồi hương đã gặp khó khăn khi hòa nhập cộng đồng. Khoảng 50% trong số họ khi trở về đã chọn định cư ở một nơi khác. 70% con cái họ không đăng ký lưu trú và không biết tình trạng cư trú pháp lý ra sao. Và thực tế ấy đang rất cần “một điểm đến” để có thể giúp đỡ, hỗ trợ, tư vấn cho chị em trước hôn nhân, trong hôn nhân và đặc biệt là sau khi kết hôn - di cư - hồi hương...
|
|
“Điểm đến” mong mỏi ấy đã có mặt tại đồng bằng sông Cửu Long vào sáng 3/3 khi Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội LHPN TP.Cần Thơ tổ chức khai trương Văn phòng dịch vụ “Một điểm đến” (One-Stop Service Office - OSSO) nhằm hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ tái hòa nhập bền vững. Hoạt động này nằm trong dự án “Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình của họ tại Việt Nam” do KOICA tài trợ và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật.
OSSO Cần Thơ là “Một điểm đến” đầu tiên được khai trương tại miền Tây Nam bộ và là điểm thứ hai được thành lập tại Việt Nam. “Phát âm của từ OSSO trong tiếng Hàn Quốc là “âu-sâu”, có nghĩa là “hãy đến với chúng tôi!” - bà Mi Hying Park, Trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam, chia sẻ.
Là người Hàn Quốc, bà Mi Hying Park đến đất nước hình chữ S xinh đẹp vào giữa năm 2020 để nhận nhiệm vụ công tác tại IOM Việt Nam. “Chuyến đi của tôi đến Việt Nam lần này thật khó quên. Tôi hay mỗi cá nhân trong số 272 triệu người di cư toàn cầu đang sống những cuộc đời mới, đều mang theo nhiều câu chuyện đặc biệt về hành trình tha hương của mình. Trong bối cảnh di cư, tha hương đó, không ít phụ nữ Việt đã gặp hàng loạt vấn đề cần giải quyết để có thể bảo vệ được quyền lợi của mình và đặc biệt là con cái khi trở về” - bà Mi Hying Park chia sẻ.
Hiện nay, khi theo mẹ trở về, những đứa trẻ vẫn được đi học theo độ tuổi, nhưng vì không có giấy khai sinh nên các em không phải là công dân Việt Nam.
Văn phòng OSSO cung cấp các dịch vụ miễn phí về các lĩnh vực: hôn nhân có yếu tố nước ngoài, thủ tục kết hôn, ly hôn, các thủ tục liên quan đến trẻ em có cha mẹ là người nước ngoài; đào tạo, dạy nghề, việc làm và tâm lý cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ. Mọi thông tin chia sẻ của chị em đều được bảo mật và hỗ trợ kịp thời.
Số điện thoại gọi miễn phí chung cho tất cả các văn phòng: 1800 599 967.
|
“Phụ nữ di cư kết hôn khi trở về nước gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan đến trẻ em đi cùng, tìm kiếm cơ hội việc làm và tái hòa nhập cộng đồng. Kết quả sơ bộ nghiên cứu ban đầu về trải nghiệm của phụ nữ di cư kết hôn trở về vừa thực hiện trong tháng 7/2020 cho thấy: 55,1% phụ nữ hồi hương đã ly hôn chồng Hàn Quốc nhưng không có giấy tờ ly hôn có giá trị pháp lý, không có thông tin của chồng nên không trích lục được bản án ly hôn” - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết.
Một khó khăn khác, theo bà Nga, là chị em phụ nữ không thực hiện ly hôn được tại Việt Nam do không ghi chú kết hôn; không có đủ chi phí để giải quyết các thủ tục tại Hàn Quốc… Vì thế, sự ra đời của các văn phòng OSSO hoàn toàn miễn phí là để hỗ trợ chị em cùng trẻ em di cư hồi hương.
“Đầu năm 2021, Hội LHPN TP.Cần Thơ giới thiệu cho tôi đến Văn phòng Một điểm đến với nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình, tôi rất vui mừng. Hy vọng nơi đây sẽ kết nối những chị em cùng cảnh ngộ, giúp nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống, nhất là tâm lý, sức khỏe, việc làm, giáo dục…” - một phụ nữ di cư hồi hương chia sẻ.
Đông Phong
Nói với các bạn trẻ về công, dung, ngôn, hạnh thời hiện đại
Ngày 4/3, Nhà Văn hóa Phụ nữ TP.HCM phối hợp với Ban Tuyên giáo Hội LHPN TP.HCM tổ chức chương trình tọa đàm với chủ đề “Công - dung - ngôn - hạnh thời hiện đại”. Sự kiện là dịp để các thế hệ phụ nữ đi trước và các bạn trẻ trao đổi, chia sẻ quan niệm về giá trị, vẻ đẹp của người phụ nữ xưa và nay.
Với rất nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận như làm thế nào để dung hòa vẻ đẹp hình thể và vẻ đẹp tâm hồn; khó khăn của phụ nữ khi phải cân bằng giữa gia đình với công việc; những thành viên trong gia đình có vai trò như thế nào trong việc góp phần tạo nên người phụ nữ hạnh phúc; “tứ đức” xưa cần được vận dụng như thế nào trong thời hiện đại… buổi tọa đàm mở ra nơi người tham dự những nhận thức mới mẻ về vai trò, vị trí của người phụ nữ ngày nay.
Thu Lê
|