edf40wrjww2tblPage:Content
HƠN CẢ TÌNH THÂM
Năm 2013, việc kinh doanh của ba mẹ chị Khưu Thị Lan (Hóc Môn), chủ nhà nơi chị Trần Thị Thiệp giúp việc bị phá sản, phải bán hết đất đai, nhà cửa lên Bình Phước mua lại căn nhà nhỏ, làm thuê kiếm sống. Ngày chuẩn bị dời đi, ba mẹ chị Lan gọi chị Thiệp đến nói lời tạm biệt, ngoài tiền công tháng đó, bà cụ còn cho thêm chị Thiệp 200.000đ gọi là: “Cảm ơn công cực khổ của cháu”. Hôm sau cả nhà dọn đi, thay vì chia tay chủ ở bến xe để về lại Hồng Ngự, Đồng Tháp, chị Thiệp lại mua vé, leo lên xe đò đi thẳng về xã Long Tân, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước!
Chị Thiệp tâm sự: “Khi có tiền, họ đối đãi với tôi tử tế. Tôi bệnh đi nằm viện, cô chủ chăm sóc, bà chủ nấu cơm mang vào. Giờ họ tay trắng, cô chủ thì mới sinh con nhỏ, chồng bỏ đi mất, nếu tôi “ngoảnh đi” luôn thì… coi sao được”. Suốt bảy tháng qua, ngày ngày, chị Thiệp cùng “cô chủ” của mình dậy từ 4g sáng nấu cơm cho cả nhà rồi cùng vào rẫy mì, vườn cao su làm thuê. Thoạt nhìn, ai cũng tưởng họ là chị em.
Dù đã có người giúp việc theo giờ, nhưng bốn năm nay, gia đình anh Trần Hoàng Sơn ngụ tại 284 Ngô Gia Tự, Q.10, TP.HCM vẫn đối xử chu đáo với gia đình chị Mười, người giúp việc cũ. Anh kể: “Chị Mười sống với ba mẹ tôi từ năm 16 tuổi. Khi chị lập gia đình, ba mẹ tôi đứng gả. Anh Hữu, chồng chị, sau đó được ba tôi nhận vào làm tài xế cho gia đình. Ba mẹ tôi qua đời, anh chị ấy để tang, khóc thương như cha mẹ ruột. Cách đây mấy năm anh Hữu mất, chị Mười sức yếu nên đã về quê sống, nhưng hễ nhà tôi có việc gì là lập tức chị có mặt”.
Chị Mười nghe nhắc chuyện cũng rưng rưng: “Hai mươi năm sống cùng ông bà chủ, tôi chưa bao giờ bị một câu quở mắng. Bà chủ tinh ý lắm, mọi thứ đều chỉ dạy tôi chu đáo. Tôi nhận ra mình có phước hơn rất nhiều người giúp việc khác. Tôi sống tử tế là nhờ được ông bà chủ nuôi dạy đàng hoàng”.
Chị Khưu Thị Lan và chị Trần Thị Thiệp giờ như hai chị em
TÌNH NGƯỜI ĐI TRƯỚC… NGHỊ ĐỊNH
Dù còn cả tháng nữa Nghị định số 27/2014/NĐ-CP mới được thực thi, nhưng trong thực tế, không ít gia chủ đã tự “thu vén” cho người giúp việc của mình từ trước với hợp đồng lao động (HĐLĐ), bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), dù chỉ là sự... tự ý “biến hóa”. Chị Nguyễn Thị Diễm Hằng, chủ một công ty gia đình ở Q.Gò Vấp đưa người giúp việc của mình vào danh sách lao động của công ty để chị này được chế độ BHXH, BHYT.
Chị kể: “Cô ấy làm việc cho nhà tôi từ năm mới 15 tuổi, tới nay đã 18 năm, gia đình tôi ai cũng mến. Từ chị em tôi cho đến các con cháu trong nhà đều được cô chăm chút áo quần, miếng ăn, giấc ngủ chu đáo. Tôi nghĩ, hơn mọi lời cảm ơn, đó chính là cái HĐLĐ và chế độ BHXH để cô ấy có một khoản tiền hưu nho nhỏ. Vì vậy, từ sáu năm trước, sau khi thành lập công ty một thời gian, tôi quyết định cho cô ấy ký hợp đồng với công ty để an tâm có chế độ sau này…”.
Chị Hương Sen, chủ một phòng nha tại Q.3 đăng ký tên người giúp việc nhà của mình thành “nhân viên tạp vụ” cho phòng nha để tiện ký HĐLĐ. Theo chị, dù gì công việc của họ cũng là một nghề đã được nhiều nước trên thế giới công nhận.
“GÁI CÓ CÔNG, CHỒNG CHẲNG PHỤ”
Mối quan hệ giữa gia chủ với người giúp việc gia đình lâu nay căn bản vẫn dựa trên lề lối xin-cho, nên khi Nghị định số 27/2014/NĐ-CP ban hành, có thể không ít gia chủ cảm thấy hụt hẫng về tâm lý, lẽ nào “ông chủ” lại phải ký HĐLĐ với “con ở”, phải trả BHXH và BHYT, tạo điều kiện cho “con ở” được tham gia học văn hóa, học nghề...; trong khi người giúp việc thì chẳng có yêu cầu gì, chỉ mong chủ nhà “thương”, trả tiền sòng phẳng là toại nguyện?
ThS Hoàng Kim Chiến - Phó cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp cho rằng: “Tâm lý bất ổn trong một bộ phận người sử dụng lao động (NSDLĐ) là có cơ sở, nhưng thứ gọi là tâm lý bất ổn ấy cũ lắm rồi và không còn phù hợp nữa, đã đến lúc phải thay đổi. Sẽ không quá khó đối với NSDLĐ trong việc thực hiện các quy định pháp luật đối với người giúp việc, ví dụ như việc ký HĐLĐ bằng văn bản, thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký HĐLĐ thông báo với UBND xã, phường, thị trấn nơi NLĐ làm việc về việc sử dụng người giúp việc. Khó khăn chính, theo tôi, có lẽ thuộc về người giúp việc, vì bản thân họ cũng không có nhu cầu được ký HĐLĐ, đóng BHXH, BHYT".
Với các quy định trong Bộ luật lao động 2012 và Nghị định số 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết, vai trò của người giúp việc với tư cách là làm một nghề được xã hội nhìn nhận đúng mức hơn. Tuy nhiên, ông Chiến cũng nhấn mạnh: “Đừng nghĩ đã có luật thì hai bên sẽ ràng buộc được nhau. Xin thưa, mối quan hệ giữa NSDLĐ và người giúp việc từ bao đời nay có gắn bó lâu bền được hay không vẫn phải trên cơ sở tình người, trên sự hiểu biết, qua lại cùng nhau, như câu ví von “gái có công, chồng chẳng phụ” vậy…”.
NGHI ANH
Theo quy định tại điều 179 của Bộ luật Lao động, lao động là người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình. Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại. Như vậy, những người làm việc trong quán ăn, cửa hàng nhỏ lẻ của tư nhân không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định số 27/2014/NĐ-CP, mà chịu sự điều chỉnh của Nghị định số 44/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động. Theo quy định tại khoản 1, điều 3, Bộ luật Lao động, người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động. Giúp việc nhà không thuộc danh mục công việc nhẹ được sử dụng người dưới 15 tuổi. Ông Huỳnh Thanh Khiết (Phó GĐ Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) |