Ôsin thời nay - Những chuyện bi hài - Bài 2: Đoạn trường ai có qua cầu…

24/04/2014 - 19:59

PNO - PN - Theo kết quả nghiên cứu về lao động giúp việc gia đình tại Việt Nam (trong khuôn khổ Dự án Bảo vệ quyền của người lao động giúp việc tại Việt Nam do Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (GFCD) thực...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Từ trước đến nay, nghề giúp việc nhà thường bị xem là nghề thấp kém trong xã hội, với cách gọi miệt thị là con sen, con ở. Do cái vị trí thấp kém ấy, những người giúp việc phải chịu bao nỗi đắng cay…

Osin thoi nay - Nhung chuyen bi hai - Bai 2: Doan truong ai co qua cau…

Chị L.T.K., người từng bị “tai nạn nghề nghiệp” khi giúp việc nhà

BỎ CỦA CHẠY LẤY NGƯỜI

Chị Hoàng Thị Th., sinh 1964, quê ở Cái Bè, Tiền Giang, hiện giúp việc cho một gia đình ở Q.Gò Vấp, kể: “Năm 2009, chồng tôi bị ung thư bao tử, tôi phải bán hết tài sản chạy chữa. Không nỡ để con dở dang việc học, tôi lên thành phố giúp việc nhà gửi tiền về nuôi mấy cha con. Với số lương của tôi, ở quê tằn tiện cũng đắp đổi qua ngày”.

Công việc trước đây của chị Th. là chăm sóc bà cụ bị liệt nửa người ở Q.9. Rảnh thì chị làm việc nhà, nấu cơm, giặt giũ. Nhà chỉ có hai ông bà cụ, nên cũng không vất vả lắm. Nhưng, nhà của vợ chồng con trai ông bà cụ ngay bên cạnh. Cứ thấy chị Th. ngơi tay là cô con dâu ông bà kêu chị Th. qua nhờ lau dọn, rửa chén, ủi đồ… rồi cho ít tiền tiêu vặt. Hai năm liền chị Th. cố gắng làm đẹp lòng cả hai gia chủ. Gần đây, bà cụ trở bệnh nặng, tối đau nhức người không ngủ được, bắt chị dẫn đi vệ sinh, bóp tay chân suốt đêm. Chị Th. mất ngủ, ngày đờ đẫn… nên chỉ làm việc được ở nhà của ông bà cụ, rồi lăn ra ngủ bù, để đêm còn thức chăm bà cụ.

Chiều hôm ấy, H. con trai ông bà cụ đi làm về đã có hơi men, thấy nhà cửa bề bộn, đống chén dơ chưa rửa, nên quát tháo gọi chị Th. sang. Đang bận đút cháo cho bà cụ ăn, chị không sang được. Thế là H. chạy sang, nhìn chị Th. trừng trừng, rồi chộp lấy cây thước gỗ trên bàn quất vào người chị. Chị buông chén cháo, bỏ chạy ra khỏi nhà, trên người chỉ mỗi bộ quần áo, đi chân không, túi chẳng có đồng xu. Chị phải đi xe ôm đến nhà người quen mượn tiền trả, xin tá túc, rồi nhờ người đến lấy quần áo về, tìm chỗ làm khác.

Dù vụ việc xảy ra đã hơn bốn tháng nhưng nhớ lại, chị vẫn rơi nước mắt: “Cực khổ mấy tôi cũng chịu được, nhưng sao lại đánh tôi như vậy? Chạy rồi tôi mới nghĩ tới tháng lương thứ 13 họ hứa trả mà tiếc hùi hụi. Nhưng mình bỏ đi trước cả tháng vậy, về xin chắc người ta cũng không trả. Lại chẳng có hợp đồng hợp điếc gì, làm sao đòi được. Đành vậy…”.

TỪ GHEN ẨU ĐẾN CƯỠNG BỨC THẬT

Chị L.T.K. trông trắng trẻo, có duyên, đã ly hôn, có một con. Chị K. phải gửi con cho mẹ ruột đi giúp việc nhà ở Q.Bình Thạnh. Gia chủ là ông bà D., đều xấp xỉ 65 tuổi. Vợ chồng con gái ông bà D. đi làm suốt, lại ở tầng ba, ăn uống riêng, nên chị K. chỉ lau nhà, giặt giũ, nấu cơm cho ông bà. Công việc không vất vả, nhưng phiền một nỗi là bà cụ rất mộ đạo, suốt ngày ngồi lần tràng hạt hoặc đọc kinh, còn bắt chị K. phải ngồi bên cạnh, trong khi chị lại theo đạo Công giáo.

Lúc đầu vì nể chủ nhà, chị ráng ngồi nghe, sau chị tìm cớ nọ cớ kia để tránh. Nhưng, chị rời khỏi chỗ chừng năm phút là bà ngừng đọc kinh, hét lên gọi chị ngồi cạnh bà. Chịu không được, chị K. nói thật vì mình khác đạo, xin phép không ngồi đọc kinh và lần tràng hạt với bà. Lúc này bà D. mới nói thẳng: “Tôi ở đâu thì chị phải ở ngay đó, bên cạnh tôi, trước mặt tôi. Ở chung một nhà mà ông thì đẹp trai, chị thì tốt gái thế, tôi sểnh ra một tí thể nào hai người lại chẳng quan hệ với nhau”.

Chị K. òa khóc, chợt nhớ những lần chị vừa khuất mắt nhằm lúc ông D. đang đi vắng, là bà D. cuống cuồng gọi tìm. Hóa ra, chị đã bị “quản thúc” suốt bốn tháng rồi mà không biết. Từ hôm đó, bà D. luôn miệng chì chiết, mắng nhiếc chị, chị làm việc gì bà cũng không vừa ý. Một lần thấy chị K. lên lầu lau dọn, bà D. xông lên theo tận mắt thấy chị K. đang… lau sàn nhà, ông D. thì đang ngủ. Vậy mà bà vẫn bù lu bù loa, cho là chị K. tìm cách tiếp cận chồng bà.

Osin thoi nay - Nhung chuyen bi hai - Bai 2: Doan truong ai co qua cau…

Chị Trần Thị Xuân Mai (giúp việc nhà tại đường Nguyễn Văn Quá, P.Đông Hưng Thuận,Q.12): "Tôi quá sợ hãi chuyện hợp đồng ảo với chủ nhà, vì vậy hai năm nay, tôi ký hợp đồng lao động với công ty để được bảo đảm quyền lợi"

Chịu không nổi sự xúc phạm, chị K. tìm chỗ làm mới ở Q.11. Ở đây, công việc cực nhọc hơn do phải nấu ăn cho cả nhà sáu người, còn phải phụ chăm em bé, là cháu ngoại của ông bà chủ. Công việc của chị khá vất vả nên khi ông N., là chủ nhà, hay cho tiền thêm, chị cũng thầm biết ơn.

Ông nói: “Cô cực khổ quá! Lại nấu ăn ngon, rất vừa ý cả nhà, nhưng tăng lương cho cô thì bà nhà tôi không chịu, nên tôi gửi biếu cô riêng”. Nào ngờ, lấy cớ phải cho tiền lén lút, ông N. cứ tranh thủ lúc nhà không có ai là mò xuống bếp. Sau ba tháng chị K. làm việc ở nhà này, có lần ông chủ bước vào bếp, đưa tiền… rồi ôm chầm lấy chị định cưỡng bức… Lúc đó, con gái của ông N. phát hiện, la lên. Xui cho chị, hai đứa con của ông bà vừa tới chơi đã xông vào túm tóc đánh chị tơi tả. Ông N. bỏ đi mất. Chị K. bị tống ra cửa với túi quần áo, mất đứt tháng lương đó.

LƯƠNG… “MỘT CỤC”

Chị T.T.Nh., quê ở Quảng Ninh, không có chồng. Năm chị 40 tuổi, ba mẹ mất, sống không thuận thảo với anh trai và chị dâu nên chị vào TP.HCM, giúp việc cho một khách sạn mini ở huyện Bình Chánh, lương thỏa thuận là 3.000.000đ/tháng. Biết hoàn cảnh chị chỉ có một mình, chủ khách sạn bảo: “Chị cần chi tiêu gì cứ nói tôi đưa. Còn thừa tiền lương tháng bao nhiêu tôi giữ hộ cho. Bao giờ muốn về quê hay nghỉ việc tôi trả một lần. Phải lãnh lương “một cục” thì chị mới có số tiền lớn mà làm vốn hay dưỡng già”.

Thấy nhà chủ giàu có, nói nghe cũng bùi tai, vả lại, mỗi tháng đều ghi chép vào sổ, sau khi trừ tiền chị lấy tiêu vặt, còn bao nhiêu cứ cộng dần lên. Đọc thấy số tiền của mình ngày một nhiều hơn… trong cuốn sổ, chị Nh. khấp khởi, cố gắng chăm chỉ để được khách “boa” thêm xài riêng, tiền lương hàng tháng thì không dám đụng đến, gửi trọn niềm tin cho bà chủ.

Chị Nh. làm được hai năm, vẫn không thấy bà chủ tăng lương, thưởng lương tháng 13 như đã hứa. Chị xin tăng lương thì bà chủ than làm ăn ế ẩm. Cuối năm, chị Nh. nhắc tiền thưởng, bà chủ lì xì chiếu lệ, rồi lờ luôn. Chị Nh. tranh thủ lúc đi chợ ghé xin việc ở một nhà trọ khác với mức lương cao hơn. Về xin nghỉ, bà chủ ngọt ngào: “Chị nghỉ thì nghỉ, đi đâu thì đi, chừng nào có tiền tôi nhắn chị về lấy, chứ giờ tiền tôi đầu tư vô mua đất, mà nhà đất đóng băng, không bán được nên tôi không có tiền trả chị đâu!”. Sợ bỏ đi thì mất luôn tiền, vì ngoài cuốn sổ ghi chép do bà chủ giữ, chị Nh. đâu có… mảnh giấy lộn nào. Ấm ức nhưng cuối cùng chị vẫn phải cắn răng ở lại làm, không biết tới bao giờ mới thấy “một cục” tiền lương mấy năm qua của mình!

Chị L.T.M., tạm trú ở đường Trường Chinh, P.13, Q.Tân Bình giúp việc theo giờ cho một chủ sạp vải ở chợ Tân Bình. Chị M. rất thích chơi hụi để dành tiền, nên lãnh bao nhiêu lương là đem đóng hụi hết. Nhưng, thay vì trực tiếp chơi, chị M. lại gửi nhờ bà chủ “chơi giùm”. Mấy vòng hụi đầu, chị được hốt bình thường, nhưng cuối năm 2013, khi chị định “hốt hụi chót” để đem tiền về quê thì bà chủ đã hốt sạch các đầu hụi của chị. Các chủ hụi cho chị biết: “Bà chủ của chị kêu giao hụi để bà cất tiền giùm. Vì bình thường bà ấy vẫn góp hụi nên tôi giao cho bà ấy rồi.”

Chị M. tức tốc chạy về hỏi, bà chủ gật đầu xác nhận: “Chị hốt hết rồi. Tại chị cần vốn đầu tư quán cà phê cho con trai chị ra riêng, để mai mốt chị gom trả em”. Không chỉ tiền lương mà cả dây chuyền, nhẫn vàng của chị M. đeo lúc mới vào làm cũng bị bà chủ kêu đưa “cất giùm”, vì sợ chị M. đeo đi chợ bị giựt. Giờ chị đòi lại, bà chủ nói: “Lỡ đem cầm, vài bữa sẽ chuộc lại trả”. Chị M. khóc tức tưởi: “Giờ biết làm gì để lấy lại tiền, vàng đây? Mà cũng không dám bỏ đi làm chỗ khác, sợ họ không trả luôn”.

Điều đáng nói là đa số những người giúp việc học vấn thấp, không hiểu biết nhiều về luật pháp, tiền lương gửi lại hay nữ trang riêng gửi chủ cất đều không có giấy tờ, không có người làm chứng, nên khó có thể nhờ pháp luật can thiệp nhằm bảo vệ quyền lợi cho mình.

 TINH CHÂU

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI