Oshin là một cô gái lớn lên trong cảnh nghèo khó ở vùng nông thôn Nhật Bản vào đầu thế kỷ XX. Dù phải chịu nhiều bi kịch cá nhân, cô vẫn kiên trì và cuối cùng trở thành chủ một chuỗi siêu thị ở Nhật Bản. Rất lâu trước khi ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc bùng nổ, một bộ phim truyền hình nhiều tập như Oshin là hiện tượng chưa từng có ở châu Á. Thậm chí, nó còn được đánh giá là một bộ phim bom tấn toàn cầu.
Một tình yêu bền bỉ
Oshin (297 tập) kể về cuộc đời người phụ nữ tên Shin, sinh vào cuối thời kỳ Meiji (Minh Trị) đến đầu thập niên 1980.
Trong tiếng Nhật, để thể hiện sự tôn trọng, Shin được gọi là “Oshin” (từ “Shin” là “Shin” trong “Shinbo” nghĩa là tâm bão, chỉ sự đắng cay, nhẫn nại và kiên trì). Khi phát sóng ở Việt Nam vào năm 1994, tên phim được phiên âm thành “Ô sin”.
|
Ba diễn viên đóng vai Oshin theo từng giai đoạn cuộc đời - ẢNH: CNA |
Bộ phim bắt đầu từ hình ảnh Oshin bảy tuổi phải đi giữ trẻ cho một nhà xa lạ. Rồi cuộc đời của Oshin bước sang một trang khác cũng xám xịt. Sau khi phát hiện quán bar mà cô được gửi vào làm việc là một động mại dâm trá hình, Oshin đã cùng chị gái lên Tokyo theo nghề thợ làm tóc.
Rồi Oshin kết hôn. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của vợ chồng họ bị trận động đất năm 1923 phá hủy. Do cuộc hôn nhân của họ không được mẹ chồng chấp nhận, Oshin đã phải chịu rất nhiều gian truân. Cuộc đời Oshin tiếp tục trải qua nhiều thăng trầm. Giữa nghịch cảnh, bà một mình gầy dựng sự nghiệp, nuôi dạy con cái trưởng thành, làm ăn
phát đạt...
Mới đây, bộ phim trong ký ức nhiều người bỗng được gợi lại sau khi nhà biên kịch Sugako Hashida, mẹ đẻ của Oshin, qua đời (tháng 4/2021, ở tuổi 96, vì bệnh ung thư hạch). Bà là một trong những nhà văn truyền hình thành công nhất của Nhật Bản, từng được trao tặng Huân chương Văn hóa của nước này.
Hay tin bà qua đời, người hâm mộ khắp nơi đã bày tỏ lòng tưởng nhớ trên mạng xã hội. Người xem ở Sri Lanka đã đăng trên Twitter, bày tỏ lòng thương tiếc vì sự ra đi của bà Hashida. Ở Trung Quốc, người dùng trên nền tảng Weibo hồi tưởng về việc Oshin là bộ phim truyền hình đã đưa họ đến với làng giải trí Nhật Bản. “Bộ phim thực sự khiến tôi xúc động. Hôm nay tôi vẫn có thể ngân nga bài hát trong phim” - một người dùng Weibo bình luận.
|
Nữ biên kịch Sugako Hashida - mẹ đẻ của bộ phim Oshin - ẢNH: BBC |
Tình yêu, sự hy sinh, lòng kiên trì và sự tha thứ
Bộ phim Oshin ra mắt vào tháng 4/1983, được xem như một phim truyền hình điển hình - một bộ phim truyền hình gia đình có nữ chính được phát sóng vào buổi sáng, nhắm đến đối tượng các bà nội trợ. Tuy nhiên, phim nhanh chóng trở thành hiện tượng nổi bật ở Nhật Bản - thời điểm đó đang nằm trong sự kìm kẹp của “nền kinh tế bong bóng” vật chất.
“Câu chuyện nghiệt ngã về nghèo đói của Oshin là một đối trọng được hoan nghênh rất nhiều so với sự tiêu dùng hào nhoáng, thừa thãi và phô trương của thời đại đó” - một nhà báo Nhật Bản bình luận.
Tiến sĩ Arvind Singhal, giáo sư truyền thông tại Đại học Texas ở thành phố El Paso, bang Texas (Mỹ) nói với đài BBC rằng, bộ phim trở thành một mặt hàng xuất khẩu toàn cầu thành công nhờ các giá trị phổ quát của nó: “tình yêu, sự hy sinh, lòng kiên trì và sự tha thứ”.
Thật vậy, Oshin đã thu hút mọi người bởi sức mạnh và lòng kiên trì của cô gái nhỏ khi đối mặt với khó khăn. Từ việc bị đổi túi gạo khi còn nhỏ, mất con trai trong chiến tranh và chồng tự tử, Oshin chưa bao giờ tuyệt vọng.
|
Chợ đồ cũ tanakura ở Iran - ẢNH: BBC |
“Câu chuyện của Oshin đã dạy chúng tôi rằng, bất kể cuộc sống của bạn khó khăn đến đâu, nếu dám dũng cảm đương đầu, bạn đều có thể vượt qua”, bà Wong (70 tuổi, sống ở Hồng Kông) - một người hâm mộ bộ phim - nói với đài BBC.
Phần lớn thành công của Oshin nhờ vào khả năng viết lách điêu luyện của bà Hashida. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2018, bà Hashida cho biết kịch bản Oshin được truyền cảm hứng một phần từ những cuộc gặp gỡ ban đầu giữa bà với mẹ chồng. Quan hệ mẹ chồng - nàng dâu giữa bà với mẹ chồng từng căng thẳng suốt một thời gian.
Trong một tác phẩm năm 2019 viết cho tờ Nikkei Shimbun, bà Hashida nói Oshin được mô phỏng theo câu chuyện của “tất cả những phụ nữ ở Nhật Bản đã sống sót qua những năm khó khăn”, trong đó có bà. Cuộc đời Oshin gần giống cuộc đời bà Hashida trong giai đoạn bà phấn đấu để trở thành một nhà biên kịch. Quyết theo đuổi đam mê, cuối cùng bà đã thành công với vai trò một nhà viết kịch bản truyền hình sau nhiều năm bị từ chối.
Trailer phim Oshin:
Hội chứng Oshin
Khắp thế giới, nỗi ám ảnh về bộ phim là một điều mới lạ vào thập niên 1980, đến nỗi nó được đặt tên là “Hội chứng Oshin”. “Oshin khuấy động cảm xúc của khán giả trên một quy mô mà trước đây chưa phim truyền hình nào làm được - một loại cơn sốt hoành hành trên toàn thế giới. Tác động của bộ phim thật sự sâu sắc” - tiến sĩ Singhal cho biết.
Tại Thái Lan, người ta nói các cuộc họp nội các đã được dời lịch để không trùng giờ phát sóng phim. Một tờ báo ở Bangkok đã chứng kiến lượng người xem Oshin tăng 70% chỉ sau một đêm.
Tại Hồng Kông, di sản của bộ phim được bảo tồn dưới hình thức Oshin House - một chuỗi cửa hàng bán lẻ đồ ăn nhẹ từ Nhật Bản. Người sáng lập nó cho biết ông điều hành doanh nghiệp của mình với “tinh thần Oshin”, tức là sự cứng rắn và cần cù.
Đến nay, lời ca từ phiên bản tiếng Quảng Đông của bài hát chủ đề - “nghiệp chướng là đối thủ của bạn, đừng bao giờ bỏ cuộc” - thường xuyên được cư dân thành phố này sử dụng như một câu nói đầy cảm hứng.
Lấy cảm hứng từ thành công của Oshin trong việc mở một gian hàng quần áo, người Iran đặt tên cho khu chợ đồ cũ của họ là chợ “tanakura” - một từ trong phim để vinh danh họ của Oshin là Tanokura. Cái tên chợ ra đời và ghi dấu ấn mạnh đến mức quần áo cũ giờ đây được gọi đơn giản là tanakura.
|
Oshin House ở Hồng Kông - ẢNH: BBC |
Tại Việt Nam, nhiều người vẫn sử dụng “oshin” như một danh từ để chỉ người giúp việc gia đình, gợi nhớ công việc đầu tiên của nhân vật Oshin. Tại Hà Nội, một khu phố có nhiều người giúp việc nhà và vú em sinh sống đã được gọi tên là “xóm oshin”. Tại Ghana, “phải chịu đựng như Oshin” trở thành cụm từ phổ biến để mô tả những người phải trải qua nhiều sóng gió.
Một số người thậm chí còn cho rằng Oshin đã giúp đảo ngược tình cảnh chống Nhật Bản sau những gì Nhật Bản đã gây ra trong quá khứ ở một số quốc gia Đông Nam Á vào Thế chiến II. “Chẳng hạn, khán giả ở Thái Lan và Indonesia đã thay đổi đáng kể quan điểm của họ về người Nhật máu lạnh sau khi xem phim” - tiến sĩ Singhal nói.
Đã gần bốn thập niên trôi qua kể từ khi Oshin công chiếu, những người hâm mộ bộ phim như bà Wong ở Hồng Kông vẫn luôn tin rằng câu chuyện đầy cảm hứng này thực sự đã vượt thời gian. Bà nói dù thành phố của bà đang trong giai đoạn gian nan sau các biến cố chính trị và các thách thức của dịch COVID-19, những bài học trong phim đã giúp họ vượt qua.
“Tôi nghĩ mọi người ngày nay, đặc biệt là giới trẻ, nên ghi nhớ và học hỏi từ Oshin. Hãy đối mặt trực tiếp với vấn đề của bạn vì không có gì là không thể giải quyết” - bà Wong nói.
Tú Quyên