13 năm trước, nơi đây là vùng đất trũng hoang sơ, thấy Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ về đầu tư, chính quyền địa phương và nhiều người ái ngại. Có người đặt cho ông cái tên “Việt kiều té giếng”, bởi họ nghĩ ông "bị điên" mới về vùng đất khỉ ho cò gáy này lập nghiệp. Nhưng ông có lý lẽ riêng của mình.
Trà Vinh là mảnh đất trù phú, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, với 65 km bờ biển, quanh năm không chịu bão lũ. Nhiều người thấy nơi này cách trở về giao thông còn ông Mỹ lại thấy đây là địa bàn lợi thế, khi chỉ cần ra biển Ba Động là đã thấy Singapore, Alaska… Trên hết, Trà Vinh chính là một phần máu thịt của ông, nơi đã sinh ra và nuôi lớn tuổi thơ ông.
Tuyển nhân viên là người "trong veo"
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, nguyên Chủ tịch Mỹ Lan Group, từng làm việc cho những công ty điện toán và in ấn hàng đầu thế giới như IBM, Sun Chemicals và Kodak Polychome Graphics. Công ty American Dye Source (ADS) do ông sáng lập năm 1997 tại Canada, đã tạo ra cuộc cách mạng trong ngành in, phát quang, điện tử hữu cơ…
Luôn đau đáu ham muốn thoát nghèo cho quê hương, năm 2004, ông Mỹ quyết định về Việt Nam lập nghiệp. Việc ông về Trà Vinh đầu tư nhà máy trước sự ngỡ ngàng của nhiều người là một minh chứng cho việc dám nghĩ khác, làm khác của ông.
|
Ở tuổi 60, doanh nhân Việt kiều Nguyễn Thanh Mỹ tiếp tục khởi nghiệp. Ảnh: Internet. |
Ở Mỹ Lan, việc nghĩ khác luôn được ông khuyến khích.
Bản thân ông Mỹ khi tuyển dụng nhân viên cũng đã thể hiện sự… khác thường. Trong khi nhiều đơn vị chú trọng bằng cấp, ông lại chỉ muốn tuyển những người “trong veo” chưa biết gì, không bằng cấp, không kinh nghiệm.
Theo ông, với những người như tờ giấy trắng, việc vẽ lên đó bức tranh thế nào sẽ dễ dàng hơn là việc phải đào tạo lại những người đã biết ít nhiều.
Có lần qua sông, ông Mỹ gặp 1 cô gái trẻ trên cùng chuyến phà. Bắt chuyện, ông biết cô gái ít được đi học nên tự ti không dám xin việc làm ở đâu.
Ông hỏi: “Con có muốn vô Mỹ Lan làm không, chú giới thiệu. Chú có quen ông chủ bên đó”.
Cô gái trả lời: “Con không được học hành đâu dám xin vô, công ty đó bự lắm”.
Ông động viên cô gái cứ thử, miễn là cô muốn học hỏi và chịu thương chịu khó. Rồi ông hướng dẫn cô đến công ty nộp hồ sơ. Ông bảo, nhân sự Mỹ Lan có nhiều những người chẳng qua trường lớp nhưng làm việc hiệu quả, và được cổ vũ hết mình như thế.
Để hiện thực hóa mong muốn tạo môi trường cho nhân viên của mình có cơ hội thể hiện sự sáng tạo, năm 2011, ông Mỹ cho thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển vật liệu quang điện tử và hóa dược nằm trong khuôn viên của Tập đoàn tại khu công nghiệp Long Đức.
“Đây là nơi ươm mầm cho những sáng chế, phát minh trong lĩnh vực hóa dược và quang điện tử”, ông Mỹ cho hay.
Hai năm sau khi thành lập Công ty hóa chất Mỹ Lan, ông phối hợp với Đại học Trà Vinh thành lập khoa Hóa học ứng dụng, đặt ngay trong khuôn viên Mỹ Lan. Ông làm trưởng khoa, nhằm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các doanh nghiệp tại địa phương.
Ngay từ năm học đầu tiên, hàng năm các sinh viên của khoa đều có bốn tháng thực tập tại Công ty Mỹ Lan với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Không chỉ được cọ xát thực tế, được cùng làm việc với các chuyên gia nghiên cứu của Mỹ Lan, sinh viên còn có cơ hội nghiên cứu trực tiếp và đưa những nghiên cứu của mình vào ứng dụng trong thực tế.
Sau khi công ty hoạt động ổn định, ông Mỹ lại thành lập thêm hai công ty khác là Công ty Sản xuất vật tư ngành in Mỹ Lan (nghiên cứu, phát triển, sản xuất bản kẽm in offset và vật tư ngành in) và Công ty cổ phần MyLan Quang Điện tử (nghiên cứu, phát triển, sản xuất và cung cấp dịch vụ cho các vật liệu màng mỏng polymer đa năng dùng trong công nghệ quang học, điện tử, in kỹ thuật số, đóng gói bao bì thực phẩm, dược phẩm).
Công ty Sản xuất vật tư ngành in Mỹ Lan được xem là con gà đẻ trứng vàng của tập đoàn, với khoảng 60% thị phần bản in offset trong nước, doanh thu xuất khẩu lên tới 80%.
Tiến sĩ Mỹ cho biết hiện tại doanh thu của toàn thị trường ngành in thế giới khoảng 900 tỷ USD, trong đó 50% đến từ lĩnh vực truyền thông, 50% đến từ ngành in đóng gói bao bì. Đến năm 2020, dự đoán độ lớn của thị trường lên khoảng 1.000 tỷ USD, với 60% đến từ ngành in bao bì và 40% từ lĩnh vực truyền thông.
Bài học đầu tiên: Đi toa-lét
Không phải là những buổi miệt mài học nội quy công ty hay chuyên môn, đi toa-lét là bài học đầu tiên mà bất cứ nhân viên nào khi vào Mỹ Lan cũng được học.
Một điều tưởng chừng như đơn giản, nhỏ bé với nhiều người nhưng ông Mỹ lại cho rằng nó cực kỳ quan trọng trong hành trình sống tử tế của mỗi người.
Tất cả nhân viên được dạy từ cách ngồi toa-lét, cách lau dọn bồn rửa mặt sạch sẽ mỗi khi sử dụng, để làm sao cho nhà vệ sinh trở thành nơi thực sự thư thái khi bước vào.
Chẳng thế mà bất cứ vị khách nào đến Mỹ Lan cũng đều trầm trồ vì toa-lét nào trong nhà máy cũng sạch bong, thơm tho với những cuộn khăn lau tay trắng tinh được xếp ngay ngắn như những bông hoa.
Từ nhà vệ sinh đến khu làm việc và khuôn viên công ty, chỗ nào cũng sạch tinh tươm như thế. Ông Mỹ nói, tạo được cho nhân viên thói quen tốt khi đến nơi làm việc, để rồi khi về nhà, khi ra xã hội, họ cũng sẽ là những người tốt, người tử tế.
Mỹ Lan có căn-tin sáng loáng, ngày 3 bữa phục vụ đồ ăn miễn phí cho nhân viên. Thường đến giờ ăn trưa, bà Bùi Thị Nhàn, vợ ông Mỹ lại đứng gắp đồ ăn cho từng người.
Làm phân bón như… kẹo
Gần 20 năm miệt mài xây dựng Mỹ Lan Group như một “thung lũng quang điện tử” công nghệ cao bậc nhất tại một tỉnh còn nghèo của Việt Nam, cuối 2015, ông trao hết quyền quản lý Mỹ Lan cho bà Bùi Thị Nhàn, vợ ông, để về cù lao Long Trị khởi nghiệp lần thứ ba khi đã 60 tuổi.
Ông bảo, chứng kiến cảnh người dân nghèo đói dù tài nguyên phong phú, trong khi người tiêu dùng phải tiêu thụ những thực phẩm bẩn, ông không cam lòng. Đó là lý do ông lập Công ty Ryan Agrifoods, chuyên áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.
Một trong những sản phẩm đầu tay của Ryan Agrifoods là phân bón thông minh. Ông Mỹ đã bỏ khoảng 5 triệu USD (hơn 110 tỷ đồng) cho việc sản xuất loại phân bón có hình dạng không khác những viên kẹo sặc sỡ. Phân chứa đủ các khoáng chất vi lượng, khi bón vào gặp nước sẽ trương nở, sau đó phân tán ra theo mưa, nắng và sẽ phân hủy hoàn toàn do nắng trời, vi khuẩn và áp lực cày bừa của người nông dân.
Loại phân bón tan chậm có kiểm soát này giúp nông dân giảm 50% chi phí so với phân bón thông thường, và chỉ cần bón một lần thay vì 4 lần trong vòng đời sản gieo trồng.
“Tôi muốn dành những năm tháng cuối đời giúp xây dựng nông nghiệp thông minh và phù hợp cho quê hương, điều đó giúp tôi hạnh phúc hơn trong cuộc sống”, Tiến sĩ Mỹ chia sẻ.
Ngoài phân bón thông minh, ông cùng các cộng sự của mình đang tiếp tục nghiên cứu để cho ra đời những sản phẩm công nghệ cao phục vụ cho nền nông nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Mỹ sinh ra và lớn lên ở làng Thanh Mỹ, huyện Châu Thành - Trà Vinh. Ông từng học tại Đại học Kỹ Thuật Phú Thọ (nay là Đại học Bách Khoa TP.HCM), sau đó sang Canada định cư năm 1979.
Năm 1990, ông lấy bằng tiến sĩ với đề tài về “hợp chất cao phân tử liên hợp điện quang” tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học năng lượng và Vật liệu INRS - Energie et Materiaux, Varennes, Quebec. Ông từng làm việc tại các công ty IBM, Sun Chemical và Kodak Polychrome Graphics.
Năm 1997, ông thành lập Công ty American Dye Source, Inc (ADS), tại Canada, chuyên nghiên cứu hóa chất, vật liệu ngành in và kỹ thuật quang điện tử.
Năm 2004 ông về Trà Vinh lập nghiệp. Công ty Hóa chất Mỹ Lan ra đời vào năm 2005 và phát triển mở rộng đến nay, thành Công ty cổ phần tập đoàn Mỹ Lan gồm 3 công ty thành viên: Công ty cổ phần Mỹ Lan, Công ty Sản xuất vật tư ngành in Mỹ Lan và Công ty cổ phần MyLan Quang Điện tử.
Ông Mỹ là người có hơn 200 bằng phát minh được công nhận tại Mỹ, Canada, châu Âu và những nước khác trên thế giới. Ông cũng đã viết hơn 55 bài báo về hóa học và vật liệu đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế.
Hiện nay, ngoài việc kinh doanh và đầu tư tại Trà Vinh, ông Mỹ còn tham gia giảng dạy và là Trưởng khoa Hóa học ứng dụng, Đại học Trà Vinh từ năm 2007. Ông còn là Ủy viên Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam khóa VI và VII.
|
Khánh Hà