"Ông trùm" bản đồ thế giới sẽ loại bỏ chữ "Trung Quốc" ra khỏi tên Biển Đông?

15/07/2016 - 12:43

PNO - Nhiều chuyên gia đã đánh giá việc đổi tên Biển Đông (South China Sea) là rất cần thiết. Google Maps chắc hẳn sẽ có những điều chỉnh sao cho phù hợp với những luật lệ quốc tế.

Theo BBC, Google Maps vừa bỏ tên tiếng Trung của một bãi cạn đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông trên dịch vụ bản đồ Google Maps. Theo đó, tên Huangyan (Hoàng Nham) được thay bằng tên quốc tế bãi cạn Scarborough.

Trước đó, Google Maps xác định bãi cạn Scarborough là một phần của cái mà Bắc Kinh gọi là quần đảo Zhongsha (Trung Sa) ở Biển Đông.

Bãi cạn Scarborough hiển thị trên Google Maps.

Thay đổi trên được tiến hành sau khi có một bản kiến nghị trên mạng cho rằng việc dùng tên Trung Quốc Huangyan không hợp lý bởi khu vực này đang có tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila. Philippines gọi đây là Panatag Shoal.

Họ yêu cầu Google Maps thay đổi tên gọi và ngừng xem Scarborough là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Bản kiến nghị thu hút được hàng nghìn chữ kí.

Đáp lại, Google nói trong thư gửi tới hãng tin BBC: “Chúng tôi hiểu rằng các địa danh có thể gây tác động tâm lý sâu sắc. Đó là lý do chúng tôi nhanh chóng xử lý ngay khi được biết về vấn đề này".

Tuyên bố trên của Google được đưa ra vào thời điểm nhạy cảm khi Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII vừa đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo đó, các yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" là trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Tòa quốc tế ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền và đường chín đoạn của Trung Cộng trên Biển Đông.

Năm ngoái, ngày 16/7/2015, người dân Việt Nam đã tỏ ra hài lòng và phấn khởi như thế nào khi trên bản đồ Google không còn chữ “Tam Sa” (Sansha) như trước đó nữa.

Đó là kết quả của hàng ngàn chữ ký trên mạng change.org, hầu hết của người Việt, gửi đến Google yêu cầu phải xóa bỏ trên bản đồ cái tên “Tam Sa” mà Trung Quốc tự đặt phi pháp trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà họ đã cưỡng chiếm từ năm 1974.

Được biết, một số nhà hoạt động xã hội đã phát động  cuộc vận động ký tên gửi lãnh đạo Liên Hiệp Quốc, các quốc gia Đông Nam Á và trên thế giới yêu cầu trên các bản đồ thế giới đổi tên “biển Nam Trung Hoa” (South China sea) thành tên “biển Đông Nam Á” (Southeast Asia sea).

Trang change.org đang có cuộc vận động ký tên gửi lãnh đạo Liên Hiệp Quốc, các quốc gia Đông Nam Á và trên thế giới yêu cầu trên các bản đồ thế giới đổi tên “biển Nam Trung Hoa” (South China sea) thành tên “biển Đông Nam Á” (Southeast Asia sea).

Từ lâu, vùng Biển Đông theo cách gọi của Việt Nam có tên tiếng Anh được biết dưới tên gọi "Biển Nam Trung Hoa" (South China Sea).

Các tên biển đã xuất hiện từ thời xa xưa như "Biển Nhật Bản" hay "Biển Nam Trung Hoa" vô hình trung đã khiến cho các nước có tên liên quan như Nhật Bản hay Trung Quốc có được một lợi thế lớn.

Họ đã dựa vào đó nhằm tự hợp pháp hóa các lợi ích của mình và xem đó như "các chứng cứ lịch sử" bất chấp sự thật rằng những cái tên đó chỉ nhằm mục đích tạo ra một sự thuận tiện trong giao thông hàng hải.

Do đó, nếu chỉ dựa vào tên biển để khẳng định chủ quyền thì sẽ không ổn bởi nếu biển Nam Trung Hoa là biển của Trung Quốc thì Ấn Độ Dương (India Ocean) sẽ là của Ấn Độ và Mexico có thể tuyên bố vịnh Mexico (Gulf of Mexico) thuộc về mình.

Qua đó có thể nhận thấy việc giữ lại tên gọi "Nam Trung Hoa" là không hợp lý. Thực chất, có tên gọi biển "Nam Trung Hoa" vì lúc đó, Trung Quốc là quốc gia lớn nhất, phát triển hơn so với các quốc gia khác cũng như đã có giao thương với phương Tây.

Tên gọi của một vùng biển hay đại dương nào đó thường căn cứ vào vị trí của chúng so với vùng đất gần đó cho dễ nhận biết và không có ý xác định chủ quyền.

Trên góc nhìn thông lệ quốc tế, không tồn tại một nguyên tắc thống nhất. Việc đặt tên thường dựa vào ý chí chủ quan của một người hay một nhóm người khi họ sử dụng những đặc điểm hay tính chất của vùng biển đó.

Bởi vậy, đây là một yêu cầu chính đáng, không thể để Trung Quốc bằng một cái tên vô lý do mình đặt ra để làm thành một trong những bằng chứng phục vụ âm mưu độc chiếm Biển Đông như họ tự vẽ ra “đường lưỡi bò” nhất là khi bằng chứng vô lý đó đã bị Tòa án quốc tế bác bỏ.

Bản đồ của Google được dùng phổ biến trên toàn cầu, do đó việc sử dụng những tên địa lý trên bản đồ phải là những cái tên quốc tế và được thế giới công nhận. Bởi vậy, chắc rằng "ông trùm bản đồ thế giới" sẽ phải lắng nghe và sửa đổi theo ý kiến của cộng đồng thế giới về vấn đề nóng bỏng này.

Minh Đức


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI