Sinh năm 1991, học ngoại thương ngành quản trị kinh doanh quốc tế, hiện Trần Việt Bảo Hoàng chọn dừng chân ở lĩnh vực truyền thông, quản lý, đào tạo các hoa hậu, á hậu đại diện Việt Nam thi sắc đẹp quốc tế và tổ chức các cuộc thi sắc đẹp hàng đầu trong nước. Quản lý các người đẹp ở góc nhìn của một nhà làm kinh doanh có gì thú vị?
Hoa hậu ngày nay phải là người sẵn sàng làm việc
Phóng viên: Vì sao người Việt lại “mê” hoa hậu như vậy, thưa anh?
Ông Trần Việt Bảo Hoàng: Theo tôi có 3 lý do chính.
Đầu tiên, thị trường Việt Nam khá lớn về quy mô dân số, có đặc trưng địa lý và nhân khẩu tương đồng với khu vực Đông Nam Á. Các quốc gia trong khu vực cũng yêu thích hoa hậu. Tất cả yếu tố đó tạo nên sức hút từ sự tương đồng lẫn cạnh tranh. Thị trường vì thế cũng nhộn nhịp hơn rất nhiều.
Thứ hai, hành trình trở thành hoa hậu và cuộc sống sau đó luôn là điều bí ẩn thú vị, hấp dẫn với công chúng. Có rất nhiều cái tên không ai biết, một ngày sau đã ở trên trang nhất các tờ báo lớn. Nếu không phải một hoa hậu mới đăng quang, hiếm có hiện tượng nào như thế. Trước đây, người đăng quang cuộc thi hoa hậu sẽ hạnh phúc như đang trải qua một giấc mơ cổ tích.
Ai mà không thích giấc mơ thành hiện thực. Vai trò của nhà tổ chức cuộc thi là hiện thực hóa những giấc mơ như thế. Tuy nhiên, khi xã hội vận động và thay đổi, hoa hậu dần trở thành một khái niệm mà ở đó, người xem có thể nhìn thấy họ, nhìn thấy giấc mơ ấy trở thành hiện thực.
Thứ ba, công bằng thì hệ sinh thái từ một cuộc thi sắc đẹp tạo nên sự gắn kết và mang đến lợi ích cho cả 3 bên (nhà tổ chức - nhà tài trợ - thí sinh) bằng việc tạo nên và tận dụng sức hút từ lượng khán giả đông đảo. Càng hiệu quả và hấp dẫn, thị trường đương nhiên càng thu hút và nở rộ.
|
Tại một sự kiện cùng người đẹp Hoàng Thùy |
* Với quá nhiều cuộc thi như vậy, nhà tổ chức buộc phải vét thí sinh từ các cuộc thi khác dẫn đến hiện trạng nhiều thí sinh “nhẵn mặt” ở các cuộc thi nhan sắc. Anh nghĩ sao về điều này?
- Như tôi vừa chia sẻ, những thập niên trước, hoa hậu là giấc mơ cổ tích. Bây giờ hoa hậu là một người phải nỗ lực liên tục để thực hiện sứ mệnh của họ. Cô gái ấy phải có bản lĩnh, sức khỏe và không ngừng nỗ lực. Bản lĩnh đó đến từ kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng cô ấy tích lũy.
Việc một cô gái trau dồi bản thân qua nhiều cuộc thi để đủ sức thực hiện sứ mệnh, tôi cho là đương nhiên vì khán giả muốn đón nhận những cô gái sẵn sàng hành động. Tôi luôn hoan nghênh và khuyến khích các cô gái trải nghiệm tại những cuộc thi khác nhau. Nếu không có danh hiệu, cô ấy cũng tích lũy được thêm kinh nghiệm.
Riêng ở góc độ nhà tổ chức, tôi cho rằng cách bền vững nhất để thu hút thí sinh là tổ chức cuộc thi uy tín, minh bạch và chất lượng. Dù có đánh trống thổi kèn hoành tráng đến đâu chăng nữa mà chất lượng thí sinh không tốt và việc tổ chức thiếu minh bạch, cuộc thi cũng không thể sống trong lòng công chúng.
* Như anh chia sẻ, liệu hoa hậu có phải là một nghề?
-Nếu nhìn ở góc độ của một người đi làm, kiếm ra thu nhập, đóng thuế, gọi hoa hậu là một nghề cũng đúng, nhưng chưa đủ. Sự khác biệt giữa “nghề hoa hậu” so với những nghề nghiệp khác nằm ở trách nhiệm vô hình - một bảng mô tả công việc có rất ít gạch đầu dòng cụ thể nhưng nhiều quy định bất thành văn mà người đẹp đó phải duy trì để giữ được sức hút, danh hiệu và sự yêu mến trong lòng công chúng.
Cụ thể, nếu gọi hoa hậu là một nghề thì chất liệu chính của nghề nằm ở sức ảnh hưởng của hoa hậu đó đến công chúng. Cô ấy không thể làm nghề nếu mất đi sức ảnh hưởng đó. Điều này cũng có cái hay. Ý thức trách nhiệm sẽ thúc đẩy cô ấy cống hiến, tạo ra giá trị thực sự, lan tỏa năng lượng tích cực trong cộng đồng. Phạm vi cũng không gói gọn trong các hoạt động thiện nguyện mà còn phụ thuộc vào cách cô ấy sống, lời cô ấy nói, phương thức cô ấy ứng xử trong hoạt động thường ngày. Tất cả phải đồng nhất với thông điệp cô ấy gởi gắm. Nhìn ở góc độ này, “nghề hoa hậu” chịu rất nhiều áp lực.
* Khi lớp sau xô lớp trước, “nghề” của hoa hậu sẽ là gì?
- Tôi nghĩ bất kỳ nghề nghiệp nào rồi cũng sẽ có sóng sau xô sóng trước. Tuy nhiên, khi những làn sóng mới xuất hiện không có nghĩa là lớp sóng trước sẽ biến mất. Sau thời gian lan tỏa ảnh hưởng bằng truyền thông khi đương nhiệm, họ có thể sử dụng nền tảng đó thực hiện các hoạt động khác như: kinh doanh, trở thành nhà hoạt động xã hội, giám khảo, huấn luyện viên…
Việc phát triển cho một hoa hậu là câu chuyện đường dài. Chúng tôi thường định hướng cho các người đẹp phát triển trong và sau nhiệm kỳ với những giai đoạn khác nhau để họ duy trì cuộc sống và vẫn tạo nên ảnh hưởng tích cực.
|
Trần Việt Bảo Hoàng trong chuyến thiện nguyện hỗ trợ thực phẩm cho người dân khu cách ly thời điểm giãn cách xã hội do dịch COVID-19 |
* Nhiều người đẹp chọn rời công ty sau khi hết nhiệm kỳ. Anh có băn khoăn khi trước đó đã đầu tư tiền bạc, công sức để định hướng cho họ?
- Về cơ bản, đây là bài toán kinh doanh. Chúng tôi hợp tác tương hỗ trong nhiệm kỳ. Cả hai bên đều dốc sức và dốc lòng vì thương hiệu và thành công chung, lợi ích từng bên cũng theo đó được đáp ứng. Còn sau đó, phụ thuộc vào định hướng, sự tương thích, nền tảng mà từng người đã thiết lập cùng nhiều điều khoản khác, chúng tôi có thể tiếp tục là đối tác hoặc trở thành bạn bè giúp đỡ nhau trong công việc và cuộc sống.
Quản lý con người là một sản phẩm cảm xúc thú vị
* Rõ ràng ngày nay giới truyền thông cần người đại diện là hoa hậu thay vì chỉ có các ngôi sao như trước kia. Theo anh vì sao?
- Vì thị trường hoa hậu đang trên đà phát triển, công chúng quan tâm các người đẹp, có sức ảnh hưởng nhiều hơn mà hoa hậu sau đăng quang thường có sức ảnh hưởng rất lớn. Hầu như hiếm có nền tảng nào có thể biến 1 người từ con số 0 thành người hùng nhanh như thế.
Cuối cùng, bên cạnh sức ảnh hưởng, hoa hậu giữ hình ảnh tốt và có xu hướng phát triển hình ảnh liên tục nhờ công ty quản lý đứng sau. Điều này hạn chế rủi ro cho các nhãn hàng. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa ai trở thành hoa hậu cũng được chọn trở thành đại diện hình ảnh, được các nhãn hàng săn đón. Bản thân cô gái ấy phải có năng lực và sức hút thật sự.
* Dường như định kiến “chân dài não ngắn” đi thi kiếm danh hiệu để đạt mục đích khác vẫn rất phổ biến?
- Tôi cho rằng những khái niệm tương phản như “dài - ngắn”, “giàu - nghèo” hoặc bổ trợ kiểu “trai anh hùng - gái thuyền quyên” đặt cạnh nhau luôn có xu hướng thu hút sự chú ý hơn mặc dù thực tế 2 phạm trù đó không có mối quan hệ nhân quả nào. Bạn thử nghĩ xem, nếu không trau dồi kiến thức, kỹ năng thì dù chân thế nào, não cũng ngắn mà. Chỉ là chân dài, xinh đẹp thì bị chú ý hơn thôi. Ngày nay, vẫn có rất nhiều cô gái xinh đẹp, chân dài vô cùng tài năng, có sức ảnh hưởng và thành công.
Do đó, định kiến là chuyện của xã hội. Tôi luôn khuyến khích các người đẹp trau dồi bản thân, sống đúng với những gì họ có. Nếu họ có bản lĩnh, muốn yêu ai cũng được, miễn đó là tình yêu họ thấy phù hợp và khiến họ hạnh phúc.
* Cái khó khi làm quản lý các người đẹp là gì?
- Đây là “sản phẩm” thiên về cảm xúc cao, không phải là sản phẩm sản xuất hàng loạt, cũng không rập khuôn được. Mình có thể đã thành công với công thức này nhưng không có nghĩa là có thể dùng lại công thức đó với người khác. Bởi lẽ, mỗi người là một tính cách, có những trải nghiệm khác nhau. Chưa kể, “sản phẩm” con người luôn có nhiều hoạt cảnh về cảm xúc phía sau đòi hỏi người quản lý phải học cách chung sống.
Tôi nghĩ rằng đây là công việc đòi hỏi sự nhạy bén, sáng tạo, nỗ lực thay đổi và nhạy cảm về con người rất cao. Làm thế nào để kết nối được với một người là điều không dễ. Kết nối rồi làm thế nào để yêu quý họ, xây dựng lộ trình phát triển phù hợp cho họ lại là thử thách khác.
Trong phạm trù giữa người với người, có người mình thích hoặc không, mình có thể chọn chơi hay không chơi với họ. Nhưng, khi họ đã trở thành người trong công ty mình, tin tưởng mình, ngay cả với điều không thích, mình vẫn phải học cách lắng nghe, chấp nhận, giúp người đẹp đó hạn chế những mặt tiêu cực, phát triển mặt tích cực.
"Khi tư vấn, tôi sẽ chọn điều tốt nhất cho các người đẹp. Tôi cũng hiểu rằng nếu những trải nghiệm cá nhân của họ chưa có điều đó, rất khó để áp đặt trải nghiệm của mình vào người khác. Thành ra, có những lúc tôi sẽ cảnh báo nhưng có thời điểm tôi chấp nhận để họ vấp ngã. Chỉ khi vấp ngã, họ mới học được cách đứng lên và ghi nhớ bài học đó. Không bao giờ có mẫu số chung cho mọi trường hợp. Tất cả bắt nguồn từ sự nhạy cảm và lựa chọn của người quản lý ở mỗi thời điểm. Thực tế, với những người có cá tính, rất khó đưa ra định hướng; còn người không có cá tính lại thiếu nét riêng, khó phát triển trong ngành giải trí. Cho nên, muốn đi cùng người hay ho, thú vị, tôi buộc phải chấp nhận và luôn chuẩn bị tinh thần trong tâm thế tranh luận. Tôi không mong làm việc với những người dễ bị áp đặt và rập khuôn”. Trần Việt Bảo Hoàng |
Hoài bão của tôi là thay đổi cuộc chơi thị trường
* Điều gì ở ngành này thu hút anh?
- Thú thật, thoạt đầu tôi không mê lĩnh vực sắc đẹp. Dù vậy, tôi là người thích thử thách. Nếu chỉ đứng ở ngoài nhìn vào, mình sẽ thấy cái này không hay, không tốt. Người ta thường bảo “nói hay quá thì nhảy vào làm đi!”. Tôi nhảy vào thật.
Khi đã bước chân vào, tôi tự hỏi tại sao mình không nỗ lực trở thành người thay đổi cuộc chơi của thị trường. Khoan bàn đến việc tôi có làm được hay không nhưng bất kỳ người trẻ nào cũng nên có hoài bão và dám biến nó thành hiện thực. Đến thời điểm hiện tại, tôi cho rằng đây vẫn là thử thách thú vị. Nó vừa khó (trong việc chinh phục đấu trường sắc đẹp quốc tế), vừa đòi hỏi tôi làm việc khai phóng con người. Đó là câu chuyện mới mỗi ngày.
Quan trọng hơn, từ nền tảng đó, tôi bắt đầu tìm thấy nhiều cầu nối có thể giúp tôi hoàn thành những sứ mệnh khác. Tôi không muốn mình chỉ là một người làm công việc quản lý các người đẹp.
Tôi muốn trở thành nhà hoạt động giáo dục và truyền cảm hứng học tập trọn đời đến người trẻ. Tôi thấy mình ở vai trò của một người quản lý, một nhà tổ chức có thể làm một bộ khuếch đại thông điệp, giá trị tích cực. Nếu một mình tôi nói, có thể sẽ chẳng ai nghe nhưng các người đẹp làm việc cùng sẽ thay tôi truyền đi thông điệp đó, lan tỏa sức mạnh đó lên gấp nhiều lần.
* Giấc mơ này hiện đang thực hiện đến đâu?
- Tôi và các cộng sự đang xây dựng học viện đào tạo phong cách, kỹ năng và khai phóng tư duy, dự kiến ra mắt vào năm sau. Học viện sử dụng giáo trình đào tạo theo quy chuẩn quốc tế, có sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia và người nổi tiếng tại Việt Nam.
Ngôi trường này không chỉ là nơi để các cô gái, chàng trai muốn chinh phục các đấu trường sắc đẹp tham dự mà còn là nơi rèn luyện các kỹ năng để mỗi cá nhân trở nên tự tin, bản lĩnh hơn thông qua việc khám phá bản thân họ. Từ trước đến nay, mô hình giáo dục này tại Việt Nam thường được xây dựng dựa trên tên tuổi 1 cá nhân là người có sức ảnh hưởng; tôi thì ấp ủ giấc mơ nâng tầm quy mô để khai phóng tài năng và sức mạnh bên trong mỗi người.
* Biệt danh “ông trùm hoa hậu” có vẻ không còn phù hợp với anh nữa rồi?
- Cho phép tôi được từ chối biệt danh này. Tôi chỉ muốn là người đứng sau, hỗ trợ các thí sinh, các người đẹp. Rộng hơn, tôi muốn trở thành người kinh doanh, nhà hoạt động giáo dục.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Nhã Ca (thực hiện)
Ảnh: Nhân vật cung cấp