PNO - PNO – Sinh thời, ông Trần Trọng Tân (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM) là người rất tâm huyết với vấn đề xây dựng Đảng và đã có nhiều bài viết, bài...
edf40wrjww2tblPage:Content
Phụ Nữ Online xin được đăng lại một bài viết của ông đã được đăng trên trang web Tuyên giáo ngày 24/12/2012 với tựa đề “Khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống”, để thấy phần nào tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của ông.
Các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đều thuộc cấp độ đạo đức làm người, tức là bị suy thoái từ gốc. Để không bị suy thoái về đạo đức, lối sống, phải nghiêm khắc tự tu dưỡng, tự rèn luyện. Có hiểu thật sâu sắc về đạo làm người, hiểu đến mức hình thành cho được trong mình “một toà án lương tâm” đủ sức tự giám sát được mình một cách thật nghiêm khắc và thường xuyên, thì mới giữ được trọn vẹn đạo làm người.
Vấn đề trọng tâm xuyên suốt và cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, được nêu trong Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 khoá XI là khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng. Nếu nhìn riêng về mối quan hệ giữa suy thoái về tư tưởng chính trị với suy thoái về đạo đức, lối sống thì sự suy thoái về đạo đức, lối sống là nguồn gốc của sự suy thoái về tư tưởng chính trị. Hiểu như vậy là vì yêu cầu trước tiên về đạo đức đối với cán bộ đảng viên chúng ta là trung với nước, hiếu với dân.
Đạo đức là một danh từ ghép, gốc từ chữ Hán. Đạo theo nghĩa đen, là đường đi, nghĩa bóng là lẽ phải trong cuộc sống mà con người cần phải theo. Đức là điều tốt lành, là lẽ phải đã vào lòng người, thành “cái tâm” của con người. Lối sống là một mặt biểu hiện của đạo đức.
Đạo đức nói chung là những chuẩn mực được hình thành một cách tự phát từ dư luận xã hội về khen hay chê, khinh hay trọng, đối với hành vi con người trong mối quan hệ với người khác và với cộng đồng (gia đình, làng xóm, giai cấp, dân tộc, đạo đức, đoàn thể, tổ chức chính trị kinh tế, văn hoá, xã hội…). Những chuẩn mực đó tác động đến con người, làm cho người ta phải suy nghĩ rồi có ý thức giữ gìn, để sống sao cho được khen, được trọng, tránh bị khinh, bị chê. Đạo đức từ tự phát thành ý thức tự giác.
Đạo đức có chuẩn mực chung trong đạo làm người. Mọi thời đại đều lên án cái ác, tính tàn bạo, tham lam, hèn nhát… và biểu dương cái thiện, sự dũng cảm, chính trực, độ lượng, khiêm tốn… đồng thời cũng có tính riêng được biểu hiện theo chuẩn mực khác nhau trong lao động chân tay, lao động trí óc, khác nhau trong quan hệ cộng đồng. Đạo đức trong nghề nghiệp được nâng cao sẽ thành lương tâm nghề nghiệp, làm nghề nào là dốc hết tay nghề, đạt đến mức tốt đẹp nhất, thật vừa lòng mình mới gọi là làm xong.
Những biểu hiện đạo đức phản ánh nhu cầu của quan hệ kinh tế, của trình độ văn minh thì khi có sự biến đổi về kinh tế, về văn minh, đạo đức cũng biến đổi theo và hình thành chuẩn mực mới về đạo đức. Đạo đức mới lúc đầu xuất hiện trong một số ít người. Nhưng vì nó hợp lý, tiến bộ nên người ta hướng tới ngày càng đông, khuynh hướng bảo thủ đạo đức cũ dần dần bị đẩy lùi. Đạo đức mới tiến bộ, đẩy lùi được đạo đức cũ lỗi thời diễn ra nhanh hay chậm tuỳ thuộc vào việc tuyên truyền giáo dục để dư luận xã hội có sự khen chê đúng đắn qua việc nêu gương người tốt, việc tốt theo chuẩn mực mới. Khi đạo đức, lối sống mới trở thành ý thức xã hội sẽ thúc đẩy xã hội phát triển nhanh. Nếu để đạo đức cũ lỗi thời lạc hậu kéo dài trong xã hội sẽ kìm hãm sự phát triển xã hội.
Khi chuẩn mực về đạo đức, lối sống tốt đẹp được xác định thì mọi người trong xã hội có bổn phận phải tuân theo như nhau, ví như một người dân bình thường hay một nguyên thủ quốc gia đều có bổn phận giữ đạo hiếu với cha mẹ, nếu không giữ thì cũng đều bị xã hội chê bai, khinh bỉ.
Về đạo đức thì không thể dùng quyền lực để buộc người khác hay buộc xã hội phải thừa nhận mình là người có đạo đức tốt, nếu trong thực tế là không tốt. Sự kiểm tra, phán xét của xã hội đối với đạo đức, lối sống của con người là hoàn toàn tự do. Đối với bản thân mỗi người, việc tu dưỡng về đạo đức, lối sống là phải tự giác. Đánh giá chính xác về đạo đức, lối sống của bản thân mình chỉ có lương tâm mình. Khi không biết tự kiềm chế những dục vọng về thú tính hay những tham vọng cá nhân bất chính sẽ dẫn đến vi phạm lỗi lầm về đạo đức.
Người ta có thể tìm cách che giấu, không cho ai biết được lỗi lầm của mình để giành sự khen lầm, kính phục lầm đối với mình nhưng không thể che giấu được lương tâm của chính mình. Phạm sai lầm về đạo đức mà làm cho người khác khen lầm, phục lầm đối với mình thì sẽ thêm tội lừa dối. Khi lương tâm thức tỉnh, sự ân hận sẽ tăng lên gấp bội. Ân hận là sự trừng phạt của lương tâm. Tuỳ theo trình độ của lương tâm và sự ân hận được sâu sắc hay nông cạn. Nếu có sự ân hận sâu sắc thì có thể tránh được tái phạm và đạo đức con người sẽ tiến bộ. Táng tận lương tâm, làm điều ác mà không biết ân hận là không còn tính người.
Chuẩn mực về đạo làm người nói chung là giống nhau nhưng hình thức biểu hiện trong mỗi thời cũng có sự khác nhau.
Ở Việt Nam ta, văn hoá truyền thuyết trong thời đại các vua Hùng với sự ra đời của nước Văn Lang, đã tiềm ẩn những chuẩn mực về đạo đức Việt Nam. Nổi lên là đạo yêu nước, quyết chí chống giặc ngoại xâm trong truyền thuyết về Thánh Gióng, và đạo cố kết nghĩa đồng bào trong truyền thuyết về trăm con được sinh ra từ một bào thai. Thời chế độ phong kiến cho rằng nước do vua làm chủ, đạo làm dân là phải một lòng trung thành với vua.
Đến thời giặc Pháp xâm lược, vua đầu hàng, thì đạo yêu nước là quyết chống ngoại xâm, không chịu đầu hàng, như Trương Định, được dân phong là Bình Tây Đại Nguyên Soái. Đến thời có Đảng Cộng sản lãnh đạo thì yêu nước, quý trọng dân, xây dựng đại đoàn kết dân tộc là chuẩn mực đạo đức của Đảng. Khi Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền thì chuẩn mực đạo đức của Đảng là biết tôn trọng quyền làm chủ của dân, tôn trọng Quốc hội, cơ quan quyền lực Nhà nước do dân trực tiếp bầu ra.
Trong thời kháng chiến, yêu cầu bức xúc về đạo đức, lối sống đối với cán bộ, đảng viên là hoà mình với dân, vận động dân tham gia kháng chiến, thực hiện đảng viên đi trước làng nước theo sau, vượt qua khó khăn gian khổ, mưa bom bão đạn. Khi lọt vào tay giặc thì giữ gìn khí tiết của người chiến sỹ cộng sản. Nay trong thời bình, thì yêu cầu bức xúc về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là giữ mối liên hệ mật thiết với dân, nêu gương về cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, có lối sống lành mạnh, ra sức vận động dân, giáo dục cho dân biết những việc dân phải làm vì lợi nhà, ích nước, hướng dẫn dân bàn và lắng nghe ý kiến của dân, tạo điều kiện cho dân tham gia phản biện và giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Đảng ta lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Việc tu dưỡng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là phải có lòng yêu nước nồng nàn, có phẩm chất của con người xã hội chủ nghĩa, biết giữ gìn đoàn kết, biết đấu tranh bảo vệ lẽ phải và biết sống có tình có nghĩa. Về lối sống, phải giữ cho lành mạnh, không lãng phí, tham nhũng, không mê muội trong lối sống bê tha, trụy lạc làm cho dân chê, dân khinh, dân ghét, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, đến hạnh phúc của đời sống gia đình…
Tu dưỡng về đạo đức của cán bộ, đảng viên chúng ta có ba cấp độ: đạo đức làm người, đạo đức cách mạng của giai cấp công nhân, đạo đức cộng sản chủ nghĩa với nội dung là chủ nghĩa nhân đạo vì lý tuởng giải phóng triệt để con người.
Trong ba cấp độ đạo đức nêu trên, phải lấy việc giữ gìn đạo đức làm người là gốc. Đạo đức làm người chủ yếu được biểu hiện trên bốn mặt:
Trước hết, là có ý thức về tính người, biết kiềm chế được bản năng về tính thú. Là người, không phải hễ đói, ai cho gì và cho cách nào cũng ăn, sống không phải là sợ chết mà còn biết chết vinh hơn sống nhục. Là người, trong sự phát triển nòi giống, không chỉ là quan hệ đơn thuần về tình dục mà còn có tình yêu, thành vợ chồng thì có nghĩa thuỷ chung vợ chồng, sinh con thì có bổn phận cùng lo nuôi dạy con cái.
Thứ hai, là có ý thức về một cuộc sống ích nhà lợi nước, có ý thức về quyền lợi và nghĩa vụ công dân, ý thức về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba, là có ý thức về tình người, biết thương người như thể thương thân.
Thứ tư, là có ý thức chống các thói hư tật xấu, không sống trụy lạc bê tha, không dối trá, không vì lợi ích mình mà hại người, phải làm cho có tiền để sống nhưng không vì tiền mà chà đạp lên đạo lý, lương tâm, tình nghĩa.
“Học để làm người” là lời dặn của Bác Hồ được ghi ở trang đầu quyển sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương (nay là Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) từ tháng 9/1949.
Các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đều thuộc cấp độ đạo đức làm người, tức là bị suy thoái từ gốc. Để không bị suy thoái về đạo đức, lối sống, phải nghiêm khắc tự tu dưỡng, tự rèn luyện. Có hiểu thật sâu sắc về đạo làm người, hiểu đến mức hình thành cho được trong mình “một toà án lương tâm” đủ sức tự giám sát được mình một cách thật nghiêm khắc và thường xuyên, thì mới giữ được trọn vẹn đạo làm người. Nghe ra có vẻ khó, nhưng nhìn quanh ta, trong nhân dân, trong cán bộ, đảng viên, chúng ta biết có rất nhiều gương sáng. Vấn đề là có suy nghĩ để noi theo những gương sáng đó hay không, có quyết tâm tự tu dưỡng, tự rèn luyện hay không./.