edf40wrjww2tblPage:Content
Chị mở đầu câu chuyện. Thằng bé trên tay chị cứ gục đầu như muốn úp xuống mặt ghế. Dốc mãi nó chẳng chịu ngước lên. Chị bảo, chắc vì lạ chỗ chứ ở “ngoài ngoải” nó cũng vui vẻ lanh lợi lắm. Ngoài nào? Ngoài Bệnh viện Phục hồi chức năng. Hơn ba năm nay mẹ con chị “đóng quân” ở bệnh viện. Tưởng đã yên với “ông thánh sống” ấy rồi, ai ngờ không biết tầm tháng nay ổng nghe lời ai mà quậy dữ lắm.
“Ông thánh sống” mà chị nói, chính là chồng chị.
Thằng bé sinh năm 2002. Hồi còn trong bụng mẹ, chị thăm khám đúng định kỳ, không phát hiện bệnh gì. Sinh nó ra, 3,8kg hẳn hoi nhưng không biết sao từ sau ngày đầy tháng là nó khóc. “Khóc như cha chết vậy đó!”. Bên nội bảo thằng bé “bệnh căn” nên đem đi thầy bùa thầy chú, hết cúng cửu huyền thất tổ thì cúng “đàng dưới”, rồi tới lể ban. Ban bạch, ban đỏ, ban đen, đẹn trắng, đẹn sữa…
Thân chị làm dâu, sống trong nhà chồng, sao dám có ý kiến gì. Con của mình nhưng là cháu của họ. Rồi lại một vài cuộc truy tìm thầy khác cúng “con sát”, cúng “mắc tang”… Chạy mãi tới khi anh chị mắc nợ một khúc dài nhằng, thằng nhỏ đã sáu tháng tuổi thì nhà chồng bảo thôi… mang vô bệnh viện! Đi bệnh viện mới té ngửa là thằng nhỏ bị phơi nhiễm chất độc da cam.
Khi ấy chị có biết đó là bệnh gì đâu. Cứ nghĩ chắc vài tuần hoặc vài tháng sẽ hết, như bệnh cảm, bệnh ban vậy mà. Nhưng bác sĩ bảo, bị nhiễm chất độc da cam là chứng bệnh suốt đời. May mà thằng bé còn cứu được, bệnh cũng thuộc thể nhẹ vì nó còn nghe được, còn biết vài biểu hiện của cơ thể…
Thằng bé ba tuổi, đã đỡ những cơn khóc dai thì chị để nó ở nhà cho mẹ chồng, cùng chồng đi làm trả nợ. Mua dừa tươi, mua bổi tre, mua mì lát… đó là những việc cho chị thu nhập khá ổn định. Cứ sáng ra đường là mua được đồ. Chất đầy cả xe lôi tới xế xế là đi giao hàng rồi về với con.
Tưởng vậy là cuộc đời đỡ khổ ai ngờ cứ thấy con lâu lâu mất chiếc nhẫn, mất chiếc vòng tay (là mấy thứ trang sức mà bên ngoại cho nó ngày thôi nôi). Sợi dây chuyền cuối cùng cũng bị mất! Sữa con uống hộp 400gr mà cứ ba ngày là hết sạch. Đổ thừa ai đây? Chỉ biết ngậm ngùi mà xót thương cho con mình.
Khi con tầm tám tuổi, đang ăn nên làm ra thì… chồng chị có bồ nhí! Lý do đơn giản vì “Tại bà không chịu sanh cho tui đứa nữa, tui phải kiếm người sanh giùm”. Chị khóc hết nước mắt, nói đứa lớn đã như vậy, nợ lút đầu lút cổ mới trả được chút đỉnh thì gấp gì sinh thêm. Nhưng chồng không đồng ý, nói “người ta” đã… có bầu cho anh rồi, chị đồng ý hay không mặc kệ.
Chị và đứa con bệnh tật
Chị buông xuôi vì thất vọng. Chồng bắt đầu mang hết tài sản của gia đình sang cho “người ta”. Cái xe lôi, cái tủ lạnh cũ, cái giường gỗ, cái đầu đĩa, ti vi… gì gì cũng mang đi. Chị khóc lóc chửi bới, anh văng tục đánh đấm… Không biết có phải vì chứng kiến cảnh bất hòa kéo dài hàng tháng trời của cha mẹ không, mà thằng bé đang biết ăn ngon ngủ ngon và nhận thức chung quanh bỗng dưng lên cơn la hét và khóc suốt. Tiền hết. Tài sản cũng không. Chị về nhà cha mẹ ruột nương náu. Đó là dạo năm 2012.
Rồi người ta hướng dẫn chị đến Bệnh viện Phục hồi chức năng. Bệnh trạng của con chị, vừa được trị miễn phí, vừa có cái ăn không mấy thiếu thốn.
Cuối năm 2012, chồng chị bỏ bồ nhí về với chị "vì coi kỹ lại cái bầu đó… không phải của anh”. Nhưng, tài sản mang đi thì “bắc thang lên hỏi ông trời...”. Anh bắt đầu chuỗi ngày làm lại cuộc đời bằng công việc thợ hồ. Ngày anh đi làm, tối về ăn cơm từ thiện của con, xong ngủ ké hành lang bệnh viện, nói là để gần gũi con và có gì cần cũng giúp được mẹ nó. Là nói cho có tình có nghĩa vậy thôi, chứ em không biết đâu, ở gần để “giúp” chị diễn tròn vai kẻ làm vợ ấy. Xấu hổ muốn chết, nhiều bữa hửng sáng thân nhân bệnh nhân đã nói cười xôn xao rồi mà ảnh cứ trì níu mình nằm lại…
Tập vật lý trị liệu hơn hai năm, bệnh tình thằng bé chuyển biến rõ rệt. Bây giờ nó biết đòi xem tivi, biết “ra dấu” khi đói bụng, khi muốn đi vệ sinh. Chị ngoài giờ tập cho con còn phụ vài người khác tập cho thân nhân họ. Cũng được bồi dưỡng chút tiền mua thêm cái trứng, gói bánh cho con. Nhưng buồn nhất là cuộc đời sao khổ sở quá!
Chồng chị sau khi lên “thợ ép”, lương kha khá thì lại tiếp tục hoạnh họe, bảo chị mỗi ngày đưa con đi tập xong phải về nhà để… coi nhà; hơn hai năm qua chị đi miết vậy không đúng chức năng… làm vợ. Chị bảo, con phải tập vật lý trị liệu ngày hai buổi. Buổi chiều có khi kết thúc lúc 8g tối, thì đi về 40km sao kịp? Ở bệnh viện, không tự nấu ăn thì có bếp ăn tình thương, có cơm từ thiện, về nhà thời gian đâu nấu, tiền đâu đủ chi? Chồng chị bảo, đó là chuyện của đàn bà, anh ta không cần biết. Nếu chị không về anh ta sẽ tới “quậy nát” bệnh viện.
“Chị cứ để xem anh ta quậy thế nào?”. Để rồi. Quậy rồi. Nhưng không quậy ai cả, mà quậy hai mẹ con chị thôi. Quà bánh của mạnh thường quân cho con, anh ta mang ra ăn hết. Sữa của con, anh ta cũng uống hết. Không biết anh ta “canh me” sao mà hay lắm, mẹ con chị sang phòng trị liệu vài tiếng đồng hồ thì mọi thứ ở phòng đã bị “tém dẹp” sạch trơn. Chị có muốn về nhà cũng không được em à! Vì… không có gì ăn, ảnh không đưa tiền. Vậy làm sao mẹ con chị sống? Chị muốn ở bệnh viện để thằng bé đỡ chút nào hay chút nấy. Bác sĩ nói, ráng chừng một-hai năm nữa thôi, nó sẽ tự chăm sóc bản thân nó được, chừng đó chị mới có thể đi làm…
Rằm Giêng, người ta tặng rất nhiều quà từ thiện cho người nghèo. Chị phải đi xe ôm hết tám mươi ngàn cho hai lượt của 50km từ bệnh viện phục hồi chức năng về nhận quà. Thằng con nằng nặng trên tay, túi quà to to dưới chân không tài nào bưng được. Chị cứ cười híp mắt, nói được phần quà này mẹ con chị yên tâm sống cả tháng. Nhưng, chị phải tìm nơi gửi chứ không thì chết với “ông thánh sống” ấy.
KIM AN