Ông Tây kiện ra tòa đòi bạn gái Việt hơn 40.000 USD sau chia tay?

05/07/2018 - 11:42

PNO - Ông J. kiện ra tòa yêu cầu bà H. trả lại số tiền hơn 40.000 USD đã mượn làm ăn, thế nhưng người phụ nữ lại cho rằng số tiền này được ông J. cho vì giữa 2 người có quan hệ tình cảm.

Cuối tháng 7, TAND TP.HCM cho biết cơ quan này dự kiến mở lại phiên sơ thẩm lần 2 giải quyết vụ án dân sự giữa ông J. (67 tuổi, quốc tịch Tây Ban Nha) kiện bà H. (41 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM) để đòi lại tiền.

Vụ án tình, tiền?

Trong đơn kiện, ông J. trình bày, tháng 4/2006, ông quen biết với bà H. qua mạng Internet và bà có đề nghị ông bảo lãnh bà đi du lịch Tây Ban Nha. Đồng ý, ông J. đã gửi tiền để bà H. sang du lịch hơn 20 ngày.

Khi về lại Việt Nam khoảng 2 tháng, bà H. gửi email mượn tiền ông làm ăn và hứa sẽ trả. Tin tưởng, người đàn ông Tây Ban Nha 2 lần gửi tiền cho bà H. qua ngân hàng vào tháng 9 và 10/2016, tổng cộng khoảng 40.200 USD. Tuy nhiên, sau một năm, bà H. vẫn không hoàn trả cho ông số tiền trên. Bức xúc, ông J. kiện đòi cả tiền gốc và lãi phát sinh.

Về phía bị đơn, bà H. thừa nhận quen biết và có nhận từ ông J. số tiền trên. Nhưng người phụ nữ cho rằng đó là khoản tiền ông J. tự nguyện cho bà để tiến tới hôn nhân do hai bên có tình cảm. Bà H. cho biết đã sử dụng hết số tiền để đi học và tiêu dùng cá nhân nên không hoàn trả.

Năm 2010, TAND TP.HCM xử sơ thẩm lần thứ nhất đã chấp nhận yêu cầu của ông J., buộc bà H. phải trả số tiền 40.200 USD (khoảng 750 triệu đồng). Không đồng tình với bản án, bà H. kháng cáo cho rằng nội dung giấy gửi tiền không ghi cho vay hay cho mượn.

Tại phiên tòa phúc thẩm sau đó, người phụ nữ còn trình bày rằng thực tế hai bên có quan hệ tình cảm với nhau nên ông J. mới bỏ tiền và công sức bảo lãnh bà qua Tây Ban Nha du lịch. Thời gian đó, bà và ông J. đã chung sống với nhau như vợ chồng và dự tính kết hôn. Do đó, việc gửi tiền là ông J. gửi cho vợ tương lai trang trải cuộc sống chứ không phải cho vay mượn.

Thế nhưng, TAND Cấp cao tại TP.HCM đồng quan điểm với bản án sơ thẩm nên tuyên bác kháng cáo của bà H., giữ nguyên bản án trước đó.

Kháng nghị bản án

Gần ba năm sau khi án có hiệu lực, chánh án TAND Tối cao có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với 2 bản án sơ và phúc thẩm, yêu cầu Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét xử hủy hai bản án trên để xử lại.

Kháng nghị được chấp nhận, bản án giám đốc thẩm xác định 2 bên đều thống nhất về số tiền đã giao nhận. Tuy nhiên, người đàn ông Tây Ban Nha khẳng định số tiền đó là cho mượn. Mặt khác, bà H. trình bày rằng số tiền được cho để đóng tiền học phí sau đại học, chi tiêu cá nhân, đầu tư chứng khoán và một phần giúp đỡ gia đình.

Như vậy, nguyên đơn phải có nghĩa vụ phải chứng minh bà H. mượn số tiền đó. Ngược lại, bà H. cũng phải có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ là ông J. cho tặng bà số tiền này.

Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cho rằng ông J. có xuất trình một số email có nội dung liên quan đến tên, địa chỉ bà H. Nhưng các email này chưa được nhà mạng xác nhận là đúng về nội dung, người gửi, ngày gửi, người nhận và thời gian. Hơn nữa, nội dung email cũng phải được xem xét có căn cứ chứng minh số tiền ông J. gửi cho bà H. là tiền mượn hay không.

Đặc biệt, Hội đồng Thẩm phán yêu cầu khi xử lại vụ án cần đánh giá kỹ mối quan hệ giữa ông J. và bà H. có phải là quan hệ như vợ chồng hoặc quan hệ tình cảm sâu đậm dẫn đến việc ông gửi tiền cho bà H. hay không.

Thiên Phú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI