"Dù cũng có đôi lần được vinh hạnh gặp ông Phan Văn Khải khi ông đương nhiệm vị trí của người đứng đầu Chính phủ. Song, cái lần mà tôi được diện kiến Thủ tướng, khi ông cho gọi đến tư gia vào năm 2000 có lẽ là lần để lại trong tôi rất nhiều cảm xúc về một nhà lãnh đạo cao nhất của Chính phủ mà nhiều khi cứ nghĩ ông chỉ tập trung tinh lực, trí tuệ của mình cho hoạt động điều hành kinh tế , nay mới hiểu thêm rằng, ông đặc biệt quan tâm đến sử học nước nhà..." - Giáo sư , Tiến sĩ (GS,TS), Nhà giáo Nhân dân (NGND) Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội đã hồi tưởng lại câu chuyện về Cựu Thủ tướng Phan Văn Khải khi nhận được hung tin ông vừa đi xa.
|
Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trong buổi trao đổi về tình hình nghiên cứu, đào tạo của ngành sử học với Thủ tướng Phan Văn Khải |
NGND,GS,TS Nguyễn Quang Ngọc nhớ lại, năm 2000 chính là cái năm mà Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH và Nhân văn Hà Nội mà ông đang là Chủ nhiệm Khoa vừa được vinh dự đón nhận danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới của Nhà nước trao tặng do có thành tích to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Một hôm, thông qua chị Kim Hải, phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam được cử chuyên trách đi theo Thủ tướng, đã gọi điện báo cho tôi biết một tin vui: Thủ tướng Phan Văn Khải cho mời tôi là đại diện cho Khoa Lịch sử Anh hùng đến tư gia (thật ra là nhà công vụ ở phố Bà Huyện Thanh Quan, Ba Đình, Hà Nội) để trao đổi về tình hình nghiên cứu, đào tạo của ngành sử học.
Phòng khách bài trí thật mộc mạc, dân dã. Thủ tướng vui vẻ, thân tình ra đón chúng tôi như đón con cháu trong nhà về thăm. Tôi cũng không còn nghĩ rằng đây là buổi tiếp khách của vị đứng đầu Chính phủ.
Bắt đầu vào câu chuyện, như chợt nhớ ra điều gì, Thủ tướng xin lỗi rồi đứng lên và đi vào phòng trong. Thì ra là để đổi mặc bộ đồ veston. Chúng tôi xin ông cứ tự nhiên, coi chúng tôi như con cháu trong nhà để nói chuyện cho thật thoải mái. Ông cười hồn hậu và nói vui rằng "đằng nào thì cũng phải ăn mặc chỉnh tề để còn chụp tấm hình kỷ niệm nữa chứ!".
Suốt buổi trò chuyện, Thủ tướng đều xưng hô "ông - tôi", nghe thật bình dị, gần gụi và đầy chất Nam Bộ.
Ông vào đề ngay với giọng nói chậm rãi và rành rẽ: Tôi cho mời ông đến là để muốn nghe ông nói ít phút về những gì có liên quan đến ngành sử học hiện nay. Cũng có thể là cả những gì mà ông quan tâm khác như văn hoá, xã hội của đất nước. Qua đó giúp tôi nắm thêm tình hình chung. Tinh thần là thật cởi mở, nghĩ gì thì ông cứ nói thoải mái, nhất là những khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ và cả những kiến nghị, đề xuất của các nhà Sử học.
Biết thời gian Thủ tướng dành cho cuộc nói chuyện chỉ khoảng một tiếng đồng hồ thôi, nên GS Nguyễn Quang Ngọc (lúc đó đang còn là PGS) nói nhanh về tình hình nghiên cứu và đào tạo Sử học nói chung, rồi xin phép Thủ tướng tập trung vào 2 vấn đề là chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa - Trường Sa và sự cần thiết phải sớm có một bộ Quốc sử.
Về vấn đề thứ nhất, liên quan đến quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Ông nói rõ quan điểm của người đứng đầu Chính phủ và cũng là người có vị trí trong yếu trong Đảng: "Tôi đồng tình với việc ông nêu, đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Khoa Lịch sử về lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa - Trường Sa trong chương trình Biển Đông hải đảo, các đề tài nghiên cứu về biên giới quốc gia, về chủ quyền lãnh thổ... Công việc nghiên cứu cần phải tiếp tục triển khai với yêu cầu ngày càng toàn diện và chuyên sâu, nhưng việc công bố các kết quả nghiên cứu thì cần phải được tính toán kỹ.
Hiện tại quan hệ giữa hai nước mới đang tốt lên được ít năm, cho nên các ông cứ nghiên cứu và cứ chủ động viết và chọn nội dung và thời điểm công bố cho thật hợp lý thì sẽ phát huy hiệu quả. Cần lưu ý việc công bố rộng rãi các kết quả nghiên cứu khoa học còn liên quan đến luật xuất bản và công tác ngoại giao... ".
|
Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc bên bộ sách được ông mua từ Bỉ trong đó có nhiều bản đồ xác lập Trường Sa, Hoàng Sa là thuộc Việt Nam |
Phải nói thật lúc đó tôi đã có sẵn bản thảo cuốn sách Tư liệu về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng nghe theo lời khuyên của Thủ tướng Phan Văn Khải, tôi tiếp tục đào sâu nghiên cứu, bổ sung thêm nhiều tư liệu mới ở cả trong nước và quốc tế.
Đến năm 2017, tôi mới chính thức công bố cuốn sách mang tên Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa - Trường Sa: Tư liệu và sự thật lịch sử. Tôi tự cho là mình đã thực hiện đúng như lời khuyên của Thủ tướng Phan Văn Khải 17 năm trước.
Về vấn đề thứ hai, liên quan đến việc biên soạn Quốc sử:
GS Nguyễn Quang Ngọc sau khi chứng minh với Thủ tướng về sự trưởng thành của đội ngũ các nhà Sử học Việt Nam trong những thập kỷ cuối thế kỷ XX, đã đề nghị Thủ tướng ủng hộ thành lập chương trình nghiên cứu và biên soạn Quốc sử Việt Nam.
Thật ra xét về hình thức thì trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chính phủ đã triển khai biên soạn Quốc sử, nhưng vì nhiều lý do mà chỉ có 2 tập được xuất bản và ngay trong 2 tập đã được xuất bản đó, nhiều vấn đề, nội dung đã bị những thành tựu mới của Sử học ngày nay bỏ lại phía sau.
Ngay từ đời Lê, các cụ đã ý thức được rất sâu sắc rằng: “Hữu nhất đại chi trị, tất hữu nhất đại chi sử” (có chính trị của một đời, thì phải có sử của thời đại đó). Thế mà nước nhà xây dựng chế độ mới đã hơn nửa thế kỷ nay mà vẫn chưa có một bộ sử chính thức ngang tầm của chế độ mới, thì quả là điều rất đáng tiếc.
Hình như đây là điều Thủ tướng Phan Văn Khải đã trăn trở từ rất lâu, nên ông vội vàng ngắt lời tôi và nói như giao nhiệm vụ: "Đúng!. Chúng ta vẫn chưa có bộ sử Việt Nam với tư cách là bộ sử chính thức quốc gia. Ông về bàn bạc xây dựng ngay Chương trình Nghiên cứu, biên soạn bộ Quốc sử Việt Nam. Chính phủ sẽ ủng hộ Chương trình xây dựng Quốc sử của giới Sử học”.
Thời gian trôi đi quá nhanh và Thủ tướng Phan Văn Khải kết thúc cuộc nói chuyện với tôi bằng việc chuyển lời hỏi thăm sức khỏe đến GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và lưu ý tôi báo cáo với GS Phan Huy Lê về việc Thủ tướng Phan Văn Khải đã đồng ý với đề xuất cho xây dựng đề án Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Khi nói chuyện với Thủ tướng Phan Văn Khải ,tôi cũng chưa hình dung hết tầm mức rộng lớn và những khó khăn trong quá trình vận động tập hợp lực lượng trong nước và quốc tế cho việc xây dựng Chương trình Nghiên cứu, biên soạn bộ Quốc sử Việt Nam.
Mấy tháng sau, theo gợi ý của Bộ Khoa học Công Nghệ và Môi trường (hẳn là có ý kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải), tôi được cử làm Chủ nhiệm đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam (4 tập), có nhiệm vụ trình bày về lịch sử Việt Nam tương đối đầy đủ, toàn diện, hệ thống, trên phạm vi toàn quốc.
Bộ sử này sẽ là cơ sở trực tiếp để chuẩn bị cho việc xây dựng Đề án Khoa học xã hội cấp Quốc gia Nghiên cứu biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam gồm 25 tập chính sử và 5 tập biên niên bắt đầu được triển khai từ năm 2015 và trên căn bản sẽ hoàn thành trong năm 2018.
Bộ sách gồm 30 tập sách, mỗi tập trung bình khoảng 600 trang, tổng cộng khoảng 18.000 trang. Công việc xuất bản có thể còn rải ra trong nhiều năm, nhưng chắc chắn đến khoảng cuối năm 2020, chúng ta sẽ có trọn bộ Lịch sử Việt Nam 30 tập với tư cách là bộ Quốc sử thời đại Hồ Chí Minh.
Sự quan tâm, thấu hiểu và chia sẻ của người đứng đầu Chính phủ Phan Văn Khải ngày nào là một động lực lớn giúp các nhà sử học Việt Nam hôm nay có thêm ý chí và quyết tâm cao thực hiện những gì mà họ mong muốn, sứ mệnh cao cả mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó.
Dù cho đến thời điểm này, 30 tập bộ Lịch sử Việt Nam mới phác dựng hình hài, nhưng chúng tôi vẫn thực tin đó cũng là món quà tinh thần vô giá mà giới sử học nước nhà mong được gửi đến ông, một người đã sớm ra đi mà không kịp thời gian để nhìn thấy thành quả của chính ông, với vai trò là người có trách nhiệm, lại luôn ủng hộ từ ban đầu ý tưởng vô cùng xác đáng đó.
Quốc Phong