Ông Phạm Văn Sơn, Ủy viên Ban quản trị Tập đoàn BMJ: Hộ chăn nuôi đã tìm đến đường cùng bằng việc tự tử!

17/05/2017 - 14:42

PNO - Trước việc một số hộ lỗ vốn quá nhiều trong chăn nuôi, không khả năng trả nợ, ông Phạm Văn Sơn kiến nghị Chính phủ tháo gỡ bằng cách khoanh nợ, gia hạn nợ cho hộ nông dân.

Ong Pham Van Son, Uy vien Ban quan tri Tap doan BMJ:  Ho chan nuoi da tim den duong cung bang viec tu tu!
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” vừa diễn ra sáng nay tại Hà Nội với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ông Phạm Văn Sơn, Ủy viên Ban quản trị Tập đoàn BMJ kiến nghị Chính phủ tìm cách tháo gỡ cho các hộ chăn nuôi, các DN sản xuất kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, các đại lý phân phối, hộ kinh doanh, nông dân bằng cách khoanh nợ, gia hạn nợ cho các hộ nông dân.

Trong thời gian vừa qua, ngành chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn do giá heo hơi xuống thấp kỷ lục. Nhiều hộ chăn nuôi heo khóc ròng, lỗ tiền tỷ, rơi vào tình cảnh “phá sản”, dẹp chuồng.

Theo ông Sơn, một số hộ đã tìm đến đường cùng bằng việc tự tử vì lỗ vốn quá nhiều trong chăn nuôi, không còn khả năng trả nợ. Từ đó, ông Sơn kiến nghị Chính phủ hỗ trợ lãi suất cho DN, hộ kinh doanh, chủ trang trại theo các gói hàng trăm nghìn tỷ đồng để được vay vượt qua thời gian khó khăn này đồng thời hỗ trợ trong việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. 

Ong Pham Van Son, Uy vien Ban quan tri Tap doan BMJ:  Ho chan nuoi da tim den duong cung bang viec tu tu!
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”

Rất nhiều ý kiến khác cũng được thẳng thắn nêu ra trước Hội nghị cho thấy, doanh nghiệp còn gặp rất nhiều rào cản. Một trong số đó chính là gánh nặng về chi phí. Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV nêu rõ, DN còn gặp nhiều khó khăn, gian khổ, trong đó bức xúc nhất là gánh nặng chi phí. Theo ông Thân, về chi phí chính thức, tuy các kết quả cải cách thủ tục hành chính và thể chế đã giúp giảm nhiều chi phí chính thức, nhưng chi phí tuân thủ pháp luật trong một số lĩnh vực còn cao, một số quy định chồng chéo, phức tạp làm tăng thời gian và chi phí cho DN.

Bên cạnh đó, trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp thường xuyên bị kiểm tra như thuế, hải quan, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy…, DN còn phải chi các khoản không chính thức. Mặt khác, khâu thực thi vẫn là khâu yếu nhất, một bộ phận cán bộ, công chức vẫn thể hiện sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không hết mà tìm cách bắt lỗi DN, không coi DN là đối tượng phục vụ. Do đó, DN phải ‘đi đêm’, ‘chung chi’, theo tinh thần “của công chia ba, của nhà chia đôi”.

“Nếu các chi phí không chính thức không được đẩy lùi, sẽ gây muôn vàn khó khăn cho DN, khiến DN mệt mỏi, chán chường, nản chí kinh doanh, bóp méo tư tưởng cạnh tranh, giảm sức cạnh tranh của DN và của quốc gia, làm hỏng bộ máy, giảm niềm tin của nhân dân…”, ông Thân khẳng định.

Còn ông Nguyễn Hữu Đệ, Chủ tịch Công ty CP Hợp Lực, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam phát biểu: Hôm nay Chính phủ cần chúng ta nói lên sự thật và không nói thành tích, tôi xin đi thẳng vào vấn đề.

Thứ nhất, tất cả chúng ta muốn có hiệu quả từ Nghị quyết 35, chúng ta cần tăng cường đội ngũ cán bộ công chức viên chức, trong đó tôi đề nghị trước hết là công tác tổ chức cán bộ. Có thể nói là bây giờ chúng ta đang thừa, theo doanh nhân phải có đến 50% cán bộ đi chơi, ngồi “bói chữ” nhiều hơn là làm. Do vậy tôi đề nghị tránh việc “mua quan bán chức”, mới chọn được người tài, người có năng lực theo tinh thần của Thủ tướng đã nêu.

Ong Pham Van Son, Uy vien Ban quan tri Tap doan BMJ:  Ho chan nuoi da tim den duong cung bang viec tu tu!
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp tại Hội nghị sáng nay, 17/5. Ảnh: Quang Hiếu.

Thay mặt Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, ông Đệ đề nghị Chính phủ nên sửa đổi và nên có chính sách khuyến khích doanh nhân đầu tư phát triển bệnh viện tư nhân để chia sẻ sự quá tải cho bệnh viện Nhà nước.

Riêng về tình hình cơn sốt ảo giá đất tại TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép hạch toán bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với thu nhập khác của DN. Điều này đã được đưa vào Nghị quyết 35 của Chính phủ nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Ông Châu cũng kiến nghị Chính phủ cho phép thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại ngân hàng ở nước ngoài nhưng khi xảy ra tranh chấp thì xử lý theo pháp luật của nước ta. Hiện tại Luật Đất đai chỉ cho thế chấp ở trong nước, không cho thế chấp ở nước ngoài.

“Nhưng bây giờ chúng ta hội nhập, nhà đầu tư nước ngoài cũng cần có sự thế chấp đó ở những ngân hàng nước ngoài. Chúng ta cho Việt kiều nhập cảnh hợp pháp được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam thì đối với những người này cũng có nhu cầu thế chấp để vay tiền nước ngoài’, ông Châu đặt vấn đề.

Đồng thời, thay mặt Hiệp hội, ông Châu kiến nghị Chính phủ phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh có giải pháp hiệu quả để hạ nhiệt cơn sốt ảo giá đất ở vùng ven Thành phố.

Cơn sốt này diễn ra đối với đất nền chứ không phải đất dự án tại Quận 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, hiện nay đã lan lên cả Củ Chi và huyện Cần Giờ. Đó là một điểm rất bất thường. Giới đầu nậu và cò đất chính là thủ phạm, nguyên nhân chính gây ra cơn sốt đất này và cũng chính là bên hưởng lợi lớn nhất trong quá trình này.

Qua đó, Hiệp hội kiến nghị với Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật Kinh doanh bất động sản. Bởi vì Luật Kinh doanh bất động sản quy định kinh doanh bất động sản phải có đăng ký kinh doanh nhưng giới đầu nậu, cò đất hiện nay đang kinh doanh với tư cách cá nhân chứ không đăng ký kinh doanh, không chịu thuế và nấp bóng người chủ đất hoặc nấp bóng doanh nghiệp để kinh doanh…

Ong Pham Van Son, Uy vien Ban quan tri Tap doan BMJ:  Ho chan nuoi da tim den duong cung bang viec tu tu!
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi cùng ông Trương Gia Bình - chủ tịch tập đoàn FPT. Ảnh Quang Hiếu.

Nhấn mạnh tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm phía trước, bởi còn rất nhiều rào cản cho sự phát triển của DN. “Tôi muốn nói tinh thần lớn với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp yên tâm rằng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ phải xây dựng và bảo đảm môi trường kinh doanh tốt, thân thiện với kinh doanh, có năng lực cạnh tranh cao; không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn với người đầu tư, kinh doanh, tài sản, vốn đầu tư; không chỉ chi phí giao dịch thấp mà còn rủi ro thấp; không chỉ độc quyền kinh doanh được kiểm soát mà còn chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả để bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng, hiệu quả; các nhà đầu tư, doanh nghiệp không chỉ được tôn trọng mà còn được vinh danh; môi trường kinh doanh có độ tin cậy cao, vững chắc để mọi người yên tâm đầu tư và mở rộng kinh doanh”, Thủ tướng cam kết.

13h30 chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu kết luận Hội nghị: “Trong một năm qua, chính phủ và các địa phương đã gãi đúng chỗ, các giải pháp ban ra gần như đã gãi đúng chỗ ngứa, không phải ngứa trên đầu mà lại gãi dưới chân”.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Chỉ thị số 20 sẽ được ký trong ngày hôm nay với nội dung không kiểm tra DN quá 1 lần/năm. Thông điệp này của Thủ tướng đã nhận được sự tán đồng của toàn thể doanh nghiệp tham gia Hội nghị.

Minh Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI