Ông nội...xì tin

11/06/2017 - 14:26

PNO - Ông nội đã ngoài 60 nhưng dáng dấp chẳng khác thanh niên là mấy.

Ong noi...xi tin
Ông không nghiêm khắc như bố, cũng không càu nhàu như mẹ. Ảnh minh họa.

Tóc ông đã bạc hơn nửa đầu, nhưng cứ ba tháng ông lại nhuộm một lần. Ở nhà ông hay mặc quần short, áo phông, ra đường thì mặc quần thụng. Da ông đẹp, lại thêm tiền sử huyết áp cao nên lúc nào cũng hồng hào.

Nghỉ hưu bốn năm rồi nhưng ông vẫn giữ thói quen cứ chiều đến là xỏ giày trắng, vác vợt cầu lông đi chơi thể thao. Bác bán nước đầu ngõ không ít phen nhìn thấy ông nội đi qua  xa cả chục mét vẫn nghển cổ nhìn theo.

Bố mẹ lu bù công việc, lại còn bận chăm em bé nên trong nhà ông nội là người gần gũi Bin nhất. Ông dạy Bin đi xe đạp hai bánh và trượt pha tanh điệu nghệ. Chưa vào lớp 1 nhưng Bin đã bơi rất siêu. Bạn bè cứ nghĩ là mẹ Bin thuê thầy dạy, nhưng kỳ thực thầy chính là ông nội. Đi học thì thôi chứ về đến nhà là Bin quấn lấy ông. Ông có tuổi rồi nhưng mấy cái món đồ chơi trẻ con ông “bắt sóng” nhanh lắm. Ông nội cũng thích lướt “phây”, up ảnh, chia sẻ những chuyện tếu táo, vui vui. 

Ông không nghiêm khắc như bố và không hay càu nhàu như mẹ. Bố mẹ tuyệt nhiên không cho Bin mon men đến gần bia rượu, nhưng ông thì khác. Nếu Bin thích thì cứ nhấp một vài ngụm chả sao. Có lần mẹ bực nên cáu. Ông ôn tồn bảo: “Con có nhốt nó mãi trong cũi hay đi theo nó 24 giờ/ngày để giám sát nó không? Ngoài kia đầy rẫy cạm bẫy, vậy nên đừng cấm đoán con, hãy để nó nếm trải, dạy nó cách phòng tránh và biết điểm dừng”. 

Sáng dậy, đến giờ đi học, Bin lễ phép chào ông thì ông vẫy tay: “Soái ca” của ông đi học vui nhé! Chiều, ông đón từ cổng: “Đại ca” của ông về rồi à, hôm nay có lập được “chiến công” nào không? 

Ông thoải mái vậy nên có nhiều chuyện Bin giấu bố mẹ nhưng lại đem mách ông. Nhớ hồi trong năm học, mẹ la lối Bin vì bài kiểm tra cô giáo chụp hình gửi cho mẹ. Là bài tập làm văn kiểm tra cuối học kỳ tả người thân. Bin tả ông nội với những gì nó nghe, nó thấy mỗi ngày. Và cô giáo đã cho Bin điểm 3 to đùng. 

Ông nội đi chơi thể thao về thấy nhà cửa om sòm, tiếng thằng cháu đích tôn sụt sùi vọng ra, ông xót lắm. Nhưng ông đành phải nén lòng đứng ngoài vì không cho phép mình phá vỡ nguyên tắc do chính ông đặt ra: khi bố mẹ đang dạy con thì tốt nhất ông bà không nên xuất hiện. Tối hôm đó ngồi vào bàn ăn, nhìn thằng cháu mặt mày rầu rĩ, ông nội cũng vờ như không thấy. Kỳ thực thì trong lúc Bin đi tắm, ông nội đã xem bài văn của Bin. 

Sáng hôm sau, ông nội xung phong đưa Bin đi học. Mẹ Bin ngạc nhiên, nhưng ông hóm hỉnh: “Nếu như tối qua con mới “đấu khẩu” với chồng thì sáng nay con có dễ chịu khi chồng đưa đi làm không?”. Mẹ Bin lắc đầu chịu thua. Ông thì theo Bin vào tận lớp. Cháu đeo cặp đi trước, ông hăm hở đi sau. Thấy phụ huynh xuất hiện ở cửa lớp, cô giáo ân cần: “Ông là...”. Ông cười: “Tôi là ông nội của cháu Bin”. “Ông trẻ quá ạ!”, cô giáo buột miệng thốt lên.

Lúc này ông mới nhẹ nhàng hỏi: “Cô trông tôi có giống ông nội xì-tin trong bài văn của cháu Bin không? Tôi không có chuyên môn sư phạm, nhưng khi đọc bài văn của cháu, tôi thấy chân dung của tôi hiện lên chân thực và sống động. Một bài văn như thế sao lại gọi là bài dở được. Chỉ là nó không giống những khuôn mẫu đã được đúc sẵn thôi. Để học sinh viết văn hay, tôi nghĩ cần phải khuyến khích những thứ sáng tạo, mới mẻ và mang chất liệu thật của cuộc sống chứ ạ".

Cô giáo lặng im. Lúc sau, cô ái ngại mở lời xin lỗi và cảm ơn ông. Ông nhìn thấy trong ánh mắt ấy hàm chứa sự biết ơn nên tươi cười và rảo bước nhẹ tênh ra cổng. 

Thu Hoàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI