Ông nội ung thư nằm viện, cháu không buồn ló mặt thăm

03/09/2019 - 18:00

PNO - Bận đến mức biến chúng ta trở thành những người lạnh lùng, không còn thời gian quan tâm người thân thì liệu việc quay cuồng làm việc, kiếm tiền kia có ý nghĩa gì không?

Tôi chở đứa cháu đến nhà ông anh để chào về quê, sau một mùa hè chơi ở thành phố. Ông anh gặp cháu phân bua: “Con bệnh nằm viện mà cậu bận quá không kịp thăm, hôm định thăm thì hay tin con ra viện rồi”. Cháu cười tươi: “Dạ, không sao cậu. Con khỏe rồi”. Trước đó, cháu bị dị ứng nặng phải nằm viện một tuần.

Đúng là ông anh bận thật, nhưng trên đường về, tôi cứ lăn tăn nghĩ mãi về chữ “bận” của người lớn. Tôi có đứa cháu gái, con anh trai tôi, đang học đại học. Những ngày ba tôi nằm viện điều trị ung thư, không thấy cháu ghé thăm lần nào. Ngày chúng tôi đưa ba về quê, cháu chở anh trai tôi ra sân bay rồi quay xe về mà không vào chào ông nội.

Sau đó, tôi có nhắn tin hỏi vì sao con không ghé thăm trong thời gian ông nằm bệnh viện. Cháu trả lời: “Con xin lỗi, con biết là con sai nhưng vì con bận quá. Con cũng sắp về quê, sẽ ghé thăm ông nội”. Tôi chỉ biết ngao ngán nhắn lại: “Ai cũng bận hết đó con, nhưng nếu thấy quan trọng con sẽ có thời gian. Ông nội sống hết đời của ông thì xong, chẳng trách gì con cháu đâu, nhưng người áy náy vì không lui tới lúc ông còn sống sẽ là con”. Sau đó không lâu ba tôi mất, không biết cháu có áy náy hay không. Thật ra, nói cho cháu biết thôi chứ không trách cháu, lỗi là do ông anh tôi đã không nhắc cháu thăm nom, quan tâm đến những người trong gia đình. 

Ong noi ung thu nam vien, chau khong buon lo mat tham
Ảnh minh họa

Bạn bè tôi có nhiều người lúc nào cũng bảo bận. Thấy thằng bé con của bạn ngoài giờ học chỉ bám lấy mẹ dù đã học lớp Bảy, tôi gợi ý bạn mùa hè cho con tham gia nhóm Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam vài chuyến. Ở đó, các bé sẽ được tìm hiểu về rừng, cứu hộ rùa biển, trồng cây… Rất nhiều hoạt động của nhóm giúp bé độc lập, tháo vát, hiểu biết về thiên nhiên, môi trường sống. Nhưng, câu trả lời tôi nhận được là: “Tao bận lắm, không có thời gian đi cùng con”. 

Một đứa bạn khác của tôi thì suốt ngày dán mắt vào điện thoại, bấm bấm, quẹt quẹt. Tội nghiệp đứa con gái của nó, nhiều lần kéo tay mẹ: “Mẹ, mẹ chơi với con đi!” và lần nào cũng là câu: “Mẹ bận lắm, phải trả lời khách hàng nhiều quá, không chơi được!”. 

Xung quanh ta không thiếu những người bận kinh hoàng. Ông anh tôi là một thí dụ, ổng đi công tác suốt, mỗi tháng chỉ ở nhà được vài ngày. Nhịp sống bây giờ nếu chúng ta sống chậm có thể sẽ bị hất khỏi guồng quay xã hội. Thế nhưng, bận đến mức biến chúng ta trở thành những người lạnh lùng, không còn thời gian quan tâm người thân thì liệu việc quay cuồng làm việc, kiếm tiền kia có ý nghĩa gì không?

Bận quá thì cuộc sống sẽ mất vui, bởi ta sẽ dần đánh mất sự tinh tế, không còn thói quen chia sẻ, chăm sóc người khác, rồi mất luôn nhu cầu được người khác chăm sóc, chia sẻ. Trong khi đó, chẳng phải chúng ta sinh ra trong cùng một gia đình, chơi cùng một nhóm bạn là để hiểu nhau, yêu thương và chăm sóc nhau?

Chúng ta cố gắng kiếm tiền để khi đau bệnh đỡ lo không có tiền điều trị, để ăn được miếng ngon, ở được chỗ lành lặn, nhưng quay cuồng với công việc khiến ta dễ quăng vào nhau những tổn thương khó vá víu được. Quan trọng là chúng ta ít khi nào tự hỏi: thật sự mình bận đến mức không còn chút thời gian nào cho những người xung quanh sao? 

Ong noi ung thu nam vien, chau khong buon lo mat tham

Ảnh minh họa

Cô bạn tôi bận không có thời gian đưa con đi chơi thể thao, tham gia trại hè, dã ngoại phù hợp với lứa tuổi của con, và quyết định “dành thời gian cho con” bằng cách đưa con đi team building với công ty của mẹ hay cà phê cùng các bạn mẹ. 

Hình ảnh ông nội nằm viện không đủ sức thôi thúc cháu tôi tranh thủ thời gian nghỉ buổi trưa chạy sang thăm ông. 

Anh tôi vẫn có những bữa nhậu với khách. Bạn tôi vẫn kịp đặt các món hàng bán online thay vì chơi với con… Đáng buồn là chúng ta luôn bớt thời gian cho những người thân thích, và luôn có thời gian cho những lời chúc mừng, chia buồn, hỏi thăm xã giao, đăng trạng thái và bình luận trên mạng xã hội. 

Thế giới này chỉ một số người sinh ra mang sứ mệnh cống hiến cho nhân loại, được ban phát trí tuệ và lòng đam mê công việc vượt bậc để trở thành vĩ nhân. Còn lại, phần đông chúng ta là người bình thường với sức lao động từ bình thường đến tốt, và nhu cầu vật chất cho cuộc sống ít hơn chúng ta tưởng. Nhưng đôi khi chúng ta nghĩ nếu mình làm việc ít hơn một chút, thế giới sẽ tiêu tùng, làm việc ít hơn một chút gia đình sẽ đói ngay, nên lúc nào cũng bận rộn vì công việc và tiền bạc. 

Vì bận, đôi khi chúng ta vừa nghe con cái kể về một rắc rối đang gặp, vừa sốt ruột nhìn đồng hồ khiến những đứa con cảm thấy cha mẹ chẳng có thời gian nghe mình nói. Vì bận, đôi khi chúng ta không nhận ra một người anh em đang trong cơn trầm cảm. Vì bận, đôi khi ta quên mất cha mẹ không còn sống lâu với mình… Vậy nên chữ “bận” nghe sao mà lạnh lùng, đúng hơn là khi dùng nó lòng dạ chúng ta đang đóng băng. 

Thật ra, dù bận đến đâu, chúng ta cũng thu xếp được thời gian nếu thấy điều đó có ý nghĩa với mình. Đi thăm một người thân, trò chuyện cùng con, dự một bữa tiệc gia đình, ăn cùng nhau một bữa cơm, dành một buổi không làm gì hết chỉ để tĩnh tâm lắng nghe chính mình… 

Lẽ nào những điều ấy không đủ ý nghĩa để chúng ta dành thời gian cho nó? Ba tôi, những năm về già hay than: “Anh Sáu (anh trai ba) không bao giờ chịu lên ở lại với thằng em ảnh một đêm để ăn bánh, uống trà nói chuyện”. Giản dị như một đêm dài thong thả đàm đạo cùng nhau thôi, mà mãi mãi ba và bác tôi không thể thực hiện được nữa.

Chữ “bận” dần dần tạo những vách ngăn giữa ta với người thân để rồi đến khi không còn bận, thèm một chút ấm áp tình thân, lại không biết phải bắt đầu từ đâu. 

An Hiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI