Ông nhà văn “trèo qua cửa sổ” và… nổi tiếng

20/05/2017 - 12:00

PNO - Nếu như ông già Allan Karlsson trong 'Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất' liên tục bị săn đuổi thì người khai sinh ra cuốn tiểu thuyết, nhà văn Jonas Jonasson, không ngừng được độc giả thế giới… săn đón.

Trong vòng 10 năm sau khi ra đời, cuốn sách đầu tay của tác giả Thụy Điển Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất đã được chuyển ngữ ở 35 quốc gia, bán được khoảng bốn triệu bản trên toàn cầu, riêng ở Đức là hơn một triệu bản. 

Khó có thể kể hết số độc giả từ trẻ tới già không ngần ngại bày tỏ sự si mê cụ Allan trăm tuổi trong “câu chuyện kỳ khôi” mà Jonas Jonasson kể. Mang yếu tố trinh thám, hình sự, nhưng Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất được đan cài, móc nối vô cùng duyên dáng với rất nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử liên quan đến cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất và thứ hai. 

Ong nha van “treo qua cua so” va… noi tieng
 

Truyện chia làm hai tuyến, đều xoay quanh cuộc đời người đàn ông không chịu an phận… già, chọn đúng ngày sinh nhật tuổi 100 để trốn khỏi nhà dưỡng lão, rồi vô tình bước vào cuộc săn đuổi, phiêu lưu vô tiền khoáng hậu. 

Sau khi cuốn sách trở thành hiện tượng văn chương toàn cầu, đến năm ngoái, phiên bản điện ảnh cùng tên đã được trình làng. Dù không gây ấn tượng bằng nguyên tác, nhưng bộ phim của hai đạo diễn người Thụy Điển vẫn giữ được hồn vía tác phẩm là tinh thần dấn thân, tưng tửng, trào lộng và thông thái kiểu Bắc Âu.

Thành công vang dội của Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất tiếp tục đưa Jonas Jonasson đến với cuốn “best-seller” thứ hai là Cô gái mù chữ phá bom nguyên tử ra mắt năm 2013.

Tuy không đạt được kỳ tích của tác phẩm đầu tay, nhưng ở tiểu thuyết thứ hai này, Jonas đẩy tính ly kỳ, giễu nhại mạnh mẽ hơn. Đưa nhân vật đi từ Nam Phi đến Thụy Điển, nhà văn sinh năm 1961 không ngại trêu chọc các nhân vật lịch sử có thực và các câu chuyện chính trị sặc mùi thuyết âm mưu ở thế giới này. 

Cuốn sách dày dặn thứ ba Anders sát thủ cùng bè lũ ra mắt hai năm sau đó tiếp tục mang đến tiếng cười sâu cay và nhân văn. Câu chuyện về ba nhân vật bị xã hội gạt xuống đáy, đến một ngày ngừng theo đuổi những thủ đoạn ranh ma để “làm hòa với cuộc đời và con người”. 

Ong nha van “treo qua cua so” va… noi tieng

Nhà văn Jonas Jonasson và tác phẩm để đời bản tiếng Việt

Cho đến nay, cả ba tác phẩm của Jonas Jonasson đều đã được Nhà xuất bản Trẻ dịch và phát hành tại Việt Nam. Tuy vậy, với đa số độc giả, Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất vẫn là tác phẩm để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất. Có điều ít ai ngờ cuốn sách bán chạy nhất thế giới này có số phận khởi đầu không suôn sẻ khi chỉ có một trong sáu nhà xuất bản mà Jonas gửi bản thảo đồng ý in tác phẩm. 

“Thế là, cụ quay đầu nhìn lại Nhà Già, nơi mà chỉ vài phút trước, cụ đã nghĩ rằng nó sẽ chỉ là chỗ cư trú cuối cùng của mình trên trái đất. Rồi cụ tự nhủ mình có thể chết vào dịp khác, ở một nơi nào khác”. Đoạn văn về ông già trăm tuổi Allan cũng có thể ứng với cuộc đời của nhà văn có tên đầy đủ là Pär-Ola Jonas Jonasson. Như ông Allan, tác giả người Thụy Điển cũng như được sống qua hai cuộc đời bởi có người gọi ông là “nhà văn trở về từ cõi chết”. 

Sinh ra và lớn lên tại vùng Vaxjo ở miền Nam Thụy Điển, cha là tài xế xe cấp cứu, mẹ là nhân viên y tế, sau khi tốt nghiệp Đại học Gothernburg, Jonasson làm việc cho tạp chí Smålandsposten đến năm 1994.

Ong nha van “treo qua cua so” va… noi tieng
 

Năm 1996, ông mở công ty truyền thông OTW và khá thành công. Đến năm 2003, ông bị đau cột sống, bắt đầu rơi vào trầm cảm, sống trong cảnh thập tử nhất sinh. Hai năm sau, ông bán công ty được khoảng 10 triệu bảng và chia cho các thành viên. Khi sức khỏe dần hồi phục, đến năm 2007 ông lập gia đình với một phụ nữ người Na Uy và chuyển đến Thụy Sĩ. Ở đây ông hoàn thành tác phẩm văn chương có tính bước ngoặt trong cuộc đời mình.

Câu chuyện đời tư của tác giả best-seller có vẻ khá bí ẩn khi hiện tại vẫn lan truyền thông tin ngoài luồng kêu gọi “nhà văn Thụy Điển Jonass Jonasson hãy để cậu con trai Jonatan được đoàn tụ với người mẹ người Indonesia”. Tuy vậy, chưa thấy có nguồn tin chính thống nào kiểm chứng việc này. Trong một lần trả lời phỏng vấn tờ Guardian, nhà văn nổi tiếng bày tỏ: “Có nhiều khi văn chương mang đến nỗi tuyệt vọng và bi lụy. Thành công của tôi đó là tôi mang đến niềm hy vọng”. 

Bùi Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI