Nêu ý kiến với các đại biểu Quốc hội, tiến sĩ Trần Thị Anh Vũ - Ủy viên Ban chấp hành Hội Nữ trí thức TPHCM - cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội đã dần trở lại như trước khi xảy ra dịch COVID-19. Dữ liệu tháng 9 và quý III/2022 cho thấy, nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn trước đại dịch. Tăng trưởng kinh tế năm nay nhiều khả năng sẽ vượt xa so với mục tiêu đặt ra.
|
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân - nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM - chia sẻ với ý kiến cử tri chiều 12/10 - Ảnh: Quốc Ngọc |
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Anh Vũ, nền kinh tế của chúng ta vẫn đang phát triển chưa bền vững, năng lực tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc hoặc tác động bên ngoài còn yếu. Việt Nam cơ bản là một nền kinh tế thâm dụng vốn và gia công, lắp ráp là chủ yếu… Chính phủ cũng nhìn thấy điều này và đã có định hướng xây nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Bên cạnh đó, bà cũng cho rằng, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực kinh tế chưa chặt, có quá nhiều kẽ hở để những doanh nghiệp “không chân chính” lợi dụng và thao túng gây thiệt hại cho nền kinh tế và người dân. Đơn cử như việc nhập và thổi giá các thiết bị y tế, thao túng thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, mua bán trái phiếu...
“Hay mới đây nhất là có hay không việc đầu cơ trục lợi xăng dầu? Chính phủ và Bộ Công thương phải xem lại việc điều hành thị trường xăng dầu, phải xem việc một thành phố lớn như TPHCM mà hết xăng như mấy ngày qua là vấn đề không an toàn về an ninh năng lượng, chính trị chứ không chỉ là kinh tế”, bà Trần Thị Anh Vũ nói.
Về chống tham nhũng, bà đặt thêm câu hỏi: “Dù quyết liệt nhưng sao cán bộ vẫn không sợ, vẫn tiếp tục có thêm nhiều cán bộ tham nhũng? Vụ nào cũng lớn. Phải chăng mức xử lý, các chế tài chưa đủ sức răn đe hay đồng tiền làm tha hóa đến mức bất chấp”?
Trong khi đó, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Y học TPHCM - đề cập việc đãi ngộ đối với người làm công tác y tế. Đây là một vấn đề đã được nêu lên từ lâu nhưng hiện nay đã đến lúc trở thành “nguy kịch” khi nhiều nhân viên y tế ở tất cả các cấp chủ yếu ở các cơ sở công lập đã bỏ nhiệm sở vì lý do thu nhập không đủ để đảm bảo cuộc sống.
Ngoài ra, từ lúc có chủ trương xã hội hóa chăm sóc y tế, nhiều vấn đề đã phát sinh do những quy định chưa rõ ràng, hành lang pháp lý còn mơ hồ. Những lỗ hổng trong các khâu quản lý và giám sát kiểm tra đã dẫn đến vận dụng sai, có cố ý hay không cố ý. Điều này đã dẫn đến hậu quả đau lòng là nhiều nhà trí thức thầy thuốc ưu tú của ngành y phạm phải sai phạm và vướng vào vòng lao lý.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, ngành y tế là một ngành đặc thù, cần sự linh động để đáp ứng kịp thời những nhu cầu cấp bách về sức khỏe của người dân. Việc thực hiện theo những quy định hay cơ chế vận hành có thể không phù hợp vào từng thời điểm. Do đó, cần phải được cấp trên “gỡ rối” nếu không sẽ dễ dẫn đến tình trạng toàn bộ hệ thống bị ngưng trệ. Thí dụ việc chậm trễ trong đấu thầu đã dẫn đến tình trạng thiếu trang thiết bị và thuốc, ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh nhân.
“Chúng tôi mong Quốc hội có thể xem xét đề xuất những giải pháp thiết thực và có hiệu quả ngay để giúp ngành y tế vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Củng cố niềm tin trong ngành và ngoài xã hội để tiếp tục sự nghiệp chăm lo sức khỏe cho nhân dân, nhất là trong tình hình hiện nay khi các bệnh dịch còn đang tiếp tục hoành hành”, bà trăn trở.
Chia sẻ với cử tri, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân - nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM - nói: “Chúng tôi đi làm việc với ngành y tế thì phải nói anh em đang có đến ba chữ bất - bất an, bất ổn và bất lực. Giám đốc các bệnh viện biết cách làm nhưng cũng không thể làm được nên họ rất bức xúc”.
Ông Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng về cuộc tọa đàm giữa các bệnh viện với Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ. Tất cả hợp đồng thuốc men, thiết bị được ký trước tháng 1/2022. Từ đó đến nay, các bệnh viện không thể tiến hành bất cứ cuộc đấu thầu nào cả và có nguy cơ “đóng cửa”.
“Có giải pháp cơ bản là chia nhỏ gói thầu xuống dưới 500 triệu đồng thì có thể làm nhanh, nhưng một đồng chí giám đốc cho rằng 500 triệu bệnh viện tôi xài ba ngày là hết vật tư, thuốc men rồi”, ông kể.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, ngoài doanh nghiệp có Luật Doanh nghiệp, thì còn nhóm đơn vị thứ hai rất quan trọng nhưng mục đích hàng đầu không phải là nguồn thu mà phục vụ cho nhu cầu xã hội. Nhóm này không được gọi là doanh nghiệp mà chúng ta hiện gọi là các đơn vị sự nghiệp, gồm giáo dục, y tế, khoa học, văn hóa.
Hiện các trường học, bệnh viện, cơ sở nghiên cứu khoa học, đơn vị văn hóa chỉ được điều tiết bởi một nghị định về các đơn vị sự nghiệp, cùng với các luật đặc thù như Luật Giáo dục, Luật Đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Khám chữa bệnh, Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế, hay Luật Khoa học công nghệ, Luật Di sản, Luật Thư viện v.v…
“Tóm lại qua khảo sát, chúng tôi thấy rằng nếu chúng ta muốn cho các đơn vị sự nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, tự chủ hơn thì phải xây dựng được Luật Đơn vị sự nghiệp và luật này đồng bộ với luật đặc thù từng ngành để đơn vị sự nghiệp toàn tâm theo nhiệm vụ đặc thù, góp phần cho họ làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình”, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.
Quốc Ngọc