Ông ngoại U90 ngày nào cũng lật album ngắm "em yêu"

03/03/2023 - 06:15

PNO - “Em yêu” của ông ngoại là cách chúng tôi gọi vui bà ngoại. Ở tuổi 87, cả hai ông bà vẫn yêu thương nhau như ngày mới về chung nhà.

 

Ông tôi ngày nào cũng xem hình bà
Ông tôi ngày nào cũng mở hình ngắm bà

Ông bà tôi ở TP. Tuy Hoà (Phú Yên). Khoảng 1 tháng nay, ông bệnh phải nhập viện tại Bệnh viện Thống Nhất, bà cũng vào TPHCM cùng với ông. Lo sức khoẻ bà yếu, con cháu chia nhau để trông ông trong bệnh viện và ở nhà với bà. 

Từ khi chồng bệnh, bà cũng hay bỏ ăn vì lo lắng, mọi người phải thay nhau động viên. Bà cũng nhớ quay quắt vườn rau ở nhà, nơi bà gieo hạt, ông tưới nước, bà hái rau, ông chở ra chợ bán…

Ông bà ngoại tôi xưa nay ít khi làm phiền con cháu. Mấy chục năm nay, ông chỉ đi duy nhất con đường từ nhà ra ngoài chợ. Đúng 2 giờ sáng người ta thấy ông chở bà ra điểm bán rau rồi quay về vườn cuốc đất. Cuộc sống của hai vợ chồng U90 yêu lao động cứ êm đềm trôi. Nhiều lần, chúng tôi không cho ông bà làm vườn, bán buôn vì thấy tuổi đã cao. Ông bà lắc đầu: “Có làm mới có sức khoẻ”. 

Lần nhập viện này là lần đầu ông không ở bên bà dài ngày. Ông nằm ở góc giường thao thức vì nhớ bà. Trong bệnh viện, cơn sốt hầm hập kéo đến, cơn đau nhức tay chân khiến ông trở mình liên tục. Chúng tôi dỗ dành: “Ông ráng ăn để mau khoẻ, sớm về với bà ông nha”. Những lần như thế, ông lại ngồi dậy, cố nuốt từng muỗng cháo.

Tôi nghĩ ra một ý tưởng, tôi gom những bức hình đã chụp cho ông bà và in ra, bỏ vào một album nhỏ, đem vào bệnh viện. Thi thoảng, ông lại lôi ra, ngắm nhìn “em yêu” rồi nước mắt chảy dài.

Chúng tôi kết nối cho ông bà qua video call, cả hai cứ nghẹn ngào nhìn nhau. Ông dặn bà nhớ ăn cơm, uống thuốc đầy đủ để cả hai lại được về quê với mảnh vuờn, với ngôi nhà đơn sơ. Những ngày trong bệnh viện, chúng tôi cảm nhận được tình yêu gần 60 năm của ông bà được xây dựng bằng những gì dung dị nhất.

Có những bữa cơm chỉ có cá kho với dưa cà, bà luôn đợi ông về ăn. Có những hôm trái gió trở trời, bà ngủ trong chập chờn, chốc chốc lại qua thăm chừng ông. Bà hay nhét vào túi áo ông chai dầu xanh mỗi lần ông đi xa. Có những lần bà vào TPHCM khám bệnh, ông ôm khư khư chiếc điện thoại, trông cuộc gọi về. 

Hình ảnh của bà được ông ngắm mỗi ngày
Nhờ có cuốn album tôi mang vào, ông như được trò chuyện với bà cả ngày 

Đầu năm nay, ông nhờ tôi chở ông đi nhiều nơi thăm bạn bè cũ vì nhận ra sức khoẻ và thời gian không còn nhiều nữa. Trước năm 1975, ông ngoại đậu thủ khoa, được đưa đào tạo sư phạm. Học xong, ông có 15 năm đi dạy ở các huyện miền núi, rồi chiến tranh xảy ra...

Danh sách những người bạn thời đi học và thời chiến tranh ông được ông ghi chép cẩn thận vào một tờ giấy. Ông lục ra đưa cho tôi nhờ tôi chở đến đó: “ông Hai Đinh, nhà Uất Lâm, nay 85 tuổi”, “thằng Dậu, 75 tuổi, nhà Hoà Tân…”.

Tìm người quen dựa trên những dữ liệu ít thông tin như "mò kim đáy biển", nhưng không hiểu sao, tôi cũng may mắn tìm được. Có người bạn của ông giờ chỉ còn di ảnh, có người bây giờ tai biến nằm liệt.

Lần đầu tiên tôi thấy ông khóc. Đó là khi gặp lại những người bạn cùng lứa, ngồi kể nhau thời đạn lạc và kỷ niệm xưa. Mọi người động viên nhau ráng sống thêm một cái tết nữa để gặp lại lần nữa.

Lúc tôi đưa ông về nhà, ông ngồi góc giường bần thần: “Ông yếu lắm rồi, chắc năm tới không còn tiếp tục thăm bạn được nữa. Nay mai ông nhắm mắt cũng yên lòng”.

Nghe ông nói câu đó, mắt tôi cay xè, tôi động viên: “Ông phải luôn khoẻ, để luôn ở bên “em yêu”, với con cháu ông nha!”.

Lê Ngô

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI