Ông ngoại khoẻ mạnh, con cháu tha hồ dựa

19/05/2022 - 06:00

PNO - Ngày nay ai cũng bị cuốn vào “cơn lốc” công việc và quả thật là diễm phúc cho gia đình nào có ông ngoại khỏe mạnh.

Ông ngoại để chi là tựa đề bài thơ rất dễ thương của tác giả Võ Hồng: “Này con mẹ hỏi/… Bàn chân để chi? Để mang đôi guốc/ Ông ngoại để chi?/ Để ngồi hút thuốc”. Bài thơ vẽ lên một ông ngoại nhàn nhã, rảnh rang (có thể có đôi chút vụng về!), hằng ngày chỉ biết ngồi uống nước trà, hút thuốc, đánh cờ, ngâm thơ... mọi thứ có bà ngoại lo, thỉnh thoảng còn bị bà ngoại la rầy.

Có thật vậy không khi mà con cái ngày nay bị cuốn vào “cơn lốc” công việc và gia đình có một ông ngoại còn khỏe? 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK


Lịch làm việc hằng ngày của một ông ngoại năm nay đã 68 tuổi như sau:

Năm giờ sáng ông đi bộ sang nhà con gái út cách nhà ông khoảng ba trăm mét, bế cháu ngoại 15 tháng tuổi về chăm sóc. Gia đình ông có một con trai, ba con gái, ai cũng có cơ ngơi, làm ăn khá giả. Ông bà ở với con trai. Từ ngày con gái út mua nhà ở riêng, mở hàng phở buổi sáng, ông lãnh phần chăm cháu ngoại để con gái rảnh tay.

Những ngày nhàn nhã sau khi đi bộ thể dục buổi sáng về, nếu không tỉa tót mấy chậu cây cảnh thì ông đi chơi cờ, hay sang nhà này, nhà kia tán dóc… giờ thay bằng những bận bịu không tên. 

Đầu tiên ông nhận chén cháo từ tay bà và làm trò cho cháu ngoại ăn hết. Sau đó đưa cháu sang nhà con gái lớn chơi với bọn trẻ con bên ấy. Mười giờ, ông cháu về nhà, cho cháu vào võng, ông vừa ru cháu ngủ vừa canh chừng bình sữa cháu đang ôm. Khi cháu ngủ, ông nhẹ nhàng rút bình sữa, lúc ấy mới rảnh tay cầm tờ báo, uống ly nước trà hay lướt điện thoại. Có khi ông phải phụ bà phơi quần áo của cháu vì trong gian bếp kia bà cũng đủ thứ việc. 

Mười hai giờ trưa, gia đình con trai lớn gồm hai vợ chồng và hai cháu nội về đến nơi, ông bà phải có cơm kịp cho chúng ăn. 

Cháu ngoại thức giấc, ông cho cháu ăn nhẹ chút gì đó, xong “giao” về cho mẹ nó. Có hôm hàng phở hết chậm, đến chiều ông mới đưa cháu về. Bận bịu vậy, nhưng ông lại thấy khỏe hơn trước đây, khi thỉnh thoảng đau lưng, nhức đầu gối.

Trường hợp một ông ngoại khác thì vợ mất sớm, gà trống nuôi hai con gái. Con gái lớn có nhà riêng cách khá xa nhưng cháu ngoại lại học trường tiểu học ngay đầu hẻm nhà ông. Cứ đến bốn giờ chiều ông lại lững thững ra đầu ngõ đón cháu, dù cháu có thể tự về nhà được. Tay dắt cháu, tay xách cặp, mặt ông tươi rói, ngời ngời hạnh phúc bên cháu ngoại chân sáo, líu lo.  Có hôm ông ra đến trường, thấy con gái hay con rể đứng chờ đón cháu, ông lủi thủi trở về, mặt buồn thiu.

Có ông về hưu chưa được một tháng thì có ngay “nhiệm sở” mới. Con gái lớn xây nhà, nhờ ông qua trông coi dùm. Thế là, mỗi ngày ông lại cắp nón ra khỏi nhà giống như đi làm công sở. 

Tuy con gái dặn ông không phải làm gì, nhưng ông lại bận đủ thứ việc: gọi điện thoại cửa hàng mang vật tư đến, ghi chép vào sổ, mua nước đá cho thợ uống, dọn dẹp mấy cây sắt hay đồ nghề thợ làm bỏ vương vãi, nhắc thợ chú ý an toàn lao động… Bốn giờ chiều ông lại vội vàng bỏ hết việc đi đón cháu ngoại đang học mẫu giáo. 

Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz

 

Khi con gái thứ hai cất nhà thì ông đã có “thâm niên” trong việc phụ giúp con và trông cháu. Tính ra ông về hưu đã hai năm rồi mà vẫn chưa hưu. Sáng ông lại khoác áo, đội mũ, dắt xe máy ra khỏi nhà. Ông sang nhà con gái lớn, rồi qua nhà con gái nhỏ, đưa cháu này đi nhổ răng, đưa cháu khác đi cắt tóc, tập đàn, học võ… Ông nói ông bận bịu còn hơn đi làm.

Nhiều ông cho rằng, thời buổi chuyển động nhanh đến chóng mặt chả có ai được nghỉ hưu nếu còn sức khỏe, nhất là để lo cho cháu. Nếu các bà bận bịu chuyện bếp núc, phục vụ cái dạ dày cho cháu thì các ông phải lo việc… đối ngoại. Còn ai tin tưởng hơn ông ngoại trong việc đưa đón cháu, một việc rất quan trọng và mất nhiều thời gian của bất cứ gia đình nào thời hiện đại khi con cái quay cuồng với cơm áo gạo tiền? Có ông đảm nhiệm việc đưa cháu đi học thêm, ra nhà sách, đi công viên, học bơi… những môn học thuộc về kỹ năng sống. Thậm chí ông ngoại còn chi tiền đóng học phí cho cháu luôn. “Ba má nó trả thì tốt, không trả cũng được”, một ông ngoại nói. 

Quả thật là diễm phúc cho gia đình nào còn có ông ngoại khỏe mạnh. Và ông ngoại nào cũng mong muốn mình có sức khỏe để giúp đỡ con cái, phục vụ hết mình cho cháu ngoại thương yêu. Một ông ngoại cho rằng: “Cha mẹ chúng bận bịu tối ngày, mình còn khỏe, nghỉ hưu là thời gian tốt nhất để chăm lo các cháu, tôi rất thích công  việc này”. 

Kim Duy

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Bùi Nguyễn Hạnh Hạnh 29-05-2022 17:24:53

    Con gái mất bố. Cháu mất ông. Là nỗi đau lớn nhất mà cháu gái chưa hình dung ra được sự mất mát, sự chia ly. Con gái thì mất bố. Con cứ nghĩ con sẽ ổn nhưng thực tế con ko ổn, con nhớ bố rất nhiều. Thèm nghe giọng nói bố, mà cứ đi tìm trong mơ. Ông ngoại còn nhà còn. Ông ngoại đi mang theo nhà đi rồi. Nhớ bố.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI