Ông Năm Kẹo và tấm lòng người Sài Gòn

17/03/2013 - 17:47

PNO - PN - Ông Năm Kẹo (theo lời giới thiệu của bà Phan Thị Châu, vợ của ông) ngồi dưới gốc cây vú sữa nhìn vô quán cơm tương trợ Nụ Cười 2, mặt muốn nổi quạu. Dáng vẻ của ông thật lạ…

Đúng là lạ thật, vì mới nửa tiếng trước, ông vừa tay bắt mặt mừng với các vị lãnh đạo Eximbank - những nhà hảo tâm cho mượn khuôn viên 46/22 Nguyễn Ngọc Nhựt, P.Tân Hương, Q.Tân Phú, TP.HCM làm cơ sở 2 của quán. Lát sau, ông lăng xăng phụ lau bàn, bưng thức ăn, rồi tự thưởng cho mình… một trái chuối.

Lân la tìm hiểu mới biết ông Năm Kẹo quạu vì có vài người không thật sự nghèo, đã đến quán ăn và bỏ thức ăn thừa mứa; ông quạu có người vô ý tứ, đưa con cháu đến quán ăn, các bé ăn uể oải, chiếm chỗ, làm những người khác phải xếp hàng chờ lâu…

Ông Năm Kẹo chính là ông Nguyễn Minh Lộc hay còn gọi là Nam Đồng - nguyên Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM. Quán cơm từ thiện là ấp ủ của ông và nhiều bạn hữu. Ông kể: “Đó chỉ là những bữa cơm đạm bạc, nhưng đã ăn rồi, bạn sẽ không quên”. Ông tự hứa với lòng, khi có thể, ông sẽ mở quán cơm xã hội để trả nợ ân tình cho người Sài Gòn dù: “Nợ ân tình làm sao trả hết”. Ông chia sẻ suy nghĩ đó với những người bạn thân: Lê Văn Chính, Trần Trọng Thức, Trần Minh Đức, Phan Văn Cheo, Lê Hoàng… Cùng chí hướng, bạn bè “hè” nhau mở quán cơm, giao cho ông làm chủ nhiệm, vì ông là… Năm Kẹo. Biệt danh này ông được đồng nghiệp đặt cho từ thời còn làm công tác bạn đọc ở Báo Tuổi Trẻ. Ông kẹo của công, chi li từng đồng. Ông nói, đó là những đồng tiền thơm thảo của biết bao người góp nhặt, khi dùng phải đúng chỗ, đúng nơi, chi dè xẻn để giúp được nhiều người.

Ong Nam Keo va tam long nguoi Sai Gon

Ong Nam Keo va tam long nguoi Sai Gon

Ong Nam Keo va tam long nguoi Sai Gon

Ong Nam Keo va tam long nguoi Sai Gon

Quán cơm tương trợ Nụ Cười 2 vừa vận hành đã đầy ắp khách

Dù bạn bè cùng góp rủng rỉnh vài trăm triệu (trong đó, một nửa là do ông bỏ ra) vậy mà ông cũng phải vất vả xin giấy phép, tìm địa điểm, hơn cả năm ròng mới mở được quán.

Quán cơm tương trợ Nụ Cười 1 (số 6 Hồ Xuân Hương, Q.3, TP.HCM) ra đời ngày 8/10/2012. Cùng với những người tình nguyện, nhiều người trong gia đình ông cũng xúm vô, em vợ ông làm bếp trưởng, vợ ông chạy bàn, rửa chén, dọn dẹp… Bà Châu “bật mí”: “Tấm lòng người Sài Gòn thơm thảo. Anh Năm dự kiến vài trăm triệu đồng ban đầu nuôi quán chừng vài tháng, nhưng hơn nửa năm qua, quán tự nuôi mình. Bây giờ thiện nguyện viên ở cơ sở số 1 khá đông, phải chia ca mới có việc làm”. Mỗi suất cơm với đầy đủ món kho, xào, canh và tráng miệng, giá chỉ 2.000đ, vậy mà quán cơm tương trợ Nụ Cười 1… có lãi! Lãi ròng từ công sức các thiện nguyện viên, là những khách ăn của quán, là những người đến góp công sức. Quán “lãi” từ những bao gạo, túi bột ngọt, chai nước rửa chén… của biết bao người.

Quán tự “nuôi” được mình, ông Năm Kẹo đề xuất trích ra gây quỹ giúp bệnh nhân nghèo. Ông nghĩ, vẫn còn nhiều người nghèo chưa có được bữa cơm ngon lành và sạch sẽ nên lại tiếp tục ước ao… Rồi ông xui vợ đứng ra làm “chủ xị” quán cơm thứ hai. Đã có giai đoạn làm Trưởng ban Công tác bạn đọc rồi Trưởng ban Hôn nhân - gia đình của Báo Phụ Nữ, từng “lăn xả” khắp nơi vận động tiền từ thiện cho người nghèo, bà Châu không ngần ngại ủng hộ chồng. Nửa tháng qua, được ông Năm giao “vốn” 200 triệu đồng, ngày ngày, bà chạy đi - về gần 40km để lo đủ thứ việc. Ngày 15/3/2013, quán chính thức khai trương thì cả mười ngày trước đó, bà Châu vô cùng tất bật. Ngày 6/3, quán “chạy thử quy trình”. Từ đó đến nay, ngày nào quán cũng phục vụ khoảng 240-300 người nghèo. Bà Châu đứ đừ, nhưng môi luôn mỉm cười.

Giận chút rồi cũng qua, chính ông Năm trấn an mọi người: “Vài hôm, người ta sẽ ý thức lại, sẽ trật tự hơn khi xếp hàng, sẽ ráng ăn hết phần vì biết là cơm tình, cơm nghĩa…”.

Rời quán cơm tương trợ Nụ Cười 2, tôi nhớ mãi hình ảnh bà Nguyễn Thị Nhâm, 62 tuổi, quê ở Quảng Ngãi, làm nghề bán chổi dạo, chân rời quán cơm, hai tay ôm bó chổi mà đầu cứ ngoảnh lại nhìn tấm biển “phục vụ vào các buổi trưa thứ Hai, Tư, Sáu từ 11g15 đến 12g45”.

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI