Ông Lý Khắc Cường nặng trĩu cam kết khi rời Ấn Độ

21/05/2013 - 22:17

PNO - PNO - Trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 21/5 cam kết mở cửa thị trường nội địa cho các doanh nghiệp Ấn Độ và thu hẹp thâm hụt thương mại giữa hai nước.

“Liên quan đến những lo ngại của Ấn Độ về thâm hụt thương mại, phía Trung Quốc sẵn sàng tạo điều kiện để ngày càng nhiều sản phẩm của Ấn Độ có thể tiếp cận thị trường Trung Quốc. Tôi tin chúng ta có đủ khả năng giảm bớt sự mất cân bằng về thương mại giữa hai nước”, ông Lý nói với lãnh đạo các doanh nghiệp Ấn Độ tại thủ đô New Delhi.

Ngoài ra, ngày 20/5, hai thủ tướng đã cam kết giải quyết vấn đề tranh chấp khu vực biên giới vốn kéo dài nhiều thập niên, và thống nhất rằng quan hệ tốt giữa Bắc Kinh và New Delhi là chìa khóa cho hòa bình thế giới và quan trọng đối với khu vực.

Ong Ly Khac Cuong nang triu cam ket khi roi An Do

Hai nước đã xích lại gần nhau (ảnh: The Hindu Business Line)

Chuyến thăm “tạo dựng lòng tin” của ông Lý diễn ra sau cuộc đối đầu căng thẳng hồi tháng trước liên quan đến tranh chấp biên giới giữa hai nước tại vùng núi Himalaya. Ấn Độ cáo buộc lính Trung Quốc vượt biên giới và xâm nhập khu vực Ladakh do Ấn Độ kiểm soát. Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc này, khẳng định quân đội của họ “chưa bao giờ xâm phạm biên giới hai nước”. Sau 3 tuần căng thẳng, hai phía đã đạt thỏa thuận cùng rút quân ở khu vực Ladakh vào ngày 5/5.

Trung Quốc và Ấn Độ từng tổ chức 15 vòng đàm phán cấp cao nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới, nhưng cho đến nay vẫn chưa thể đi đến một giải pháp triệt để, mặc dù hai bên đã ký kết những thỏa thuận nhằm duy trì hòa bình trong khu vực.

Thủ tướng Singh cho biết hai nước hiện mong muốn giải quyết vấn đề, và rằng một ủy ban chung bao gồm đại diện Trung Quốc và Ấn Độ sẽ được thành lập để tiếp tục các cuộc thảo luận để sớm đạt một thỏa thuận giải quyết tranh chấp “một cách công bằng, hợp lý và chấp nhận được với cả hai bên”. Về phần mình, Thủ tướng Lý nói rằng tranh chấp biên giới đã trở thành vấn đề lịch sử và hai nước “đã xác lập các nguyên tắc để giải quyết”. Ông cho rằng đôi bên “cần cải thiện những cơ chế sẵn có và làm cho chúng trở nên hiệu quả hơn nhằm xử lý những khác biệt”.

Hai nước cũng đã thỏa thuận giải quyết cuộc tranh cãi liên quan đến kế hoạch của Trung Quốc xây dựng 3 đập thủy điện trên sông Brahmaputra chảy ngang biên giới của cả hai. Trung Quốc gọi con sông này là Yarlung Tsangpo. Nhà lãnh đạo Ấn Độ đã bày tỏ những lo ngại của New Delhi về hoạt động của Trung Quốc “trên thượng nguồn của những con sông mà hai bên cùng chia sẻ”.

Bất chấp những vấn đề còn tồn tại, Trung Quốc và Ấn Độ trong những năm gần đây đã thắt chặt quan hệ hợp tác kinh tế. Kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2012 đã đạt 66,5 tỉ USD và hai nước nhắm đến con số 100 tỉ vào năm 2015.

Trong thời gian lưu lại New Delhi, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký một loạt thỏa thuận về nông nghiệp, thương mại, du lịch... Sau khi gặp một số quan chức cấp cao của chính phủ Ấn Độ, đảng Quốc đại cầm quyền và đảng đối lập chính BJP ở New Delhi, ông Lý thăm thành phố Mumbai trước khi rời Ấn Độ để đến Pakistan, Thụy Sĩ và Đức.

Nhận định về chuyến thăm của ông Lý, chuyên gia Andrew Small thuộc Quỹ German Marshall (Mỹ), cho biết: “Trung Quốc quan tâm đến sự ổn định trong khu vực nhiều hơn so với cách đây vài năm, chủ yếu là hậu quả của việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, các vấn đề an ninh nội địa của Pakistan, và nguy cơ xung đột lan rộng ở Nam Á”. Trong khi đó, chuyên gia Kanti Bajpai thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận thấy: “Người Trung Quốc có mối quan tâm là cố gắng đảm bảo Ấn Độ không rời xa hoàn toàn khỏi Trung Quốc, rằng họ không lọt vào túi áo của Mỹ, và Ấn Độ không trở thành nước gây phiền toái bên cạnh Trung Quốc”.

HUY KHANG (Theo AP, AFP)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI