Ông Lê Nguyễn Minh Quang lý giải việc giảm độ dày tường vây xây dựng metro

26/12/2018 - 15:48

PNO - Ông Lê Nguyễn Minh Quang khẳng định việc thay đổi thiết kế tường vây từ độ dày 2m xuống còn 1,5m vẫn đảm bảo an toàn và giảm chi phí lẫn thời gian thi công.

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước có kết luận đối với quá trình triển khai dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Trong đó cho rằng việc giảm độ dày tường vây gói thầu CP1a (hầm ngầm từ ga Nhà hát Thành Phố đến ga Bến Thành) từ 2m xuống còn 1,5m là sai phạm.

Ong Le Nguyen Minh Quang ly giai viec giam do day tuong vay xay dung metro
Gói thầu CP1a thi công tại Bến Thành

Ông Lê Nguyễn Minh Quang - Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho rằng, tường vây của toàn bộ tuyến metro số 1 có chiều dày tối đa là 1,5 m, ngay cả tại khu vực gần Nhà hát thành phố, khách sạn Rex và sát với các tòa nhà thương mại xung quanh.

Tuy nhiên, đoạn từ đường Pasteur đến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa dài 170m, tường vây lại được thiết kế dày đến 2m sẽ lãng phí khoảng 1 triệu USD. Ông Quang đã cùng đội ngũ kỹ sư của Ban tính toán lại và xin gặp lãnh đạo TP để nêu vấn đề và đề xuất độ dày đoạn này chỉ nên 1,5m như toàn tuyến.

Ông cũng khẳng định, Ban đã đề nghị công ty Sao Việt (của một nhóm các phó giáo sư, tiến sĩ trường Đại học Xây dựng) tư vấn, thẩm tra và kết quả đạt yêu cầu. Sau đó, UBND thành phố giao Sở Giao thông Vận tải mời Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông Vận tải TEDI thuộc Bộ GTVT thẩm tra độc lập và kết quả cũng đạt yêu cầu.

Trưởng ban Lê Nguyễn Quang Minh cho rằng, việc điều chỉnh này tiết kiệm 93 tỷ đồng (4 triệu USD) và rút ngắn thời gian thi công so với thiết kế ban đầu được 5 tháng và điều này đã được Kiểm toán Nhà nước khẳng định trong báo cáo ngày 20/12.

Ong Le Nguyen Minh Quang ly giai viec giam do day tuong vay xay dung metro
Đoạn tường vây (góc trái) thuộc gói thầu CP1a bị giảm độ dày từ 2m xuống còn 1,5m

Giải thích về việc đây là sai phạm về quy trình thủ tục khi chưa được phê duyệt từ các cấp thẩm quyền, ông Quang cho rằng từ ngày 8/12/2015, UBND TP.HCM đã ủy quyền cho Ban chịu trách nhiệm chủ trì, tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật các hạng mục công trình, sau khi hoàn thành báo cáo thẩm định sẽ trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt kết quả thẩm định, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Do vậy, Ban chủ trì thẩm định việc điều chỉnh thiết kế hạng mục tường vây mà không biết từ ngày 1/6/2017, nội dung ủy quyền theo văn bản ngày 8/12/2015 của UBND thành phố không còn phù hợp với Nghị định số 42/2017 của Chính phủ, và công việc thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình tuyến metro số 1 thuộc thẩm quyền Sở GTVT.

Ông Quang khẳng định lại việc điều chỉnh là để tiết kiệm cho thành phố, hoàn toàn không vì mục đích nào khác.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM Võ Kim Cương cho rằng chưa thể đánh giá được việc thay đổi thiết kế tường vây của gói thầu CP1a thuộc dự án metro số 1 là đúng hay không vì liên quan nhiều đến yếu tố kỹ thuật. Nhưng về nguyên tắc khi thay đổi thiết kế cơ sở ban đầu phải có cơ quan giám định cho phép. Và việc thay đổi đó phải được cơ quan thẩm quyền chấp nhận chứ không thể tự ý làm.

“Có thể việc thay đổi thiết kế không sai, bởi thiết kế ban đầu nếu phát hiện chưa hợp lý thì họ có thể thay đổi khi chưa thi công. Khi thay đổi thiết kế thì phải thay đổi dự toán và tất cả những cái đó phải làm theo thủ tục tuần tự của pháp lý.

Thay đổi thiết kế xong thì phải có một cơ quan thẩm định thiết kế, đảm bảo đúng an toàn về chất lượng công trình, đảm bảo công năng sử dụng sau này”, ông Cương lý giải.

Bên cạnh đó, theo ông Cương, Quốc hội là cơ quan quyết định dự án đầu tư tuyến metro số 1 chứ không là UBND TP.HCM. Nếu có sự thay đổi trong thiết kế thì phía chủ đầu tư phải báo cáo lên Quốc hội.

Nếu Quốc hội có văn bản chấp thuận giao cho Thủ tướng và Thủ tướng sẽ có văn bản ủy quyền cho UBND TP.HCM điều chỉnh thì mới được, còn không mọi thay đổi của dự án đó đều không đúng thẩm quyền.

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, việc giảm độ dày tường vây từ 2m xuống còn 1,5m chưa thể đánh giá là đúng hay sai mà phải còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, quy trình thủ tục.

“Để đánh giá được đúng hay sai khi thay đổi thiết kế tường vây từ 2m xuống 1,5m thì cần phải xem lại địa chất khu vực, xem lại hồ sơ hiện trạng thử đất, giải pháp thiết kế có phù hợp hay không.

Chỗ địa chất yếu thì tường vây phải dày 2m và thậm chí hơn 2m. Chỗ đất cứng thì mỏng hơn. Do đó, tường vây dày hay mỏng phụ thuộc rất lớn yếu tố địa hình, địa chất nên chuyện giảm khả thi hay không phải dựa vào đánh giá khoa học”, ông Sơn nói.

Trường Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI