Nhiều năm nay, mặc dù cây cầu Cần Thơ đã nối đôi bờ sông Hậu, nhưng ngay dưới chân cây cầu hiện đại ấy bến đó cũ vẫn ngày đêm hoạt động vì nhiều người vân thích đi đò hơn đi cầu. Và cũng ở chính bến đò tưởng chừng đã đi vào dĩ vãng ấy, nhiều năm nay người ta vẫn thấy một ông lão mù với cây đàn tự chế dong duổi theo những chuyến phà kiếm sống qua ngày.
Ông lão mù ấy chính là ông Trương Thanh Liêm (SN 1951, hiện trú tại phường Thành Phước, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long). Bến phà bên phía Vĩnh Long vào đầu giờ chiều một ngày đầu tháng 6, trời nắng oi ả, khi một chuyến phà đang chuẩn bị rời bến cũng là lúc ông Liêm xuất hiện.
Ông Liêm tự mình dò dẫm với chiếc gậy mà ông gọi là "thằng bạn thân", lần hồi từng bước để lên được phà. Khách đi phà đã ổn định vị trí từ lâu, chỉ còn chờ mỗi ông là phà rời bến để sang phía bờ Cần Thơ, nhưng người lái phà vẫn kiên nhẫn chờ đợi, những người đi phà cũng chẳng ai la ó vì sự lâu la của ông vì ai cũng biết ông bị mù.
|
Ông Liêm với cây đàn tự chế mưu sinh theo những chuyến phà ngược xuôi |
Dáng người ông Liêm nhỏ thó, gầy gò, mái tóc đã nhiều sợi bạc. Hành trang ông mang theo bên mình là một cây đàn tự chế và một cái túi nhỏ bỏ vài vật dụng cần thiết cho một ngày mưu sinh.
Cây đàn của ông được thiết kế theo kiểu đàn guitar nhưng có lẽ những thợ làm đàn cao tay cũng chẳng thể nào nghĩ ra được “mẫu thiết kế” đặc biệt này.Thân đàn được ông làm bằng một tấm gỗ mỏng, dài khoảng 70cm, cưa cắt qua loa, không bào gọt gì. hai đầu tấm ván ông đóng những cây đinh nhỏ. Cây đàn có 2 dây và được làm bằng những sợi dây phanh xe đạp. “Hộp đàn”-phần quan trọng tạo nên âm thanh là một chiếc chậu nhôm nhỏ được kẹp giữa những sợi dây phanh và tấm ván gỗ.
Phà bắt đầu rời bến thì cũng là lúc những tiếng đàn lay động lòng người của ông Liêm vang lên, nó khiến tất cả những hành khách trên phà đều hướng ánh mắt về phía ông. Hầu như bài nhạc nào, thuộc thể loại nào ông cũng chơi được, từ vọng cổ tới nhạc vàng nhạc đỏ. Nhưng ông thường đánh nhưng bài trầm buồn, da diết, não nề đúng như cuộc đời của ông vậy.
Ông Liêm cùng cây đàn tự chế mưu sinh trên nhưng chuyến phà nối đôi bờ sông Hậu
Ông Liêm vừa đánh đàn vừa di chuyển từ đầu chiếc phà tới cuối phà, nếu ai thấy ông đánh đàn hay, thì rút ví bỏ cho ông vài đồng vào chiếc ca nhựa ông buộc vào đầu cây đàn chứ ông không ngỏ lời xin ai.
Nhiều người thấy ông mù lòa, lại chơi đàn hay nên chẳng tiếc rút vài nghìn đồng lẻ, hoặc đôi ba chục bỏ vào chiếc ca nhỏ cho ông như là tiền công của của một nghệ sĩ biểu diễn cho họ nghe chứ không phải là bố thí cho kẻ ăn xin. Nhờ tiếng đàn của ông mà những chuyến phà sang sông dường như có cảm giác nhanh hơn.
Khi ông Liêm đang đánh đàn, có một cô gái đi phà tiến lại gần ghé vào tai ông bảo: "bác đánh cho con bài lý con sáo Bạc Liêu được không?" Ông Liêm vui vẻ đồng ý, ông dừng lại bài nhạc mình đang chơi dở rồi chuyển sang giai điệu lý con sáo. Khi tiếng đàn của ông vang lên, cô gái cũng ngẫu hứng hát theo: “Rồi thì sáo cũng sang sông bỏ trong dĩ vãng tấm lòng mồ côi...À ơi, à à ơi, trời mưa lâm râm...”
Khi cả người đàn và người hát cùng đang phiêu theo bài hát thì phà cập bến. Cô gái vội vã rút 20.000 đồng bỏ vào chiếc ca cho ông Liêm rồi nói: “Khi nào rảnh con sẽ quay lại và bác lại đàn cho con nghe nha”. Nói rồi cô gái vội vã lái xe rời phà. Ông Liêm vẫn tiếp tục ngồi trên phà, những hành khách mới khác lại xuống. Phà đầy ắp khách sang sông để về phía Vĩnh Long và ông Liêm lại tiếp tục đàn.
Ai thích tiếng đàn của ông thì bỏ vào ca nhựa cho ông vài đồng chứ ông không xin
Một nhân viên trên phà cho biết, ông đàn hay nên có nhiều khác ngày nào cũng đi phà qua sông nhưng vẫn thích nghe ông đàn và cho ông tiền. Những người làm việc trên phà cũng cảm thấy công việc của mình bớt nhàm chán hơn khi vừa làm việc vừa được thưởng thức nghệ thuật.
Theo tìm hiểu, ông Liêm quê ở mãi huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Ông là con trưởng trong gia đình có 4 anh chị em. Khi sinh ra ông cũng bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng tới năm 3 tuổi bỗng nhiên ông bị ban đỏ ở quanh hai con mắt. Nhà nghèo chẳng có tiền đi chữa trị nên chỉ vài bữa sau đôi mắt ông bị mù hẳn. Từ đó cuộc sống của ông sau đó chìm trong bóng tối.
Năm ông mới chỉ 10 tuổi thì cha ông qua đời. Mẹ ông quyết định ở vậy, tần tảo làm lụng nuôi các con. Đến tuổi trưởng thành 2 cô em gái của ông Liêm đều đã đi lấy chồng và có cuộc sống riêng, người em trai út của ông thì đi bộ đội và hy sinh ngoài chiến trường, chỉ còn ông và người mẹ già nương tựa vào nhau mà sống.
Cũng vì bị mù nên ông Liêm rất ít bạn bè để chơi, nhưng lúc buồn chán không có việc gì làm ông nghĩ mình cần phải biết chơi một loại nhạc cụ gì đó. Từ lâu ông đã thích tiếng đàn guitar nhưng chẳng bao giờ có đủ tiền để mua một cây đàn.
Vậy là ông quyết định tự chế một cây đàn cho riêng mình. Ông lần sờ hỳ hục đóng cây đàn theo trí tưởng tượng của mình. Sau nhiều lần thấy bại cuối cùng cây đàn bằng một mảnh gỗ, hai sợi dây phanh xe đạp và một chiếc chậu nhôm. Âm thanh của chiếc đàn này cũng tựa như tiếng đàng guitar.
Đã có được cây đàn, nhưng không có ai dậy ông đánh đàn, và với cây đàn tự chế của ông thì cũng chẳng nhạc sĩ nào có thể dậy ông đánh được ngoài việc ông tự nghĩ ra cách đánh. Ông không dùng những ngón tay trái bấm phím đàn như người ta vẫn đánh đàn guitar mà dùng một chiếc cổ chai thủy tinh để “bấm”.
“Tập một thời gian tôi cũng đánh được một bài, rồi dần dần là đánh được vài bài, tới nay thì bài gì tôi cũng đánh được. Ngày tôi còn trẻ, biết tôi có cây đàn đặc biệt nhiều đám cưới đám ma trong ấp, trong xã mời tôi tới đánh cho mọi người nghe. Ngày đó tôi chỉ đi đánh cho đỡ buồn vậy thôi chứ chẳng ai trả công cho tôi và tôi cũng không nghĩ tới việc đi đàn để kiếm tiền, cùng lằm là họ mời tôi một bữa nhậu vậy là vui rồi”. – ông Liêm chia sẻ.
Còn nữa...
Văn Tuấn