Và chỉ vài ngày trước, ông đã thực hiện chuyến trao quần áo trên núi Gia Lào (Đồng Nai). Ông cũng dự định mang quần áo cho dân nghèo ở Trà Vinh - nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
|
Ông Tư bên chiếc xe lúc nào cũng chất đầy quần áo cũ đem cho người nghèo |
“Ông Bụt” của những người nghèo
Kho quần áo cũ được ông Tư dựng tạm trên mảnh đất trống đối diện nhà mình. Chiếc ba gác máy bị hư bình điện nằm im trước cửa kho. Nhờ vậy mà mấy ngày nay, ông Tư được… ở nhà. Nhưng được ở nhà thì ông lại ra vào bứt rứt. “Giờ làm lại cái xe cũng hết mấy triệu đồng. Mà bao nhiêu tui cũng làm, chớ tui đi quen rồi, hổm nay nằm nhà buồn lắm” - giọng ông Tư phát ra nhờ chiếc máy trợ âm ở cổ kết nối với chiếc loa to bằng bàn tay trong túi áo.
Ở tuổi 82, ông Tư gầy gò và đen sạm trong bộ quần áo màu đen. Đầu đội chiếc mũ bê-rê, râu tóc muối tiêu lòa xòa cộng với cái giọng nói lạ lùng khiến ông trông như một dị nhân, dễ gieo cảm giác sợ hãi với người lần đầu gặp mặt. Thế nhưng, hình ảnh ấy lại rất đỗi thân thương với người dân xã Long Thới, đặc biệt là những người lao động nghèo. Họ gọi ông là “ông Bụt”.
Hơn 5 năm nay, trong dạng hình đó, ngày qua ngày ông Tư đã không mệt mỏi mang quần áo đến cho người nghèo. Trên chiếc xe ba gác có gắn bảng “Quần áo tự chọn giá 0 đồng - chọn vừa cứ lấy, không vừa để lại chỗ cũ”, ông Tư thiết kế những thanh sắt vừa để giăng bạt che nắng che mưa, đồng thời vừa có chỗ để treo những bộ quần áo còn mới để mọi người dễ thấy. Trong thùng xe lúc nào cũng đầy quần áo, có cả giày dép đã được giặt giũ, lau chùi sạch sẽ.
Bà Lê Thị Bé, vợ ông Tư, cho biết ngày nào ông cũng rời nhà từ sáng sớm, 7 giờ đã có mặt ở các khu lao động, nhà trọ ở Q.4, rồi vòng qua Q.7, đến trưa thì về nhà ăn cơm, nghỉ một chút rồi lại xuống Long Hậu, Hiệp Phước. Có khi ông đi tận Cần Giờ, hóc hẻm nào cũng vô. Không nói được, ông dùng chiếc máy thu âm để phát loa cho bà con biết, đến lựa quần áo nếu có nhu cầu.
Nói về lý do khiến ông chọn việc đang làm, bà Bé cho biết, một lần ông theo nhà chùa đi làm từ thiện ở Đắk Lắk, thấy nhiều người khổ, những đứa trẻ nghèo thiếu mặc, lạnh lẽo, ông trở về với nỗi trăn trở trong lòng. Rồi ông đi lùng mua đồ si-đa về giặt sạch, xếp gọn và mang đi cho. Thấy nhiều người lao động ở Sài Gòn cũng cần quần áo để mặc đi làm, thế là ông rong ruổi đi “bán dạo quần áo 0 đồng” suốt ngày trên những ngả đường. Thấy việc ông làm có ích, nhiều người đã gom quần áo cũ, giặt sạch mang đến cho ông. Nhờ vậy mà mấy năm nay, ông không cần phải bỏ tiền mua, nhưng quần áo trong kho lúc nào cũng chất cao như núi.
Nhờ làm việc thiện mà sống khỏe, sống vui
“Cũng cực lắm đó. Nhưng từ ngày rong ruổi đi cho đồ, thấy ổng vui, khỏe nên tôi và các con đều ủng hộ” - bà Bé nhìn chồng trìu mến.
Bà cho biết, hồi còn trẻ, ông Tư làm tài xế xe tải, container, và cứ có tiền là ông đi từ thiện. Năm 63 tuổi, phát hiện một khối u ác tính chèn dây thanh quản và khí quản ông mới nghỉ việc. Bác sĩ tiên lượng ông chỉ có khả năng sống thêm một năm nữa. Hai năm sau đó, gia đình quyết định bán căn nhà ở Q.4 để chuyển về ấp 3, xã Long Thới cho có không gian thoáng đãng. Kể từ đó, ông đã trải qua thêm bảy lần phẫu thuật khối u di căn và sống cho đến nay.
Tôi hỏi ông Tư lấy tiền đâu để sống khi ngày này qua ngày khác chỉ đi làm từ thiện. Ông chỉ vào những chậu cây kiểng nằm dọc bên mảnh đất trống trước nhà, cám cảnh: “Tui định trồng cây kiểng bán lấy tiền đắp vô cái này (xe quần áo). Nhưng làm cái việc này không rảnh một giờ nào hết, nên kiểng chết từ từ, có cây hơn cả chục triệu đồng cũng chết”. Bà Bé tiếp lời chồng: “Cô bán hủ tíu chay sống qua ngày. Sáu đứa con đã lớn, có việc làm, mỗi tháng cho ổng đôi ba triệu đồng bọc túi uống nước dọc đường. Chỉ mong ổng khỏe chớ mong chi chuyện kiếm tiền”.
Trên xe ba gác, ông Tư còn trang bị các loại bông băng, thuốc sát trùng “để khi gặp tai nạn có cái mà sơ cứu, băng bó cho người ta”, theo lời ông.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thành - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 3, xã Long Thới - cho biết, Hội Phụ nữ ấp cũng có những tủ quần áo 0 đồng, và nơi nào có tủ quần áo 0 đồng, ông Tư cũng chở quần áo đến bỏ vào đó cho đầy. Thỉnh thoảng đi ngang thấy tủ đồ vơi đi, ông lại chở thêm đến. “Thấy ông cực quá nên thỉnh thoảng tôi qua phụ ông soạn ra. Chúng tôi làm “Tủ quần áo 0 đồng”, mỗi tuần một ngày cũng đã thấy rất mệt, không biết ông Tư lấy đâu ra sức khỏe để làm bền bỉ chừng ấy năm” - chị Thành nói.
Thu Lê