‘Ống kính sát nhân’: Vị lạ giữa rừng phim Việt

21/06/2018 - 19:10

PNO - Khai thác dòng phim tâm lý tội phạm, 'Ống kính sát nhân' mang đến góc nhìn mới hơn cho khán giả Việt về nạn bắt cóc trẻ em. Cuộc đối đầu căng thẳng giữa thiện và ác nhưng kết cục, lỗi ở tình thương.

Ngay từ thời điểm giới thiệu phim, Ống kính sát nhân khẳng định sự đi ngược của mình trong dòng chảy phim thanh xuân, phim remake… sẽ tạo được sức thu hút với khán giả. Không phải bỗng dưng đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Hoàng tin vào điều đó, bởi bấy lâu, phim Việt không tạo được sức hấp dẫn ở dòng phim tâm lý tội phạm.

Mở đầu phim là cuộc chơi trốn tìm của những đứa trẻ ở thị trấn. Bầu trời xám xịt, con đường vắng hoe. Duy chỉ có viên kẹo của tên sát nhân là màu sáng rực. Tình tiết phim được đẩy lên khi thanh tra K (do Hứa Vĩ Văn thủ vai) xuất hiện trong cuộc đuổi bắt một tên chuyên bắt cóc, sát hại phụ nữ. Thanh tra này mắc lỗi nghiệp vụ trong lúc phá án và bị đình chỉ công tác.

‘Ong kinh sat nhan’: Vi la giua rung phim Viet
Hứa Vĩ Văn trong vai thanh tra K

Anh càng trở nên bất lực hơn khi liên tục chứng kiến đồng nghiệp mắc sai lầm, vội vàng kết án cho người vô tội, nhưng không thể phản biện. Trong phim, Hứa Vĩ Văn vào vai thanh tra K hoàn hảo ở mặt tạo hình. Trước khi ra mắt phim, nam diễn viên cho biết anh phải tập uống rượu, hút thuốc, tập để râu, thức khuya để hoá thân vào vai thanh tra K - một người tận tâm với nghề nhưng mắc chứng rối loạn giấc ngủ.

Trong phim, ngoài Hứa Vĩ Văn, Khương Ngọc cũng thành công trong vai kẻ sát nhân với khuôn mặt bộc lộ vẻ "bệnh hoạn". Mỗi lần ánh đèn cóc của máy ảnh chớp sáng, một sự vui thích tột độ, biến thái lộ ra nơi gương mặt lạnh và ác của kẻ sát nhân này. Tuy nhiên, nếu xâu chuỗi câu chuyện, vai của Khương Ngọc là người cha cô độc, thương đứa con chết yểu nên đâm ra luẩn quẩn trong suy nghĩ muốn những đứa trẻ khác cũng bất hạnh như con gái bé bỏng của mình.

Thiện và ác, thanh sạch và bần hèn, Ống kính sát nhân đều khai thác đủ, nhưng nếu theo dõi kỹ, đâu đó vẫn còn lạc nhịp và chưa đủ đô ở thể loại tâm lý, tội phạm. Thanh tra K là người tận tâm với nghề nhưng về mặt nghiệp vụ, khi dồn nhân vật vào đường cùng, anh buông những lời nói nghiêm túc nhưng lại gây cười. Nếu là người có tầm, đủ tỉnh táo, phải chăng khi đến nhà nhiếp ảnh gia - tên sát nhân, thanh tra K đủ nhạy để nhận ra những bất thường kia là chìa khóa phá án.

‘Ong kinh sat nhan’: Vi la giua rung phim Viet
Khương Ngọc trong vai kẻ sát nhân

Trong phim, sự xuất hiện của những nhân vật/chi tiết bí ẩn khác như ông già (Thương Tín) tại tiệm rượu, rành rọt mọi chuyện xảy ra ở thị trấn cũng là một dấu hỏi. Vết cắn trên tay tên nghi phạm Tốn (Kinh Quốc) cũng chưa rõ vì đâu. Cái chết của nạn nhân nữ ngay đầu phim do thanh tra K bắn có ý nghĩa gì… Tất cả những nghi vấn không được hoá giải, dù được sắp xếp hợp lý trong mạch phim.

Ống kính sát nhân thuộc dòng phim tâm lý, tội phạm có pha kinh dị và sự pha trộn này góp phần kích thích cảm xúc người xem. Tuy nhiên, một vài chi tiết then cài chỉ làm nhiệm vụ “hù” khán giả vì chúng không làm liền lạc mạch phim như hình ảnh những cơn ác mộng mà thanh tra K gặp phải. Có thể, những hình ảnh ghê rợn đó đến từ cái chết của người phụ nữ do anh bắn, nhưng anh quên đi nhanh chóng và không một lần nào, viên đạn trong cơn rối loạn giấc ngủ bắt anh đền tội.

‘Ong kinh sat nhan’: Vi la giua rung phim Viet
Phim có sự tham gia của nhiều diễn viên nhí nhưng các bé không được xem vì Ống kính sát nhân dán mác C18

Ống kính sát nhân xuất hiện ít hình ảnh phụ nữ. Diễn viên Diễm My và Lan Phương không phủ sóng từ đầu đến cuối nhưng sự có mặt của họ là quan trọng. Diễm My vai Cẩm Phô - bạn gái của Tốn - đau đớn khi biết người yêu mình qua lại với một người phụ nữ khác. Trong khi cả hai sắp cưới và chính cô đang đau khổ vô cùng khi người yêu bị oan, nhưng đã nén nỗi đau bị phản bội để cùng thanh tra K đi tìm sự thật vì Tốn. Chính tình tiết Tốn và nhân vật do Lan Phương thủ vai qua đêm cùng nhau lại trở thành chứng cứ ngoại phạm cho kẻ bội bạc.

Bộ phim tâm lý tội phạm, cái thiện và ác đấu tranh nhưng kết cục, tình thương là thứ bao trùm cho tất thảy những lỗi lầm. Kẻ sát nhân vì thương con, mộng mị trong những mất mát và cuộc sống cô độc nên đâm ra muốn con được hạnh phúc. Cô gái bị phản bội cũng vì chữ thương mà đè nén cảm xúc, đi tìm công lý cho người tình. Thanh tra K thương hoài những lời kể của cha khi sinh thời, rằng ông đã từng bắt được kẻ sát nhân nhưng không thể tìm ra người mất tích…

‘Ong kinh sat nhan’: Vi la giua rung phim Viet
Diễm My vào vai người yêu của một thợ chụp ảnh

Màu phim Ống kính sát nhân u ám từ đầu và tươi sáng dần khi kẻ sát nhân phải đền tội. Tuy khai thác ánh sáng, bóng tối tốt, ở nhiều khung hình, sự u ám bao phủ liên tục khiến hình ảnh như đang cố để tải đi thông điệp đề tài, thể loại. Điều này không cần thiết với dòng phim tâm lý, tội phạm.

Ở những bước đi đầu khi khai thác dòng phim mới tại Việt Nam, Ống kính sát nhân vẫn còn chệnh choạng. Với những khán giả, phim không thiếu những hạt sạn và sự bất hợp lý dễ nhận thấy. Tuy vậy, đây là thời điểm thích hợp để đổi vị cho khán giả khi những bộ phim thanh xuân vẫn đang có kế hoạch tấn công phòng vé, phim remake chuẩn bị quay trở lại thị trường. 

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI