Ông Joe Biden và hành trình gần 50 năm đến Nhà Trắng

21/01/2021 - 06:03

PNO - Nước Mỹ thời kỳ hậu Trump là một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc với làn sóng dân túy lên ngôi. Tổng thống Joe Biden liệu có thể tìm lại "linh hồn nước Mỹ" như ông đã hứa trong chiến dịch vận động hay không?

Tổng thống đắc cử lớn tuổi nhất trong lịch sử

Đầu năm 2020, giới chuyên môn dự đoán ông Donald Trump sẽ tái đắc cử tổng thống với số phiếu vượt trội. Thế nhưng, COVID-19 đã thay đổi tất cả. Chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, những thành tựu do ông gầy dựng trong 3 năm đầu đã bị che lấp hoàn toàn bởi suy thoái kinh tế, phong trào Black Lives Matter và cái chết của hàng trăm ngàn bệnh nhân.

Chặng đường đến Nhà trắng 2020 là một trong những cuộc bầu cử đáng nhớ nhất trong lịch sử nước Mỹ
Chặng đường đến Nhà trắng 2020 là một trong những cuộc bầu cử đáng nhớ nhất trong lịch sử nước Mỹ

Phản ứng chậm chạp của chính quyền và quan điểm xem nhẹ đại dịch của Trump vào giai đoạn đầu đã tổn hại nặng nề đến uy tín của ông. Trong khi đó, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden tuân thủ mọi nguyên tắc phòng dịch, đề cao khoa học và có lối tiếp cận ôn hòa hơn về mọi mặt so với đối thủ. Đặc biệt, ông còn làm nhiều người nhớ về thời kỳ cầm quyền của cựu Tổng thống Barack Obama – một nhân vật vẫn còn sức ảnh hưởng rất lớn đến nội bộ đảng Dân chủ.

Giữa bối cảnh hỗn loạn, cử tri dường như đã ngán ngẩm với tính khí thất thường của Trump và nghiêng về phía một chính trị gia truyền thống, điềm đạm hơn như Biden. Họ muốn một người có tính cách ổn định làm ông chủ Nhà trắng, thay vì những phát ngôn gây sốc thường xuyên. Và xu hướng này xuất hiện ở cả những cá nhân từng ủng hộ Trump nhiệt tình nhất.

Kết quả, Biden đã chiến thắng với 306 phiếu đại cử tri – cao hơn nhiều so với Trump (232 phiếu). Ông là ứng viên nhận được nhiều phiếu phổ thông nhất trong lịch sử (81 triệu) và ở tuổi 77, ông cũng là tổng thống lớn tuổi nhất khi nhậm chức.

Chưa hết, đảng Dân chủ sau nhiều năm đã giành lại thế đa số tại Thượng viện và Hạ viện, chiếm quyền kiểm soát hai nhánh hành pháp lẫn lập pháp. Điều này giúp nhiệm kỳ sắp tới của Biden dễ thở hơn khi các đề xuất của ông sẽ được thông qua dễ dàng hơn ở Quốc hội.

Biden trong chiến dịch tranh cử
Ông Joe Biden trong chiến dịch tranh cử

Đối với đa số người dân Mỹ, Biden là một gương mặt quen thuộc. Ông từng đảm nhận vị trí thượng nghị sĩ bang Delaware trong 36 năm (1973-2009) và Phó tổng thống thời Obama (2009-2016). Đó là chưa tính 2 lần tự ứng cử vị trí tổng thống vào năm 1988 và 2008.

Mặc dù vậy, Joe Biden liệu có đủ sức hàn gắn nước Mỹ thời kỳ hậu Trump không?

Thượng nghị sĩ trẻ tuổi

Joe Biden lúc trẻ
Ông Joe Biden lúc trẻ

Joe Biden sinh ngày 20/11/1942 tại bệnh viện Thánh Mary, bang Pennsylvania. Khủng hoảng kinh tế những năm 1950 đã khiến gia đình Biden trở nên chật vật. Chỉ khi chuyển đến sống tại bang Delaware và cha ông phất lên nhờ nghề môi giới xe, cuộc sống của Biden mới ổn định trở lại.

Suốt thời đi học, Biden thường xuyên được bầu làm lớp trưởng và tham gia vào đội bóng bầu dục trường. Năm 1961, ông theo học tại trường đại học Delaware và tốt nghiệp với tấm bằng thạc sĩ ngành Lịch sử và Khoa học chính trị. Đây cũng là nơi đã vun đấp cho niềm đam mê chính trị và tạo tiền đề cho sự nghiệp của ông.

Năm 1966, Biden kết hôn với Neilia Hunter - khi ấy đang là sinh viên đại học Syracuse, nơi ông sau này tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân luật vào năm 1968. Họ có với nhau 3 người con: Joseph R. "Beau" Biden III (sinh năm 1969), Robert Hunter Biden (sinh năm 1970) và Naomi Christina "Amy" Biden (sinh năm 1971).

Sau khi đã yên bề gia thất, Biden chính thức dấn thân vào chính trường.

Ban đầu, Joe Biden ủng hộ đảng Cộng hòa nhưng lại đăng ký tư cách cử tri độc lập do bất mãn với đương kim Tổng thống Richard Nixon. Năm 1969, ông chính thức gia nhập đảng Dân chủ và góp mặt vào hội đồng quận New Castle trong khi vẫn hành nghề luật.

Năm 1972, Biden được sự ủng hộ từ đảng Dân chủ đã đánh bại J. Caleb Boggs – người đã ngồi chiếc ghế thượng nghị sĩ 12 năm - để trở thành đại diện của bang Delaware tại Thượng viện. Chiến thắng này khiến nhiều người bất ngờ do chiến dịch của ông gần như không có kinh phí. Công tác vận động tranh cử được thực hiện hầu hết thủ công.

Trong nhiều tháng, Biden đã đến tận nhà từng người, bắt tay với cử tri và lắng nghe nguyện vọng của họ. Khả năng thuyết phục và lắng nghe của ông được đánh giá cao. Trong mắt cử tri, Biden là một anh chàng điển trai, tràn đầy nhiệt huyết và mang đến làn gió mới sau nhiều năm đảng Cộng hòa nắm quyền tại Delaware.

Mùa Giáng sinh đen tối

Trở thành thượng nghị sĩ Mỹ ở tuổi 29 cùng vợ đẹp và 3 con thơ, Biden có thể khiến bất kỳ người đàn ông nào cũng phải ganh tỵ. Thế nhưng, thời gian hạnh phúc ấy không duy trì được bao lâu.

Gia đình hạnh phúc của Joe và Neilia Biden
Gia đình hạnh phúc của Joe và Neilia Biden

Ngày định mệnh 18/12/1972 - vài tuần sau kỳ bầu cử, Neilia cùng 3 con trong lúc mua sắm cho dịp Giáng sinh đã gặp tai nạn thảm khốc. Bà và con gái Naomi chết ngay tại chỗ. Hai con trai bị thương nặng ở chân và đầu phải cấp cứu tại bệnh viện.

Bất hạnh dạng này có thể hủy hoại hoàn toàn một con người.

Biden khi ấy đang ở trên mây thì bất ngờ nếm trái đắng nhất mà cuộc sống mang đến. "Tôi đã hiểu tại sao tuyệt vọng khiến người ta muốn buông xuôi, tại sao tự sát lại là lựa chọn duy nhất... Tôi trách Chúa đã chơi một trò đùa quái ác, tôi tức giận đến cùng cực", ông nói.

Ba con đầu của Joe Biden
Ba con với người vợ đầu của Joe Biden

Sau khi nhận tin, Biden lập tức bỏ mặc hết mọi việc để túc trực bên hai con. Nỗi đau quá lớn khiến ông chẳng màng đến chiếc ghế thượng nghị sĩ và nảy sinh ý định từ chức. Tuy nhiên, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện khi đó là Mike Lansfield đã thuyết phục ông tiếp tục công việc. Có lẽ, đối với một người đàn ông trong cơn bĩ cực, công việc là thứ hiệu quả nhất giúp họ tạm quên đi sự mất mát đang giày vò từng ngày.

Biden đồng ý nhưng kèm theo 2 điều kiện: ông sẽ làm lễ nhậm chức bên giường bệnh và không định cư ở Washington như dự định mà đi về Delaware mỗi ngày để có thêm thời gian bên cạnh người thân.

Buổi sáng, Biden đi tàu 90 phút từ Delaware đến đồi Capitol và thực hiện một chuyến tương tự vào buổi chiều. Thói quen này được ông duy trì đến tận năm 2008, tức xuyên suốt quãng thời gian làm thượng nghị sĩ của ông. Chuyến tàu Biden hay đi có tên Amtrak nên ông đã được nhiều thế hệ nhân viên đoàn tàu gọi thân thương bằng biệt danh “Joe Amtrak”.

Nỗi đau mất vợ và con về sau đã định hình phong cách chính trị của Biden.

Jill - Người phụ nữ sưởi ấm trái tim 

Góa vợ khi còn quá trẻ cộng thêm có 2 con nhỏ, Biden đồng ý nghe theo lời khuyên của người thân rằng ông cần một người bạn đời mới.

Biden bắt đầu hẹn hò trở lại bằng phương pháp “blind date” và bỗng một ngày, ông gặp được Jill Tracy Jacobs – một giáo viên với cá tính đặc biệt, thu hút ông ngay từ cuộc trao đổi đầu tiên. Bà có 2 bằng thạc sĩ, 1 bằng tiến sĩ ngành Giáo dục và rất tâm huyết trong việc truyền thụ kiến thức cho thế hệ tiếp theo.

Joe và Jill
 Joe Biden và Jill ngày còn trẻ 

Họ tổ chức lễ cưới vào năm 1977 tại New York sau 5 lần ông Biden cầu hôn. Chia sẻ về người vợ thứ 2, Biden nhận xét bà là một độc lập, dịu dàng, tinh tế và một người đồng hành tuyệt vời. Quan trọng nhất, Jill rất quan tâm đến con riêng của chồng và chưa từng – dù một chút – thể hiện sự khác biệt trong cách đối xử giữa các con. Biden và bà có một con gái sinh năm 1981 tên Ashley hiện là nhà hoạt động xã hội.

Trong cuốn hồi ký Promises to Keep: On Life and Politics xuất bản năm 2007, Biden tiết lộ mối quan hệ giữa Jill và các con luôn tốt. “Jill và tôi chưa bao giờ nói chuyện riêng với hai thằng bé, nhưng một ngày nọ, tôi nhận thấy rằng chúng không còn gọi cô ấy là Jill nữa mà là mẹ”, ông viết.

Jill không bao giờ làm Biden cảm thấy khó xử trong việc quản lý gia đình. Bà thường xuyên nhắc đến người mẹ quá cố với Beau và Hunter, tôn vinh di sản của Neilia. Bên cạnh đó, Jill mới chính là người luôn bên cạnh các con trong mọi sự kiện chứ không phải Biden – vị thượng nghị sĩ với lịch làm việc dày đặc. Bà ngồi ở hàng ghế đầu cổ vũ cho Hunter trong trận thi đấu bóng chày hay đảm nhận vai trò tài xế chở các con đi du lịch trong lúc chồng bận rộn.

Gia đình hạnh phúc hiện nay của cựu phó TT Mỹ
Gia đình hạnh phúc hiện nay của ông Joe Biden 

Bận rộn với việc dạy học tại đại học Cộng đồng Bắc Virginia nhưng Jill luôn là chỗ dựa vững chắc nhất cho Biden ở hậu phương, giúp ông quán xuyến mọi chuyện trong nhà. Điều thú vị là bà sẽ tiếp tục giữ hiện trạng như vậy dù chồng đã trở thành tổng thống.

Theo Politico, Jill sẽ là đệ nhất phu nhân đầu tiên có công việc được trả lương trong khi vẫn đảm nhận vai trò bà chủ Nhà trắng. Trả lời phỏng vấn đài CBS vào tháng 8 năm ngoái, Jill cho biết nếu làm đệ nhất phu nhân thì bà sẽ ủng hộ miễn học phí tại đại học cộng đồng, tài trợ cho nghiên cứu ung thư và hỗ trợ các gia đình quân nhân. Những điều này đã được bà theo đuổi từ khi còn là đệ nhị phu nhân.

Chặng đường kéo dài 3 thập niên đến chức Tổng thống Mỹ

Biden với trải nghiệm sống đau thương đã giúp ông sở hữu khả năng thấu cảm tuyệt vời. Song song đó, ông cũng có nhiều quan điểm nổi bật về chính sách đối ngoại và từng 3 lần giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.

Joe Biden từng bị chứng nói lắp nhưng sau đó đã cải thiện và trở thành nhà hùng biện xuất sắc
Joe Biden từng bị chứng nói lắp nhưng sau đó đã cải thiện và trở thành nhà hùng biện xuất sắc

Ở đồi Capitol, Biden nhanh chóng thu hút lòng người và từng bước xây dựng tầm ảnh hưởng. Ông liên tục tái đắc cử và tự đặt mình vào vị trí ứng viên tiềm năng cho chức Tổng thống.

Cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama từng viết về phó tướng của chồng như sau: “Joe là người tốt và hiểu được nỗi khó khăn của tầng lớp lao động. Ông ấy luôn phục vụ đất nước này dù trải qua những bi kịch không thể tưởng tượng nổi: mất vợ cùng con gái và sau này mất luôn con trai cả. Joe dựa vào đức tin sâu sắc để vượt qua, không bao giờ hoài nghi, luôn sẵn lòng nhìn vào giá trị con người trong tất cả chúng ta”.

Năm 1987, Biden tuyên bố tranh giành chiếc vé đại diện đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử diễn ra vào năm sau. Ông được đánh giá là một ứng viên sáng giá vì hình ảnh ôn hòa, khả năng diễn thuyết tốt cùng vị trí chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện. Đáng tiếc, các lùm xùm như đạo văn và nói dối về tiểu sử cá nhân đã khiến Biden rút khỏi cuộc đua.

Joe Biden trong lần vận động tranh cử năm 1987
Joe Biden trong lần vận động tranh cử năm 1987

Năm 2008, Biden lần nữa tham gia tranh cử sau vài lần trì hoãn do “thời thế không phù hợp”. Thế nhưng, cuộc chiến năm đó trong nội bộ đảng Dân chủ là giữa Barack Obama – một tân binh người Mỹ gốc Phi với sức trẻ và khả năng hùng biện xuất chúng – và Hillary Clinton – cựu đệ nhất phu nhân được ủng hộ mạnh mẽ từ giới tài phiệt. Thất thế vì không thể gây quỹ, ông từ bỏ.

Có điều, quá trình tranh cử khi ấy đã thúc đẩy mối quan hệ thân thiết về sau giữa Obama và Biden. Ứng viên đảng Dân chủ cho rằng nhà lập pháp bang Delaware thật sự quan tâm đến tầng lớp bình dân và là một người có phẩm chất cao thượng. Sau cùng, Obama đã chọn Biden làm phó tướng và chiến thắng vang dội.

Trong 8 năm làm Phó tổng thống Mỹ, Biden không ghi được nhiều dấu ấn đáng nhớ. Chỉ có vài lần ông xuất hiện trên tiêu điểm truyền thông như lần thuyết phục thành công lưỡng đảng thông qua dự luật tăng thuế và cắt giảm chi tiêu vào năm 2013 nhằm ngăn cản khủng hoảng kinh tế hoặc nhận huân chương Tổng thống vào năm 2017.

Obama và Biden khá thân thiết
Obama và Biden khá thân thiết

Rời nhiệm sở, Biden không có ý định tranh cử vào năm 2016 do cái chết của con trai cả Beau vì ung thư trước đó không lâu. Ông công khai ủng hộ Hillary Clinton và chỉ trích quyết liệt Donald Trump.

Trong nhiều tháng, Biden đã suy nghĩ rất nhiều trước khi đưa ra quyết định tranh cử vào năm 2020 hay không. Mãi đến tháng 4 năm 2019, ông mới tuyên bố tham gia và nhanh chóng đứng đầu danh sách các ứng viên tiềm năng nhất. Khi cuộc đua chính thức khởi động, Biden dần đánh bại Pete Buttigieg, Amy Klobuchar và đối thủ nặng ký nhất Bernie Sanders. Tháng 8, ông công bố Kamala Harris làm phó tướng và nhận được đề cử từ đảng Dân chủ.

Bất chấp đại dịch, cuộc bầu cử năm 2020 là cuộc bầu cử có lượng cử tri bỏ phiếu đông kỷ lục. Biden ở lần thứ 3 đã chiến thắng và hoàn thành ước nguyện từ nhiều năm về trước.

Màn chuyển giao quyền lực hỗn loạn và bạo lực nhất trong lịch sử

Ngay khi được các cơ quan ngôn luận lớn khẳng định là tổng thống đắc cử vào tháng 11 năm ngoái, Joe Biden hiểu rõ mình sẽ đối mặt với một nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc do sự lên ngôi của làn sóng dân túy, nạn phân biệt chủng tộc, đại dịch COVID-19 và cuộc chiến đảng phái. Thế nhưng, ông không ngờ rằng màn chuyển giao quyền lực hòa bình giữa hai đời tổng thống vốn là truyền thống tốt đẹp tại Mỹ đã bị xóa sổ không thương tiếc.

Đám đông ủng hộ TT Trump tràn vào điện Capitol vào ngày 6.1
Đám đông ủng hộ Tổng thống Trump tràn vào điện Capitol vào ngày 6/1

Trong hai tháng, ông Donald Trump liên tục phủ nhận tính chính danh của kết quả bầu cử và theo đuổi các cáo buộc gian lận nhưng không thể đưa ra bằng chứng nào. Sau hàng loạt thất bại tại tòa, ông đã kêu gọi người ủng hộ tập trung tại Washington DC vào ngày Quốc hội hợp pháp hóa các lá phiếu đại cử tri và diễu hành đến điện Capitol để phản đối.

Kết quả, tòa nhà Quốc hội - biểu tượng tối cao và tôn nghiêm của nhánh lập pháp - đã bị chiếm đóng bởi hàng ngàn người ủng hộ Donald Trump vào trưa ngày 6/1. Cảnh sát đã buộc hộ tống các nghị sĩ vào nơi ẩn nấp an toàn trong bối cảnh đám đông hỗn loạn lục tung mọi ngõ ngách.

Đây là cảnh tượng chưa từng xảy ra, ít nhất là trong 216 năm kể từ lúc quân Anh tấn công Mỹ vào năm 1814. Chỉ đến khi vệ binh quốc gia và FBI được điều động thì tình hình mới được kiểm soát. Công tác kiểm phiếu nhanh chóng được nối lại.

Cảnh tượng này chưa từng xảy ra kể từ Nội chiến
Cảnh tượng này chưa từng xảy ra kể từ Nội chiến

Rạng sáng 7/1, Phó tổng thống Mike Pence với tư cách chủ tịch Thượng viện đã chính thức tuyên bố Joe Biden là tổng thống tiếp theo của Mỹ.

Sự kiện này là bằng chứng cho thấy nước Mỹ sau nhiệm kỳ của Trump đã phân cực tới mức khó tưởng tượng. Vài tờ báo lớn thậm chí đã giật tít “Nền dân chủ bị tấn công”.

Hàn gắn nước Mỹ

Có thể nói, khó khăn của Biden không chỉ đến từ một xã hội Mỹ đang rối ren mà còn từ 78 triệu người ủng hộ Trump vì họ cho rằng ông “đã đánh cắp cuộc bầu cử”. Thử thách dành cho Biden theo đó sẽ lớn hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào kể từ nội chiến.

Sau ngày 20/1, ông Joe Biden sẽ bước vào một nhiệm kỳ đầy thách thức với nước Mỹ bị phân hóa nghiêm trọng. Bên cạnh việc dẫn dắt nước Mỹ vượt qua khủng hoảng và đại dịch, ưu tiên hàng đầu của ông là khôi phục niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị.

Chủ đề cho lễ nhậm chức của ông Biden có tên là “America United” bởi nó “phản ánh khởi đầu của hành trình mới mang tầm quốc gia nhằm tìm lại linh hồn nước Mỹ, gắn kết đất nước và vạch ra con đường dẫn đến tương lai tươi sáng hơn”. Chỉ khi Biden giải quyết được hiềm khích giữa 2 phe mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ này và thực tế cho thấy chặng đường phía trước của tân tổng thống sẽ không dễ đi chút nào.

Mai Thảo 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI