Ông Joe Biden sẽ đưa Mỹ dẫn đầu cuộc chiến chống biến đổi khí hậu?

17/11/2020 - 19:59

PNO - Sau gần hai tuần được truyền thông cho là chiến thắng trong cuộc bầu cử, ông Joe Biden bắt đầu khởi động kế hoạch chuyển tiếp của mình để giải quyết các vấn đề quan trọng mà nước Mỹ đối mặt, trong đó có biến đổi khí hậu.

Trong nhiều cuộc vận động tranh cử, ông Joe Biden hứa sẽ đưa nước Mỹ trở lại cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, và người dân Mỹ tin tưởng rằng ông sẽ làm được điều đó
Trong nhiều cuộc vận động tranh cử, ông Joe Biden hứa sẽ đưa nước Mỹ trở lại cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, và người dân Mỹ tin tưởng rằng ông sẽ làm được điều đó

Giữa chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, Mỹ đón nhận số cơn bão nhiệt đới cao kỷ lục và lần đầu tiên trong thế kỷ, xảy ra trận cháy thiêu rụi hơn 400.000ha rừng ở 48 hạt. Đến tháng Chín, Mỹ hứng chịu thiệt hại do thảm họa thời tiết và khí hậu nặng nề nhất trong một năm.

Kế hoạch chưa thật chắc chắn

Trong quá trình vận động tranh cử, bang Pennsylvania nhận được rất nhiều sự quan tâm của cả hai ứng cử viên tổng thống. Bang này có địa chất đá phiến Marcellus - một nguồn khí đốt tự nhiên, và là nơi sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ hai ở Mỹ, sau Texas. Ngành công nghiệp này sử dụng khoảng 32.000 người ở Pennsylvania, nhưng năng lượng sạch là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất của bang.

Trong cuộc tranh luận cuối cùng với Tổng thống Trump, ông Biden cho biết, sẽ “chuyển đổi ngành công nghiệp dầu mỏ… vì theo thời gian, nó phải được thay thế bằng năng lượng tái tạo”. Chính sách chính mà ông đề xuất là ngừng trợ cấp liên bang đối với ngành dầu khí. Sau cuộc tranh luận, nhóm vận động của Biden làm rõ rằng, đề xuất này sẽ loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và ông sẽ không áp đặt các lệnh cấm đối với ngành dầu khí.

Hơn nữa, cựu phó tổng thống Mỹ nhiều lần nhấn mạnh rằng, ông không phản đối quá trình khai thác mỏ và muốn thúc đẩy các giải pháp kỹ thuật để cắt giảm lượng khí methane từ ngành dầu khí. Methane là một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh gấp 84 lần so với carbon dioxide trong 20 năm đầu tiên sau khi phát thải.

Nhìn chung, ông Biden còn khá mơ hồ về mốc thời gian giảm tiêu thụ carbon trong nền kinh tế Mỹ, dù vẫn ủng hộ ý tưởng đạt được mức phát thải bằng 0 vào năm 2050. Người ta vẫn băn khoăn, liệu cách tiếp cận tiết kiệm ngân sách và định hướng thị trường của ông Biden nhằm chống lại biến đổi khí hậu có ngăn cản hiệu quả sự "hồi sinh" sử dụng carbon sau đại dịch COVID-19 
hay không.

Chính sách mới của ông Biden

Trong nhiều kế hoạch đề ra, nền tảng chiến dịch của ông Biden là kêu gọi tạo ra một triệu việc làm mới trong ngành công nghiệp ô tô và chuỗi cung ứng xe điện; chi hàng tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng sạch; hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất nông nghiệp xanh. 

William K. Reilly - cựu quản trị viên Cơ quan Bảo vệ môi trường dưới thời Tổng thống George H.W. Bush - nhận định: “Đó không chỉ là một kế hoạch môi trường hay khí hậu. Nó có mối liên hệ rất đáng kể với kế hoạch công nghiệp hóa và phát triển kinh tế. Đó là một nền kinh tế năng lượng mới”.

Chính quyền Biden sẽ phải đối mặt với những thách thức trong việc thực hiện chương trình nghị sự của mình giữa bối cảnh Thượng viện vẫn do đảng Cộng hòa nắm giữ. Dù vậy, các nhà phân tích vẫn tin rằng, một dự luật kích thích kinh tế quan trọng - dự kiến áp dụng vào đầu năm 2021 - có thể là đòn bẩy giúp ông Biden đạt được các ưu tiên về khí hậu thông qua quốc hội.

Mặt khác, để ban hành và hướng dẫn chương trình nghị sự của mình, chính quyền của ông Biden cần dựa vào liên minh các nhà hoạt động khí hậu cũng như mong đợi sự hỗ trợ rộng rãi từ các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, để ngăn chặn thảm họa khí hậu đang gia tăng, đòi hỏi một lệnh cấm ngay lập tức đối với việc khai thác thêm dầu khí trên toàn thế giới.

Mỹ chính thức rời khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris vào ngày 5/11 và ông Biden hứa rằng, nếu đắc cử, ông sẽ đưa Washington tái gia nhập hiệp định. Dù chỉ cần một chữ ký để tham gia lại Thỏa thuận khí hậu Paris, nhưng việc khôi phục vị trí của Mỹ như quốc gia dẫn đầu trong việc nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ mất nhiều công sức hơn. 

Tấn Vĩ (theo Time, CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI