Ông Huỳnh Anh Tuấn - Giám đốc sân khấu Idecaf: 'Mong tìm lại những giá trị văn hóa dân tộc

18/02/2019 - 12:00

PNO - Sân khấu Idecaf đang tiếp tục dự án kịch lịch sử về nhân vật Hồ Quý Ly và giai đoạn cuối đời nhà Trần.

Nổi tiếng với những vở diễn đề tài lịch sử cho cả người lớn lẫn thiếu nhi, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu Idecaf đang tiếp tục dự án kịch lịch sử về nhân vật Hồ Quý Ly và giai đoạn cuối đời nhà Trần.

Phóng viên: Nhiều người đang rất quan tâm về ý tưởng phục chế phục trang thời Trần - Hồ ở tác phẩm này. Vì sao lại có ý tưởng ấy?

Ông Huỳnh Anh Tuấn: Ở mỗi vở lịch sử, chúng tôi luôn cố mang đến những điều mới lạ trong cách xây dựng kịch bản, nhân vật, lối dàn dựng… để người xem có thêm nhiều cảm nhận, góc nhìn về giai đoạn và các nhân vật lịch sử ấy. Phục trang của những vở lịch sử trước đây được thiết kế dựa trên “mẫu số chung” về trang phục của người Việt cổ, dù được chấp nhận, vẫn không thể khẳng định niên đại chính xác.

Khởi động dự án về Hồ Quý Ly, tôi phát hiện có những nhóm bạn trẻ đang tìm tư liệu, nghiên cứu và phục chế những giá trị văn hóa cổ của Việt Nam nên đã phối hợp xây dựng vở diễn với phần phục trang được phục chế theo đúng thời điểm diễn ra các sự kiện được kể lại.

Ong Huynh Anh Tuan - Giam doc san khau Idecaf: 'Mong tim lai nhung  gia tri van hoa dan toc
Bão táp một vương triều có thể sẽ có phiên bản kịch nói

* Tại sao lại là Hồ Quý Ly mà không phải ai khác?

- Dù còn những tranh cãi về công và tội, nhân vật Hồ Quý Ly có rất nhiều bí ẩn thú vị. Những câu chuyện về cuộc đời, công, tội… của ông không chỉ là chất liệu để xây dựng một tác phẩm sân khấu hấp dẫn, nhiều kịch tính mà còn là những bài học có giá trị, ý nghĩa với cuộc sống hôm nay. Một nhân vật, một giai đoạn với nhiều biến cố, sự kiện lịch sử nhưng chưa được khai thác nhiều trong các tác phẩm nghệ thuật càng khiến tôi thêm quyết tâm.

Chính tôi cũng tò mò, liệu ngoài những đóng góp của Hồ Quý Ly đã được nhắc đến như chế tạo súng thần công, tiền giấy, những chính sách cải cách tiến bộ với khát vọng xây dựng một đất nước hùng cường… ông có còn những cải cách nào liên quan đến phục trang, để thoát ảnh hưởng Trung Hoa? Lịch sử Việt Nam không chỉ có sự kiện, nhân vật mà còn rất nhiều giá trị khác, luôn là niềm tự hào của công dân nước Việt.

* Ông đã có được gì cho dự án này?

- Lớn nhất là khát khao tìm lại những giá trị văn hóa tinh hoa của dân tộc, tìm về cội nguồn và quyết tâm phải sớm đưa dự án ra mắt khán giả. Ngoài những kịch bản đặt hàng, tôi cũng vừa nhận được kịch bản Bão táp một vương triều (tác giả: Đăng Minh - Giang Mạnh Hà) - tác phẩm vừa đoạt huy chương vàng tại Liên hoan cải lương toàn quốc 2018. Tuy vậy, tôi vẫn chưa dừng việc tìm thêm hoặc sẽ sửa chữa, bổ sung từ một trong những kịch bản đang có.

* Còn những khó khăn? 

- Dự án lớn, nhưng tôi không nghĩ đến chuyện tài chính mà là hành trình để biến dự án thành tác phẩm, chính thức ra mắt công chúng. Nhân vật Hồ Quý Ly, cho đến nay, vẫn có nhiều tranh cãi. Làm sao để đặt được góc nhìn của ê-kíp thực hiện mà vẫn thuyết phục được số đông công chúng? Phục trang phục chế phải chính xác và phải được các nhà sử học, công chúng chấp nhận… Thực tế, từng xảy ra những phản ứng, tranh luận trái chiều của các nhà nghiên cứu về những sự kiện, nhân vật lịch sử, trang phục của từng triều đại.

Thấy những khó khăn, thách thức đó không phải để thu mình, tìm vỏ bọc an toàn, mà để cẩn trọng trong từng bước thực hiện dự án, cố gắng đạt được sự chính xác cao nhất. Chúng tôi rất mong sẽ có được sự tiếp sức, ủng hộ từ cộng đồng, xã hội và các nhà nghiên cứu, chuyên gia.

* Cảm ơn ông và chúc tác phẩm sớm ra mắt. 

 Thảo Vân (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI