"Ngoài đó hơn 5.300 nấm mộ, gần 5.000 liệt sĩ. Nhìn mênh mang vậy chớ mỗi nấm mộ là mỗi câu chuyện, có chuyện tui chứng kiến, có chuyện tui nghe kể. Nằm đó là từng phận người cũng từng đi đứng, nói năng, chiến đấu như tui. Tui còn đứng đây được, cũng là nhờ may mắn". Nghĩa trang H.Đức Hòa (tỉnh Long An) đang mùa tiếp khách. Vị quản trang Kiều Công Huệ cố trả lời tôi thật nhanh để ra trông chừng khách khứa, rồi ông như bị mắc lại giữa cơn tất bật chỉ vì một câu hỏi vô tình: "Đồng đội của bác nằm đâu?".
|
Người đàn ông nước mắt lưng tròng khi nhắc chuyện đồng đội |
Mỗi nấm mộ, một phận người
Ông Huệ dắt tôi đi giữa hàng hàng bia mộ, giữa cái nắng bưng đầu, chỉ về phía khu B2: "Anh Hai tui nằm ở chỗ này đây". "Anh Hai" là liệt sĩ Liêu Quang Hai, là một đồng đội kết nghĩa của ông Huệ, đã hy sinh ở chiến trường Campuchia năm 1978. "Cùng là đồng đội nhưng tui nương tựa, nhờ vả anh Hai nhiều", ông nói.
Những năm 1978, tình hình biên giới Tây Nam bất ổn, lính Pôn-Pốt thường xuyên tràn sang đánh phá. Ông Huệ hồi đó là lính biên phòng, còn ông Hai là tiểu đội trưởng tiểu đội du kích xã. Ngày ông Huệ nhận nhiệm vụ về đồn 765, cả vùng Bình Hòa Đông, H.Mộc Hóa, tỉnh Long An vẫn còn hoang vu, dân cư thưa thớt. Đồn 765 nằm cheo leo giữa đồng bưng. Từ đồn, phải vượt qua một dọc đường dài mới đến ngôi nhà gần nhất. Ngôi nhà cặp ngay mé sông Vàm Cỏ Tây. Gia chủ là cụ Liêu Quang Thắc có 8 người con, trong đó, người con đầu chính là là tiểu đội trưởng đội du kích xã Liêu Quang Hai.
Phần vì nhiệm vụ thường xuyên phải phối hợp với du kích địa phương, phần vì sự quý mến bộ đội của gia đình cụ Thắc, ông Huệ dần trở nên thân thuộc với gia đình. Trong vai "anh Hai", với vai trò là tiểu đội trưởng đội du kích địa phương, ông Hai dìu dắt ông Huệ cùng đồng đội mọi đường đi nước bước, ứng phó với mọi diễn biến của địch và sự khắc nghiệt của địa bàn.
Được anh em biên phòng gọi là "thổ địa", nắm rõ địa hình vùng biên hoang vu của xã Bình Hòa Đông, ông Hai bao phen giải nguy, cứu mạng đồng đội, hóa giải căng thẳng ở biên giới Mộc Hóa. Đồn 765 được xây dựng khá công phu, nhưng ngày thường, toàn bộ công an biên phòng đều phải tràn ra các mục tiêu giữa trời. Mùa nước nổi, chỗ đứng gác của lính biên phòng lênh láng nước. Ông Hai trực tiếp hướng dẫn người địa phương đốn chuối, kết thành công sự cho lính biên phòng đứng gác.
Công sự làm bằng thân chuối tươi, vừa nổi trên nước, vừa trở thành những tấm khiên chống đạn lợi hại. Mỗi lần lính Pôn-Pốt tràn sang, ông Huệ lại cùng đồng đội phối hợp với du kích xã, đi theo sự chỉ dẫn của ông Hai để phản công. Có những trận giáp lá cà căng thẳng, thấy ta yếu thế về lực lượng, ông thuần thục đưa cả tiểu đội gồm lính biên phòng và du kích địa phương qua những ngóc ngách giữa mớ lau sậy, chạy về ngôi nhà bên mé sông, chia nhau từng nắm cơm được má ông nấu sẵn.
"Ổng thuộc kiểu người hùng bất bại, gặp khó cỡ nào cũng xoay được, tại quá rành rẽ địa bàn, vậy mà...". Ông Huệ thả một hơi thở trước khi cúi xuống cắm ba cây nhang vào trước tấm bia liệt sĩ Liêu Quang Hai. Ba cây nhang đã cháy gần phân nửa khi người em nuôi mải kể chuyện hồi trai trẻ của người đã khuất.
Lần đó là cuối năm 1978, lính Pôn-Pốt tràn qua biên giới. Cả tổ tác chiến có 70 người, đánh trả ác liệt. Sau khi nghe lệnh rút lui của chỉ huy, chạy về đến vùng an toàn kiểm tra quân số, ông Huệ mới phát hiện đội hình thiếu mất một người, chính là tiểu đội trưởng đội du kích Liêu Quang Hai. Xung phong cùng một nhóm quay lại tìm đồng đội, ông bươn chạy giữa cánh đồng Sậy Giăng cỏ cao quá đầu người, về đúng nơi vừa xảy ra trận giáp lá cà.
"Xung quanh chỗ đó là bụi rậm mênh mông, nếu không biết chỗ, chắc lạc mất ảnh luôn rồi" - ông dừng lại giải thích như muốn ngăn dòng kể sắp run lên. Ở chỗ bụi cỏ bị dạt ra, ông Hai nằm đó, người loang lổ không biết bao nhiêu vết đạn. Bộ quân phục rách bươm. Nằm cạnh ông là 3 người lính Campuchia cũng đã tử trận. Ông Huệ thảng thốt chạy lại ôm "anh Hai" trên tay, rồi cùng đồng đội băng qua đồng cỏ về nhà.
Người đàn ông nhỏ thó, trong cái dáng lam lũ kìm cơn xúc động, chỉ sang phần mộ cạnh mộ liệt sĩ Liêu Quang Hai: "Anh Lý Mạnh Hùng này hy sinh trong trận đánh cầu Rạch Chiếc; anh Nguyễn Văn Sê là người Đức Lập Thượng, hồi đó hy sinh ở xã Hữu Thạnh, mới được quy tập về đây"...
Nỗi lòng "người thức"
Câu chuyện đang tiếp nối suốt một dọc dài những ngôi mộ khiến chúng tôi quên mất cái nắng trưa bưng đầu thì có hai vị khách dáo dác tiến vào phòng quản trang. Ông Huệ đi như chạy về phòng làm việc. Lúc tôi về đến nơi, ông Huệ đã nghiêm chỉnh ngồi ở bàn làm việc, từ tốn tiếp khách.
Vị khách nam nhắc: "Lần đầu tôi vào đây là năm 2000, hồi đó bác Huệ còn trẻ, vừa nghe tên liệt sĩ đã dắt chúng tôi ra chính xác ngôi mộ tập thể của anh tôi. Hai mươi năm mới tìm thấy anh trai, lại thấy mộ của anh được chăm chút khang trang bằng bàn tay của một người không phải ruột thịt, tôi cảm kích lắm. Từ đó đến nay, tôi mới quay lại 3 lần, con cháu chia nhau vào thăm chừng 3 lần nữa, còn bao nhiêu đều gửi gắm hết cho bác Huệ. Thật lòng cảm ơn không biết sao cho hết". Đáp lại lời tỏ bày của người khách đường xa, ông Huệ chậm rãi: "Mấy ảnh nằm xuống rồi, mình cũng làm việc của người thức thôi".
"Nhiệm vụ của người quản trang" được ghi rõ trong phần nội quy cơ quan treo trước phòng làm việc của ông Huệ. Nhưng, "nhiệm vụ của người thức" thì chưa có một liệt kê nào đầy đủ. Về làm quản trang ở Nghĩa trang liệt sĩ H.Đức Hòa từ năm 1987, suốt 31 năm, mọi mốc thời gian trong ông đều được đánh dấu theo từng đoạn "mộ xây xi măng", "mộ tráng men", "mộ được gắn bia phía sau chân mộ", "mộ gắn bia nằm nghiêng", rồi "mộ gắn bia đá hoa cương đợt 1", "mộ gắn đá hoa cương đợt 2"...
Mỗi mốc thời gian là một lần những nấm mộ liệt sĩ được "nâng cấp". Giữa những công việc thường nhật như cắt cỏ, quét dọn, hương khói, tiếp đón thân nhân, phục vụ đoàn đến thăm nghĩa trang, từng đợt nghĩa trang "thay áo" đều là một đoạn đời tất bật mà hân hoan của ông. Thành quả của tất cả những tất bật hằng ngày là từng ngôi mộ tươm tất, và những ân nghĩa bất tận của thân nhân từ thập phương với người quản trang. Và đôi khi, "thành quả" cũng là những nỗi buồn.
Hồi mộ liệt sĩ mới tráng men, tức khoảng năm 2006, có một gia đình thân nhân chừng 20 người vào tìm mộ liệt sĩ theo chỉ dẫn của một nhà ngoại cảm. Ông Huệ hướng dẫn, hỗ trợ gia đình đến hương khói trước một ngôi mộ vô danh theo nguyện vọng. Sau phần hương khói, gia đình đề nghị được bốc dỡ mộ về quê ở một tỉnh phía Bắc. Ngoài những chỉ dấu tâm linh, không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy liệt sĩ vô danh đó là người thân của gia đình, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội H.Đức Hòa đành từ chối đề nghị của gia đình.
Không được đáp ứng, gia đình liên tục vào ra nghĩa trang, đề nghị ông Huệ hỗ trợ bốc dỡ mộ. Là người trực tiếp quản trang, lại thấu hiểu nguyện vọng của gia đình, ông Huệ như phân vân giữa nhiệm vụ và lòng trắc ẩn. Mâu thuẫn càng lúc càng leo thang. Trước sự nôn nóng và phản ứng quá khích của phía gia đình liệt sĩ, ông hiểu mình phải kiên quyết tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Suốt hai ngày trời, đoàn thân nhân gồm 20 người chỉ quẩn quanh vào ra nghĩa trang. Đoán biết tình huống xấu nhất, ông Huệ thức trắng đêm trực nghĩa trang để canh giữ. Y như dự đoán, vào nửa đêm, đoàn người trèo rào đột nhập nghĩa trang trộm hài cốt. Dự định bất thành, cả gia đình chạy ra phá cổng, la ó, uy hiếp ông Huệ. Trong những cuộc điện thoại với gia đình ngoài quê, nhóm người nhà liên tục trách cứ, dọa giết "ông Huệ quản trang". Giữa cơn hỗn loạn, ông lặng lẽ gọi điện mời công an xã và cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và xã hội H.Đức Hòa xuống làm việc. Câu chuyện sau đó được giải quyết êm xuôi.
|
|
Kể về cái đêm kinh hoàng nhất đời làm quản trang, ông chỉ cười buồn: "Dù mình cố gắng chu toàn bao nhiêu, cũng không bù đắp nỗi mất mát của gia đình liệt sĩ được. Tui làm theo luật, nhưng họ thì chỉ thấy tui đang ngăn họ mang người thân về với gia đình. Lúc đó, tui chỉ thấy buồn. Mấy ảnh nằm xuống giữa chiến trường, nhà cửa xa xôi. Giờ tui hay ai khác đòi chứng minh tên tuổi của những hài cốt vô danh thì gia đình lấy gì mà chứng minh?
Mà tâm linh thì vô chừng. Nếu dựa vào đó mà nhận mộ, bốc mộ, lỡ những ngôi mộ lạc lại tiếp tục lạc nữa, sau này biết đâu mà tìm… Giờ ở đây có hàng ngàn mộ vô danh. Tui chỉ trông chờ gia đình có manh mối gì đó để tới đây kết nối với thông tin từ các nhân chứng ở địa phương, xác định danh tính mấy ảnh. Mà cứ chứng kiến các cựu chiến binh ngày càng lớn tuổi, sau này lỡ không còn ai xác nhận… Tui sốt ruột lắm".
Tôi như chợt thấy một "ông Huệ buồn thiu" trong cái đêm bị mắc kẹt trong vòng vây những thân nhân bức xúc. Nỗi buồn một đêm, cũng là nỗi buồn bàng bạc trước năm tháng hữu hạn của kẻ mất lẫn người còn. Lúc tiễn tôi ra cái sân nắng chang, ông Huệ khiêm tốn nói: "Tui cũng làm thêm được một ít nữa thôi, 2 năm nữa tui hưu rồi". Thời gian còn lại thật ít ỏi so với tâm nguyện "đời đời nhớ ơn" nọ. Nhưng, trong tất cả những người vẫn dặn lòng ghi công các anh hùng liệt sĩ, có mấy người đã "thức" được như ông?
Thanh Tân