Ông Dương Văn Minh và những ngày cuối tháng 4/1975

25/04/2025 - 09:24

PNO - “Đảng ta thật là vĩ đại, thu xếp để Dương Văn Minh xuất hiện dù hơi muộn nhưng rất cần thiết và góp vào sự trọn vẹn của ngày toàn thắng”.

1. Sau ngày 30/4/1975, tôi được Ban tổ chức Trung ương Đảng tăng cường vào làm công tác báo chí ở Sài Gòn và được Báo Tin Sáng mời cộng tác như một cố vấn không thường trực.

Báo này do nhà báo Lý Quí Chung - nguyên Tổng trưởng Thông tin của thời Dương Văn Minh - làm chủ bút. Lý Quí Chung hay kể cho tôi về những ngày cuối cùng trước giờ giải phóng Sài Gòn và có một lần đưa tôi đến thăm tướng Dương Văn Minh tại nhà riêng.

Dù được Lý Quí Chung giới thiệu trước, ông Dương Văn Minh vẫn dè dặt. Sau hồi lâu trao đổi, ông nhìn tôi và chậm rãi nói: “Moa (tôi) nói với toa (anh) thế này. Nếu moa không thương đồng bào, không muốn Sài Gòn bớt đổ máu thì moa không nhận làm tổng thống. Moa nhận để làm gì khi moa biết Quân giải phóng đã vào sát Sài Gòn? Moa muốn đánh nhau thì moa đã không yêu cầu Mỹ khẩn cấp rút cơ quan tùy viên quân sự Mỹ khỏi Việt Nam trong vòng 24 giờ.

Moa đồng ý để nhóm Nguyễn Đình Đầu, rồi nhóm Trần Ngọc Liễng vào trại Davis để thông báo với Quân giải phóng là quân đội của moa không chống cự, moa chờ Việt cộng vào, và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam nói sao, moa làm y vậy. Moa đã mời toàn bộ nội các vào dinh Độc Lập để chờ cách mạng vào bàn giao. Xét cho cùng thì bàn giao cũng là cách đầu hàng lịch sự mà thôi”.

Tổng thống Dương Văn Minh (ngồi, bên phải) chuẩn bị đọc tuyên bố đầu hàng tại Đài Phát thanh Sài Gòn trưa 30/4/1975 - Ảnh tư liệu
Tổng thống Dương Văn Minh (ngồi, bên phải) chuẩn bị đọc tuyên bố đầu hàng tại Đài Phát thanh Sài Gòn trưa 30/4/1975 - Ảnh tư liệu

Có lần, tôi được gặp nhà sử học Nguyễn Đình Đầu tại tư gia của ông. Ông kể: “Tình thế khi đó cấp bách lắm. Quân giải phóng đã tiến sát Sài Gòn.

Nhóm Trí Việt (tên gọi của lực lượng trí thức Sài Gòn yêu chuộng hòa bình, ủng hộ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam) chúng tôi bàn nhau rằng, nếu không có giải pháp gì thì Sài Gòn sẽ tan nát vì bom đạn chiến tranh và tắm máu. Biết tôi là một trí thức hồi đầu kháng chiến năm 1945, có giúp Chính phủ Cụ Hồ nên nhóm cử tôi đi gặp tướng Dương Văn Minh để tìm cách”.

Ông Nguyễn Đình Đầu kể tiếp: “Tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Huyền - người được Dương Văn Minh giao giữ chức Phó tổng thống phụ trách hòa đàm. Ông Huyền cũng nói: “Ông Dương Văn Minh và chúng tôi nhận cái chính phủ này là vì chúng tôi sợ chiến tranh, đầu rơi máu đổ. Ông Minh đã dặn làm gì thì làm, chúng ta phải có giải pháp để đồng bào mình không chết”.

Ông Huyền nhất trí giao cho tôi cùng một số người vào trại Davis gặp đại diện Chính phủ cách mạng, thông tin là Chính phủ Sài Gòn sẵn sàng bàn giao và không đánh nhau nữa để Quân giải phóng có kế hoạch tiến nhanh. 9g ngày 30/4, sau khi nghe tôi nói lại cuộc gặp ở trại Davis, ông Dương Văn Minh đã đồng ý sẽ có tuyên bố vì hòa bình. Ông gọi điện thoại cho đài phát thanh, yêu cầu chuẩn bị để phát đi tuyên bố quan trọng của tổng thống”.

***

2. Những thông tin về Dương Văn Minh từ những năm 1975, 1976 nằm im trong sổ tay tư liệu của tôi nhiều năm. Một câu hỏi luôn trăn trở trong tôi: “Dương Văn Minh là người thế nào?”.

Một hôm của năm 1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm luật sư Nguyễn Hữu Thọ (từng là Quyền chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và trước đó là Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam). Trong câu chuyện, Thủ tướng hỏi luật sư: “Anh Ba đánh giá thế nào về ông Dương Văn Minh?”. Luật sư đáp: “Tôi nghĩ đó là một người biết vì dân tộc”.

Trong câu chuyện trao đổi với tôi, cả anh Nguyễn Văn Diệp và Lý Quí Chung - đều từng là tổng trưởng trong nội các Dương Văn Minh - còn kể một chuyện cần được ghi lại: sáng 30/4, tướng Pháp Vanuxem từ Paris bay qua, không hẹn trước mà xin gặp Dương Văn Minh.

Vanuxem cho rằng, tình hình lúc đó chưa phải hết hy vọng và đề nghị Dương Văn Minh nhờ lực lượng bên ngoài bảo trợ với lý do “Hà Nội vi phạm Hiệp định Paris”. Vanuxem cam kết trong vòng 24 giờ, quân đội chi viện sẽ đổ vào miền Nam, tình thế sẽ được cứu vãn.

Dương Văn Minh nghe xong, trả lời ngay: “Xin cảm ơn. Bây giờ, đất nước chúng tôi sắp chấm dứt chiến tranh, xin ông để chuyện này cho người Việt Nam chúng tôi tự giải quyết”. Nói xong, tướng Minh tống tiễn Vanuxem và chuẩn bị đọc tuyên bố của tổng thống, yêu cầu binh lính Cộng hòa ngưng nổ súng và chuẩn bị bàn giao chính quyền.

Lý Quí Chung nói đó là một quyết định lịch sử. Ông Minh không muốn gì hơn là chấm dứt chiến tranh. Lý Quí Chung bình thêm: “Nếu thời khắc đó, Dương Văn Minh chỉ cần gật đầu với Vanuxem hoặc có mấy lời hô khẩu hiệu thì chắc chắn Sài Gòn tan nát và sẽ có cảnh máu đổ, đầu rơi”.

***

3. Càng nghiên cứu, càng tập hợp, càng rõ nét tướng Dương Văn Minh là một con người vì dân tộc. Chính Dương Văn Minh là kết quả của những chiến công thầm lặng của những cơ sở nội tuyến, của các chiến sĩ tình báo, binh vận đã nằm trong bộ máy ngụy như Vũ Ngọc Nhạ, chị Sáu Thảo, anh Tư Cang, Triệu Quốc Mạnh, Nguyễn Hữu Thái, Nguyễn Hữu Hạnh, mạng điệp báo H63… Họ không chiến đấu bằng súng đạn nhưng đã góp công lớn vào sự thắng lợi của công cuộc giải phóng miền Nam. Sự tác động của các lực lượng hoạt động bí mật của ta góp phần vào tư duy của Dương Văn Minh ở thời khắc ấy là vô cùng đúng lúc và có hiệu quả.

Một lần, khi còn là Phó thủ tướng, đồng chí Phạm Hùng kể với tôi rằng, vận động Dương Văn Minh là một quá trình dài rất công phu của chúng ta. Khi chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, và ông Phạm Hùng - với tư cách chính ủy của chiến dịch - đã chỉ đạo đưa ngay tướng Nguyễn Hữu Hạnh - đặc tình của ta, mang bí số S7, đã bị chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cho nghỉ hưu non, đang ở Tiền Giang - trở lại Sài Gòn để tiếp cận Dương Văn Minh.

Nguyễn Hữu Hạnh là bạn học năm xưa với tướng Minh, và anh đã cùng với các lực lượng bí mật khác có tác động cần thiết và đúng lúc.

Dương Văn Minh đã nhận chức tổng thống và trao cho Nguyễn Hữu Hạnh nắm giữ cơ quan Tổng tham mưu quân đội ngụy, nhờ đó đã vô hiệu hóa những cái đầu hiếu chiến của cánh quân đoàn 4 và biệt khu Sài Gòn, nhờ đó cầu Sài Gòn không bị phá sập, thành phố còn nguyên vẹn, máu không đổ…

Mấy ngày sau khi miền Nam giải phóng, tướng Trần Văn Trà - Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định - đã tổ chức buổi lễ trả quyền công dân cho Dương Văn Minh và những người trong bộ máy chính quyền Dương Văn Minh.

Hôm đó, tướng Minh đã phát biểu: “Riêng tôi, hôm nay rất hân hoan khi ở tuổi 60 được trở thành công dân của một nước Việt Nam độc lập” và “Với kỷ nguyên mới này, tôi mong tất cả anh em có mặt tại đây cũng như các tầng lớp đồng bào sẽ có dịp đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước”.

Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu nói với tôi: “Không phải tự dưng Dương Văn Minh nhận chức tổng thống và lại nhận khi không còn gì nữa. Tôi nghĩ, phải có sự vận động của các lực lượng cách mạng, và ông Minh là người không thân Mỹ, một người có tính dân tộc và có tình cảm với phía cách mạng. Ông muốn Sài Gòn không đổ nát, ông không muốn cảnh tử thủ Sài Gòn để rồi chết chóc nên mới nhận chức tổng thống”. Trong những ngày cuối cùng, giải pháp của Dương Văn Minh là tìm gặp, thương lượng để bàn giao.

Một lần, nhân kỷ niệm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam, tôi tháp tùng chị Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao - thăm các bạn bè Pháp đã giúp đỡ chúng ta trong 5 năm diễn ra hội nghị Paris.

Nhân đó, tôi cùng chị Bình đi thăm ông Dương Văn Minh. Chị Bình nói: “Đảng ta thật là vĩ đại, thu xếp để Dương Văn Minh xuất hiện dù hơi muộn nhưng rất cần thiết và góp vào sự trọn vẹn của ngày toàn thắng”. Chị khẳng định: “Dương Văn Minh là người yêu nước”.

Trong những tháng ngày mới đến Paris, thường xuyên bị các thế lực phản động đến vận động làm ngọn cờ chống lại chế độ ta, ông Dương Văn Minh dứt khoát từ chối. Ông nói với chúng tôi: “Moa không góp được gì thì cũng để lại cái tình đẹp với quê hương”.

Giáo sư Trình Quang Phủ

 
TIN NỔI BẬT
TIN MỚI