Ông Donald Trump sẽ “thỏa sức tung hoành” trong nhiệm kỳ thứ hai

08/11/2024 - 06:18

PNO - Chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 đánh dấu sự trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump. Các đồng minh lẫn những người chỉ trích ông đều tin rằng, nhiệm kỳ thứ hai của ông sẽ có nhiều khác biệt, mạnh mẽ hơn.

Sự thay đổi lớn tại vị trí cũ

Với hành trang là đa số phiếu phổ thông, sự ủng hộ từ Đảng Cộng hòa hiện đang nắm đa số ghế tại Thượng viện và Hạ viện, ông Donald Trump sẽ bước vào Phòng Bầu dục với kinh nghiệm từ nhiệm kỳ trước lẫn mong muốn thay đổi hệ thống từng làm ông thất vọng.

Đối thủ tranh cử của ông - Phó tổng thống đương nhiệm Kamala Harris - đã kêu gọi những người ủng hộ chấp nhận thất bại của bà trong cuộc bầu cử và cam kết giúp đỡ ông Trump trong quá trình chuyển giao quyền lực.

Ông Trump nói với đám đông phấn khích ở West Palm Beach, Florida vào sáng sớm ngày 6/11: “Nước Mỹ đã trao cho chúng ta một nhiệm vụ chưa từng có và mạnh mẽ”. Ông tóm tắt cách tiếp cận của mình đối với nhiệm kỳ thứ hai như sau: “Tôi sẽ điều hành theo một phương châm đơn giản: Hứa thì phải giữ”.

Ông Trump là Tổng thống Mỹ đầu tiên trong hơn 1 thế kỷ giành được nhiệm kỳ thứ hai không liên tiếp. Doanh nhân táo bạo và cựu ngôi sao truyền hình thực tế này cũng đang trên đường phá vỡ một kỷ lục khác với tư cách là tổng thống đương nhiệm lớn tuổi nhất trong nhiệm kỳ 4 năm của mình, vượt qua Tổng thống Joe Biden, người sẽ rời nhiệm sở vào tháng 1/2025 ở tuổi 82.

Tổng thống tái đắc cử Donald Trump phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Palm Beach, bang Florida vào ngày 6/11/2024 - ẢNH: CHIP SOMODEVILLA (Getty Images)
Tổng thống tái đắc cử Donald Trump phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Palm Beach, bang Florida vào ngày 6/11/2024 - ẢNH: CHIP SOMODEVILLA (Getty Images)

Trục ảnh hưởng của ông Trump đã thay đổi rất nhiều kể từ khi ông rời Nhà Trắng vào tháng 1/2021. Con gái và con rể của ông Trump - Ivanka Trump và Jared Kushner - từng là những người đại diện chiến dịch nổi bật kiêm nhân viên cấp cao của Nhà Trắng, hiện đã rời xa chính trường.

Những người bên cạnh ông trong nhiệm kỳ này chia sẻ quan điểm của ông, duy trì những lời cam kết của ông khi còn là ứng cử viên. Giờ đây, tổng thống đắc cử đang chuẩn bị mở rộng những dấu ấn từ nhiệm kỳ đầu tiên: cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, sự hoài nghi sâu sắc đối với chủ nghĩa đa phương, phong cách ngoại giao thỏa thuận phá bỏ sự rập khuôn và những dòng thông báo chính sách ngắn gọn qua mạng xã hội.

Những điểm đáng chú ý trong 4 năm tới

Ông Trump đã đe dọa sẽ áp đặt một loạt thuế quan cao hoặc thuế nhập khẩu đối với 60% hàng hóa từ Trung Quốc và 20% đối với hàng hóa từ nơi khác. Vào tháng Chín, ông cũng đe dọa sẽ đánh thuế 100% đối với hàng hóa do Mexico sản xuất.

Các nước Đông Nam Á phải đối mặt với nguy cơ xuất khẩu sang Mỹ thấp hơn trong bối cảnh Mỹ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đông Nam Á. Với mối bận tâm về thâm hụt thương mại và lời hứa tạo ra nhiều việc làm hơn cho người Mỹ, sẽ rất ngạc nhiên nếu ông Trump không thực hiện các biện pháp để giảm mức chênh lệch thương mại gần 200 tỉ USD với các nước Đông Nam Á.

Hơn nữa, ông Trump có khả năng sẽ tiếp tục phá bỏ các hiệp định thương mại đa phương nhằm giải quyết thâm hụt thương mại với từng quốc gia. Ông từng đe dọa sẽ rút khỏi Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) sớm nhất có thể trong nhiệm kỳ thứ hai của mình.

Lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc cũng khiến ông tập trung vào các khoản đầu tư của các công ty Trung Quốc trên toàn cầu chứ không chỉ trong phạm vi nội địa.

Điều này nghĩa là các công ty hoặc ngành công nghiệp Đông Nam Á sở hữu khoản đầu tư lớn từ Trung Quốc có thể bị đối xử tương tự như các công ty từ Trung Quốc và phải đối mặt với các hạn chế nhập khẩu. Washington thậm chí có thể hạn chế xuất khẩu công nghệ của Mỹ sang các lĩnh vực và nền kinh tế nhạy cảm này.

Nhiệm kỳ đầu của ông Trump còn được đánh dấu bằng chương trình nghị sự cứng rắn về nhập cư, bao gồm chính sách chia cắt gia đình gây nhiều tranh cãi và lệnh cấm đi lại đối với những người từ một số quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi. Lần này, ông Trump hứa sẽ cải tổ mạnh mẽ hơn chính sách nhập cư, tuyên bố sẽ thực hiện “chiến dịch trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ”.

Tuy nhiên, một phân tích của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ) cho thấy, các cuộc trục xuất hàng loạt nhắm vào lực lượng lao động chủ chốt vốn khó có thể thay thế sẽ làm tăng lạm phát, hạ thấp GDP của Mỹ và giảm việc làm.

Báo cáo lưu ý rằng, nông nghiệp sẽ là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Do công nghệ đóng vai trò trung tâm trong tình hình địa chính trị ngày nay, cách ông Trump tiếp cận nhóm ngành công nghệ trong nội bộ nước Mỹ và từ quan điểm an ninh quốc gia sẽ có tác động lan tỏa lớn trên toàn cầu.

Phần lớn Thung lũng Silicon đã nhiệt tình ủng hộ chiến dịch của ông. Về việc kiềm chế sự trỗi dậy về công nghệ của Trung Quốc và đưa ngành sản xuất công nghệ trở lại Mỹ, ông Trump có thể sẽ tiếp tục những gì ông đã bắt đầu, được duy trì và nâng cao dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Nhiệm kỳ thứ hai này cũng mang đến những thách thức mới cho ông Trump, đặc biệt là 2 cuộc chiến ở Trung Đông và Ukraine mà Mỹ đang tham gia sâu rộng. Ông Trump hứa sẽ chấm dứt chiến tranh ở Ukraine trước khi nhậm chức, nhưng ông vẫn chưa đưa ra bất kỳ kế hoạch chi tiết nào. Tương tự, cũng chưa thể biết kế hoạch của ông nhằm mang lại hòa bình cho Trung Đông sẽ được thực hiện ra sao.

Tấn Vĩ (theo Foreign Policy, The Diplomat, CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI