Đồng nghiệp chưa bao giờ nghe Tuấn tâm sự chuyện riêng. Nên khi Tuấn nhờ tư vấn “một món quà lãng mạn, phù hợp cho một dịp bất ngờ”, chị em cùng phòng phát hoảng. Nghi án Tuấn có bồ râm ran, Tuấn đành thú nhận: “Đâu có, mình tặng vợ, để cổ bớt than vãn ông chồng vô tâm”.
Ở nhà, Tuấn thấy mình như… gặp hạn. Chuyện vợ chồng bao năm êm ả, bỗng gần đây, vợ bắt đầu khổ sở vì anh vô tâm, thiếu lãng mạn, không gắn kết.
Cả thế giới biết anh ít nói nhưng yêu vợ. Vợ anh cũng thuộc típ phụ nữ thích chân tình, hiệu quả. Vợ chồng từng cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn, chị biết anh yêu vợ qua từng lần kề vai sát cánh.
Khi người ta khoe chồng lãng mạn, chị lập tức khoe chồng biết lo, biết phấn đấu, biết vun vén cho vợ con. Nhưng từ khi lọt vào một nhóm phụ nữ chuyên bàn cẩm nang giữ chồng, chị đâm… thay đổi.
|
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK |
Chị chợt “ngộ” ra mình chưa từng uống vang dưới ánh đèn vàng. Chị hốt hoảng thấy vợ chồng chưa từng rủ nhau ra khách sạn, chưa từng có nhu cầu “đổi không khí”. Chị hoang mang khi anh chưa từng nhắn tin giữa giờ để tán tỉnh, mồi chài, hay… hâm nóng tình yêu.
Thế là về nhà chị rủ: “Anh có muốn uống vang không”. Anh hơi bất ngờ nhưng vẫn gật. Chị phân công anh lấy rượu. Anh chạy đi lấy hai cái ly và thùng rượu ra để sẵn trên bàn.
Chị nhìn chồng trân trối, hỏi: “Vậy thôi à”. Anh tỉnh rụi: “Để sẵn lát nhắm tí khi ăn cơm”. Chị thất vọng tràn trề, vì theo “dự báo trên… Facebook”, đó là biểu hiện của một người đàn ông thiếu sáng tạo trong tương tác vợ chồng, là triệu chứng của bi kịch hôn nhân.
Những kịch bản của chị liên tục thất bại. Có lần, chị gửi đến chồng đường dẫn cửa hàng mấy món đồ lót hàng hiệu. Chuyện này xưa nay hiếm vì chị vốn tự sắm sửa mọi thứ trong nhà.
Biết vợ đang muốn chồng quan tâm, Tuấn nhanh trí nhìn giá rồi chuyển khoản cho vợ… một số tiền gấp đôi, cẩn thận ghi nội dung “yêu vợ”. Chị thảng thốt nhắn lại: “Tôi cần cảm xúc, không cần tiền!”.
Nhưng nỗi khốn khổ đâu của riêng các anh chồng trẻ. Ông Thục, gần 70 tuổi đời vẫn có lúc khốn khổ với “ông chồng trên Phây” của vợ.
Một ngày, Bà Minh nghiêm túc đòi xây nhà để vợ chồng ra riêng. Ông bất ngờ quá. Nhà này ông ở từ khi mới lọt lòng, từ khi có bà về, vợ chồng cày cục kiếm tiền để cơi nới vườn tược.
Thằng lớn cũng cưới vợ rồi sinh hai đứa nhỏ tại đây. Nó chưa một lần đòi ra riêng. Kể cả khi ba mẹ gợi ý và cho thêm tiền mua đất, vợ chồng nó vẫn kiên quyết ở gần ba mẹ. Vậy giờ mình lấy cớ gì để ra riêng?
Bà nói, ông đừng vì chút phiền phức mà phải chịu cảnh kém văn minh. Trên Facebook người ta nói, bố mẹ văn minh là không phiền con cái. Không ai hiểu biết mà lại ở với con.
Đã vậy, đối thoại vợ chồng cũng không còn dễ như xưa. Bởi hễ muốn nói gì, bà Minh lại… lên Facebook chia sẻ một câu triết lý.
Ban đầu ông nghĩ vợ mê chữ nghĩa nên muốn “làm màu”. Thôi kệ, đó cũng là niềm vui riêng. Nhưng mãi sau, khi vô tình coi phần bình luận, ông tá hỏa thấy bà trút một bồ “bi kịch hôn nhân” với từng đứa cháu quan tâm vào còm.
Coi xong, ông gọi vợ lại, có ý trách vợ “vòng vèo”, không chịu nói trực tiếp. Bà nói, già rồi, phải tranh thủ học mà nói chuyện cho tinh tế, chẳng nhẽ cả đời ăn nói bỗ bã, thẳng như ruột ngựa? Rồi chừng như không kìm được nữa, bà hết vòng vèo.
Với điệu bộ như mấy chục năm nay, bà kể, khó khăn lắm mới… dụ được chồng “lên Phây”, nhưng lên rồi ông chỉ quan tâm mấy nhóm chơi cây cảnh, làm vườn.
|
Ảnh minh họa |
Trong khi, thế giới ngoài kia người ta già rồi mà vẫn thời trang, vẫn cắp tay nhau ra bờ hồ thể dục, “dô-ga”, “e-rô-bít” rộn ràng, vẫn kết bạn khắp thế giới. Ai đâu hơn chục năm trời vẫn tập một bài dưỡng sinh, sáng nào cũng đòi hít thở không khí trong cái vườn toàn cây cảnh.
Mà thất vọng nhất, là ông chẳng học được tí văn minh nào trên “Phây”. Càng lên “Phây”, ông càng tốn thêm thời gian cho mấy cái đã biết (là cây cảnh, vườn tược), không thèm coi người văn minh họ đang nói gì, đang sống thế nào.
Lâu quá mới thấy lại điệu bộ thật thà của bà vợ 40 năm, ông Thục mừng quá, bật cười thành tiếng.
Ông nói: “Có chứ, anh xem hết. Tụi nhỏ nói gì anh chẳng biết. Giờ anh còn đang thầm cảm ơn tụi nó đây này! Cảm ơn, vì tụi nó đã trả đĩa bay cho bà Minh về với ông Thục. Lâu quá mới được nói chuyện với vợ. Hổm rày sống với bà vợ Phây mà rầu!”.
Bà Minh tròn mắt nhìn chồng, rồi cũng không nhịn được cười.
Quả thực, lãng mạn, đổi mới, hâm nóng tình cảm, tất cả đều tốt. Nhưng mỗi nhà mỗi cảnh. Nếu là vợ ông Minh, anh Tuấn, mà lại sống với ông chồng trên Phây, thì đúng là… bi kịch.
Phù Dung