Quá đề cao lý thuyết, sách vở
Ngày mới về nhà chồng, tôi phát hiện vợ có cái tật để đồ đạc bừa bộn. Trong bếp, nếu như mẹ chồng hay em chồng có thói quen nấu xong món nào là rửa ngay nồi niêu xoong chảo, dao thớt liên quan món đó, thì vợ tôi lại bày ra một bãi chiến trường.
Bữa ăn gồm vài món canh, mặn, chiên, xào, mà cô ấy huy động gần như hết kệ chén. Khi nêm nếm thì mỗi món lại dùng 1 đôi đũa, để bừa chỗ này chỗ kia, khi nấu món khác không tìm thấy nên cô ấy lại lấy đôi đũa khác. Mẹ tôi góp ý gần xa mà xem ra không ăn thua khi cô dâu mới cứ hồn nhiên: “Rửa lắt nhắt mất công mẹ ơi. Đằng nào thì con cũng là người rửa chén, dọn dẹp sau khi ăn mà…”.
|
Ảnh - Shutterstock |
Thấy mẹ nhăn mặt không hài lòng, tôi lập tức lên mạng tìm bài viết dạy cách nấu nướng khoa học, gọn gàng và chuyển cái link bài ấy vào Messenger cho vợ. Trong bụng, tôi còn hí hửng cho rằng mình là một anh chồng nhanh trí. Tôi không cần nói gì nhiều, trong bài có đầy đủ ý kiến chuyên gia - cô ấy cũng là người có học, đọc là sẽ hiểu. Không ngờ, khi vừa cầm đến điện thoại, vợ tôi mặt mũi hầm hầm, chiến tranh lạnh với tôi suốt 1 ngày.
Nghĩ rằng bài viết chưa đủ ép phê, tôi quay sang tìm thêm clip trên YouTube với cùng chủ đề rồi tiếp tục gửi link cho vợ. Chưa hết, tôi còn chạy xe ra nhà sách, vác về mấy cuốn sách dạy kỹ năng, kiểu như bí quyết làm vợ hiền, bí quyết giữ lửa hôn nhân, kỹ năng nấu nướng cho nàng dâu mới…
Nhìn chồng sách tôi tặng, vợ không nói tiếng nào, đêm nằm quay mặt vào tường, rấm rứt khóc. Tôi bật đèn, xoay người cô ấy lại, bực mình hỏi: “Em làm sao vậy, cả ngày kiếm chuyện gây sự với anh? Anh gửi tin không thèm trả lời, tặng sách cũng không thèm nhận là lý do gì?”.
Lúc này, cô ấy mới òa khóc: “Anh làm em thấy tổn thương. Nếu em có gì chưa phải thì anh nói thẳng, chứ sao lại gửi link này nọ? Anh mua sách bí quyết vợ hiền, chắc anh nghĩ em chưa phải vợ hiền phải không? Anh mua sách dạy nấu nướng bộ nghĩ em không biết làm bếp? Trong khi những ngày qua em thấy mình đã cố gắng hết sức rồi…”.
Nghe vợ nói, tôi đứng hình. Trời đất, tôi chỉ nghĩ mấy ông viết sách, viết báo, bằng cấp thạc sĩ, tiến sĩ chắc phải giỏi hơn tôi, nhờ họ “dạy vợ” giùm tôi chắc phải hiệu quả hơn chứ ai ngờ!
Muốn góp ý, đừng... sồn sồn
Bẵng đi mấy năm, khi chúng tôi có con đầu lòng thì bệnh “ham gửi link” của tôi tái phát, lần này vợ chồng cãi nhau to. Mới có con, vợ chồng đều bỡ ngỡ. Tôi đi làm ăn xa, cuối tuần mới về 1 lần, chuyện chăm sóc con nhỏ do vợ tôi đảm nhiệm. Tôi thấy ngoài việc gửi tiền về, mình cần phải tham gia phụ vợ chăm con từ xa.
Thế là tôi lên mạng, tìm đọc rất nhiều thông tin liên quan dịch bệnh, học hành, các bài viết kinh nghiệm nuôi dạy con… và chuyển link cho vợ. Ngày nào tôi cũng hăng hái gửi cả chục bài viết. Ban đầu, vợ tôi còn nhắn lại, sau thì chỉ thấy thả tim, bấm nút like. Về sau nữa thì chẳng thấy cô ấy phản hồi gì.
Vợ tôi nóng tính nên đôi khi gặp khó khăn trong việc dạy con. Đỉnh điểm, có lần vợ nhắn tin kể chuyện con bé bắt đầu biết nói dối, hỗn hào với ông ngoại. Tôi lập tức gửi ngay bài viết có nội dung “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” - ông chuyên gia trong bài phân tích rằng đứa trẻ là tấm gương phản chiếu hành vi của cha mẹ, rằng nếu con hư thì cha mẹ phải nhìn lại mình trước khi trách mắng con…
Vừa gửi link xong tầm 5 phút, tôi nhận cuộc điện thoại của vợ: “Em chịu hết nổi rồi. Anh thấy em tệ quá, không xứng đáng làm vợ anh, làm mẹ con anh thì chúng ta chia tay. Em không phải là thánh nhân để làm tốt hết mọi thứ như mấy bài báo, mấy cuốn sách anh gửi. Em kể chuyện nhà, chuyện con cái đơn giản để anh chia sẻ với em. Còn làm như thế nào, tự em sẽ nghĩ ra cách. Em đâu cần anh mượn miệng ông chuyên gia này, bà thạc sĩ khác mà dạy đời em. Anh có biết mỗi lần nhận link anh gửi, em càng mất tự tin, cảm thấy mình không còn giá trị gì hay không?”.
Nghe vợ nói mà tôi điếng hồn. Hóa ra cái cách “dạy vợ” kém tế nhị của tôi đã khiến vợ dị ứng, dồn nén rồi bùng nổ.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Những ngày sau đó, bình tâm suy nghĩ lại, tôi đã rút ra kinh nghiệm. Muốn góp ý với vợ thì không thể sồn sồn ngay lúc vợ căng thẳng, mệt mỏi, hoặc bận rộn. Thay vào đó, phải chọn lúc cả hai thoải mái để dễ dàng trò chuyện. Nơi góp ý phải là chỗ riêng tư, không nên nói ào ào khi có cha mẹ 2 bên hay anh chị em chồng. Trước khi nói về điều chưa ổn, tôi tìm cách khen vợ, thể hiện rằng tôi rất trân trọng sự quan tâm, chăm sóc của em cho gia đình. Tôi không dùng những câu từ kiểu phán xét, quy tội cho vợ mà chỉ nhấn vào những mong muốn của bản thân như: “Anh đi làm xa, anh chỉ mong mẹ con ở nhà vui khỏe, thân thiết với nhau. Với anh, chuyện đó còn quan trọng hơn kiếm được nhiều tiền…”.
Và một bí quyết nữa khiến tôi sau này hóa giải hầu hết những cơn giận của vợ là lắng nghe điều cô ấy nói một cách chân thành. Bởi bạn đừng nghĩ mỗi khi phụ nữ than vãn với bạn là để chờ nghe giải pháp, bởi chính họ đã có giải pháp cho mình rồi. Điều họ cần ở bạn là sự lắng nghe, chia sẻ, động viên mà thôi.
Hãy cho đối phương biết rằng bạn tin tưởng vào họ và nếu mong muốn họ thay đổi, hãy nói trên góc độ vì lợi ích của cả hai, cũng như của gia đình. Yêu thương và quan tâm sẽ giúp đối phương cảm thấy được trân trọng, từ đó sẽ dễ tiếp thu góp ý hơn.
Thanh Trung