Ông chồng nghiện… sạch

29/12/2022 - 06:17

PNO - Ban đầu tôi cực kỳ hạnh phúc và biết ơn chồng, nhưng rồi tôi đã thấm đòn.

Chồng tôi dành rất nhiều thời gian hí hoáy trong căn bếp nhỏ. Rửa chén, vứt rác, rồi dọn dẹp tủ lạnh… anh làm hết. Nếu tôi muốn giúp đỡ, anh sẽ hoảng hốt xua tay. Anh thích bếp gọn gàng ngay ngắn, sạch bong từng ngóc ngách. Anh luôn tan làm đúng giờ, về tắm rửa rồi đứng trong bếp nói vọng ra: “Vợ nghỉ ngơi đi, để anh nấu bữa tối cho!”.

Ban đầu tôi cực kỳ hạnh phúc và biết ơn chồng. Vừa đi làm về mà loay hoay chuẩn bị cơm cho vợ, tôi nghĩ chỉ có tình yêu mới có sức mạnh như vậy.

Nhưng số lượng món ăn của chồng tôi chưa đủ các đầu ngón tay, nên chúng tôi luôn phải ăn mãi một vài món. Tôi khắc phục bằng cách tranh thủ nấu bữa tối trong lúc con đang ngủ, nhưng khi ngồi vào bàn ăn, anh dường như không vui. Tôi hỏi anh ăn có được không, anh khó chịu đáp: “Ngon mà, chỉ là…

Anh sợ em nấu ăn thì đồ bếp sẽ không đúng vị trí như anh sắp xếp nữa. Như vậy lần tới anh nấu sẽ không tìm ra”.

Ảnh mang tính minh họa - PressFoto
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto

 

Chồng luôn dặn tôi không được thay đổi cách sắp xếp đồ trong tủ lạnh. Một buổi tối, khi tôi đang rửa chén, anh hỏi: “Em mới mua muối à?”. Tôi đáp: “Dạ. Sao vậy anh?”. “À không, anh chỉ tò mò thôi” - anh nói.

Chồng tôi im lặng thay đồ rồi đi ra ngoài. Một lúc sau, anh trở về trên tay có một bịch muối khác với loại tôi đã mua. Càng ngày, những việc tương tự càng xảy ra nhiều hơn: “Vợ ơi, đáng lẽ em phải mua đường của hiệu X. chứ”, “Anh đã nói là đừng mua cá ngừ hộp của hãng Y. mà?”, “Sao cái xẻng chiên lại treo bên trái? Bên trái là chỗ treo đồ gắp”, “Đĩa để ở đây, chén để ở kia. Em cứ thay đổi vị trí hoài”…

Một ngày tôi phải nghe anh cằn nhằn tới 5-6 lần, mà không chỉ cằn nhằn chuyện trong bếp. Dù anh luôn cằn nhằn rất… nhẹ nhàng, nhưng tôi không chịu nổi. Con càng lớn, xung đột vợ chồng cũng lớn theo, vì tôi phải ở trong bếp nhiều hơn để làm đồ ăn cho bé. Lọ muối, hũ đường rất hiếm khi tôi để đúng vị trí anh quy định, đôi khi còn quên đóng nắp.

Tôi biết những thứ như vỏ khoai tây chưa kịp dọn hay dăm ba hột cơm dính trên bàn ăn khiến chồng khó chịu. Trong khay chén bát được sắp xếp ngăn nắp vẫn có những chiếc lớn nhỏ đầy màu sắc của con mà dù tôi có sắp xếp cẩn thận thế nào vẫn không thể gọn gàng như ý của anh. Con hay quấy khóc nên mỗi lần đút cơm, sẽ rơi vãi thức ăn ra bàn hay trên sàn nhà. 

Tôi phải vật lộn nuôi dạy con, còn anh thì vật lộn trước sự lớn lên của con. Khi con bắt đầu biết bò, cũng là lúc anh cằn nhằn nhiều hơn. Khi tay chân đã cứng cáp, con thường cầm bình sữa lạch bạch từ phòng này sang phòng kia khiến sữa văng khắp nơi. Ban đầu chồng chỉ cằn nhằn nhẹ nhàng, nhưng có lúc anh không chịu được. Tôi biết những tiếng khó chịu đó không chỉ hướng về con mà còn hướng về tôi. Tôi đành im lặng dọn dẹp những mớ hỗn độn con gây ra. 

Khi con biết đi, giới hạn chịu đựng của chồng cũng lên đến đỉnh điểm. Không biết từ khi nào mà anh rất hay hét vào mặt con. Con khóc, tôi phải dỗ dành, còn anh thì miệng la hét, tay dọn dẹp. Căng thẳng lặp đi lặp lại khiến ai cũng mệt mỏi. 

Anh muốn con ngồi yên một chỗ và anh cũng muốn tôi như thế. Người lớn bắt ngồi yên đã khó, huống hồ một đứa trẻ đầy hiếu động. Tôi để con chơi thỏa thích khi anh đi làm, và cố gắng dọn dẹp cho ngôi nhà trở về trạng thái gọn gàng trước khi anh trở về. Ấy thế mà anh vẫn không hài lòng. Tôi dọn dẹp anh cũng không thích, tôi nấu ăn anh không ưng ý, tôi ra ngoài gặp bạn thì anh mặt nặng mày nhẹ… 

Khi tôi kể rằng chồng không muốn tôi đứng bếp, ai nghe cũng ganh tị, bảo rằng tôi có số hưởng. Ban đầu tôi cũng hạnh phúc khi nghĩ rằng mình có ông chồng chu đáo tình cảm, đảm đang. Nhưng sống chung dưới một mái nhà mà luôn phải trong tâm thế để mắt đến người kia khiến tôi cảm thấy cực kỳ mệt mỏi. 

Việc nuôi dạy con không dễ dàng gì, với cả tôi và anh. Tôi hiểu sự vất vả của anh, nhưng đó là trách nhiệm của một người cha. Làm sao có thể bắt một đứa trẻ nhỏ xíu hiểu tâm lý của một người cha hơn 30 tuổi? 

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

 

Tôi chưa nghĩ đến ly hôn khi con còn quá nhỏ. Lý do để ra tòa chia tay cũng không to tát, có khi người ta lại cười tôi “sướng quá hóa rồ”. Tôi đã thử nói chuyện với anh nhiều lần, nhưng có lẽ anh không biết đã làm tôi mệt mỏi như thế nào, nên chẳng có ý định thay đổi. Vì thế, tôi sẽ phải tiếp tục bày tỏ cảm xúc của mình. Tôi muốn anh biết một điều quan trọng: trở thành cha mẹ đồng nghĩa với việc phải sẵn lòng bỏ bớt những thói quen cũ.

Chấp nhận nhau và thay đổi vì nhau, đó mới là gia đình. 

Thủy Tiên

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI