Ông chồng hay lo

22/01/2022 - 05:48

PNO - Thử thách là để ta vượt qua, để hoàn thiện mình và để… tận hưởng những giới hạn mới của mình, chứ thử thách đâu phải để lo.

Một sáng cuối năm, vợ hẹn anh cùng đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khám trẻ chậm nói. Anh đang ngần ngừ thì vợ chốt: “Đi khám con nhưng là để cho anh đó!”.

Anh cười xòa. Mới hôm qua, lúc hai vợ chồng ăn sáng, nhìn con đang chơi dưới sàn, anh buột miệng nói: “Sao Bí nhà mình chậm nói, không giống con người ta…”. Anh nói vu vơ nhưng vợ anh biết tỏng “tảng băng lo âu” chìm dưới câu nói đó.

Chuyện thăm khám nhẹ nhàng. Bác sĩ nhận định con có chậm nói nhưng mọi phản ứng khác đều tốt nên không đáng lo ngại. Anh đang thấy nhẹ nhõm lạ kỳ thì nghe vợ nói: “Bác H. thì giỏi khám trẻ chuyên biệt nhưng em mới là siêu bác sĩ với trẻ hay lo đó nha!”.

Anh lại phì cười. “Đứa trẻ hay lo” ấy chính là anh và thái độ hợm hĩnh của vợ anh sao mà quen thuộc. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Cách đây 5 năm, anh trở về sau một đêm trắng chăm cha ở bệnh viện. Chuyện cha bệnh nặng và phải điều trị trường kỳ đã được gia đình chấp nhận từ lâu. Thế nhưng, hôm ấy lòng anh nặng trĩu vì chứng kiến ba khổ sở với dịch vụ hạn chế ở bệnh viện. Nhìn anh, cô nói:

- Hay mình bán đất để lo cho ba?

Anh từ chối. Đó là miếng đất ba mẹ cho cô từ trước khi lấy chồng. Mà bệnh ba anh không còn hy vọng. Cô lập tức gọi cho mẹ chồng, xin phép được chuyển ba sang một bệnh viện cao cấp để điều trị giảm nhẹ. Thấy anh vẫn còn lăn tăn, cô nói như giận:

- Em cũng là con, em có quyền lo cho ba mà không cần anh đồng ý nên anh đừng suy nghĩ nữa.

Coi như chuyện đã rồi. Cô “phân công” anh lo liệu các thủ tục chuyển viện, còn cô tất tả lo chuyện bán đất. Đất bán khá nhanh do cô chấp nhận giá thấp hơn thị trường. Bằng cách đó, cô có tiền để ba chồng được chăm sóc tốt hơn. Ba anh ra đi vào cuối năm. Anh nắm tay vợ nói lời cảm ơn vì đã giúp anh biết đến cảm giác “đau buồn nhưng thanh thản”. Cô nói: 

- Nếu em không có của hồi môn cũng đâu có gì đáng sợ. Nếu thật sự hết cách, mình sẽ chấp nhận nhưng còn cách mà lại nhìn ba khổ sở cho đến lúc ra đi thì mình sẽ dằn vặt suốt đời. 

Quả thực, ngay từ lúc chuyển viện cho ba, tinh thần anh đã khá hơn. 5 năm qua, anh kinh doanh thành công. Anh dư dả hơn và đã “đền” lại món quà hồi môn vô giá của vợ bằng những tài sản khác.

Bây giờ, khi đã trút đi nỗi lo về cô con gái chậm nói để nhìn những chuyển động đẹp đẽ của thành phố sang xuân, anh chợt sáng ra trước triết lý trị bệnh hay lo của vợ.

Lúc mới cưới, anh còn là nhân viên và phát hiện sếp mình đang vì tiền mà bất chấp lợi ích khách hàng. Lúc đó, mỗi lần nghe điện thoại của khách hàng, anh đều cảm thấy ám ảnh. Sau nhiều ngày chứng kiến chồng căng thẳng, vợ anh nói:

- Nếu bây giờ đi xin việc lại thì anh có sợ không?

- Không, rất nhiều nơi muốn anh về làm, anh cũng đủ sức mở công ty riêng. Chỉ là anh thấy tiếc và buồn vì nơi mình dốc sức từ thuở ra trường giờ không còn “đẹp” như mình nghĩ - anh nói.

- Nỗi buồn thì phải chấp nhận nhưng còn giải pháp? Anh cần phải làm việc cho một nơi mà anh tin tưởng để ít nhất anh cảm thấy thanh thản với từng ngày đi làm của mình chứ!

Anh sáng ra và mạnh dạn bày tỏ quan điểm với lãnh đạo rồi nghỉ việc. Anh khởi nghiệp sau đó. Bây giờ nghĩ lại, những câu hỏi của vợ trong lúc dầu sôi lửa bỏng luôn là “Anh thấy một tình huống xấu nhất nào đó có đáng sợ không?”. Mất việc không đáng sợ. Mất miếng đất hồi môn cũng không đáng sợ. Ngay cả với nỗi lo mới nhất, nếu quả thực con gái Bí của anh là đứa trẻ chuyên biệt, anh cũng không sợ. Vì bệnh tình thì có hướng điều trị. Đáng sợ nhất là nỗi lo âu, dằn vặt mơ hồ không có lối thoát.

Anh miên man nói những điều này với vợ. Cô nói:
- Nếu lo về một điều nào đó, anh chỉ cần đưa điều đó ra ánh sáng để tìm cách giải quyết. Rồi anh sẽ bận bịu với việc giải quyết nó chứ không lo nữa. Còn nếu đó là việc không giải quyết được thì phải học cách chấp nhận, đúng không?

“Giải pháp” của vợ anh luôn thật đơn giản. Lo bệnh tật thì đến gặp bác sĩ. Dằn vặt hay mặc cảm tội lỗi thì… sửa lỗi. Thương xót một ai đó thì làm cho họ những điều tốt đẹp trong khả năng của mình. Còn với những viễn cảnh đau buồn mà mình không có khả năng thay đổi thì phải học cách chấp nhận. Cuộc sống đâu thể suôn sẻ mãi. Thử thách là để ta vượt qua, để hoàn thiện mình và để… tận hưởng những giới hạn mới của mình, chứ thử thách đâu phải để lo. 

Lộc Châu

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI