“Ông chẳng, bà chuộc” vậy mà thương nhau

25/09/2023 - 12:21

PNO - Sau mỗi “trận chiến”, họ lại tìm thấy điểm tương đồng. Mỗi lần “chẳng, chuộc” lại phát hiện ra những phẩm chất tốt của nhau mà thương nhau hơn.

 

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

Đang lúi húi rửa chiếc xe hơi, anh chợt phá lên cười khi nghĩ đến chuyện “ông chẳng, bà chuộc” trong truyện ngụ ngôn xưa. Vợ chồng anh từ ngày cưới nhau tuy luôn đồng thuận, nhưng không tránh khỏi tình huống “ông chẳng, bà chuộc”.

Vừa nãy, chị bảo anh rửa xe nhanh lên, để chở chị đi lắp rèm cửa cho nhà cô hiệu trưởng trường tiểu học. Anh nói, có mấy chục mét vải rèm, chở xe máy đi cho lẹ, bày đặt xe hơi cho tốn xăng.

Chị không chịu, hỏi mua xe làm gì? Với lại, chị cũng muốn khoe với cô giáo rằng nhà mình mới mua được xe hơi, dù là xe cũ. Anh không chịu, vậy là chị tự ái, đi bằng xe máy, ném lại cho chồng câu: “Người đâu mà keo”.

Anh lầm rầm: “Hồi trước thì cô nói tôi hoang phí. Con nhà lính tính nhà quan”. Đó là năm con gái đầu mới 6 tuổi, vợ chồng còn buôn bán nhỏ. Tự dưng anh bỏ ra 10 triệu đồng đi học lái xe. Chị kêu trời, vì đang cần vốn buôn bán. Anh kiên nhẫn phân tích cho vợ, muốn mở rộng buôn bán thì phải có cái xe bán tải nhỏ, phải có bằng lái xe. 2 vợ chồng đi 2 chiếc xe máy, vào sâu trong buôn làng xa xôi, vừa cực vừa nguy hiểm.

Bằng chứng là một lần chị té xe, trầy cả đầu gối. Mất khá lâu chị mới chịu để chồng mua chiếc xe tải nhỏ, đi chở hàng. Mấy năm nay, kinh tế khá giả, anh bàn với vợ thay xe. Chị la: “Xe còn chạy tốt mà thay gì”. Anh nói vừa tìm được chiếc xe Toyota cũ, chạy dầu, kinh tế hơn xe chạy xăng, mà xe Nhật bền, ít phải sửa chữa.

Lại chuyện 3 năm trước, anh gom 300 triệu đồng tiền vốn mua mấy héc-ta cà phê ở xã Krông Nô, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Vợ chồng lại một phen lục đục. Không ngăn được chồng, chị tự ái ôm con về Bắc chơi nửa tháng với bà ngoại, khi trở vào thì anh đã mua xong rẫy cà phê.

Thấy làm cà phê vất vả, ảnh hưởng đến việc buôn bán, năm ngoái anh sang lại cho người khác được 1 tỉ đồng, về cất lại cái nhà và tiệm bán đồ gia dụng. Phụ nữ cũng dễ thuyết phục, cứ có lợi về kinh tế là chị em vui vẻ ngay.

Chỉ có việc cho con đi học là anh chịu thua vợ. Con gái đến tuổi vô trường mầm non. Anh tính gửi con ở gần nhà, cho con đỡ mưa nắng vất vả. Chị không chịu. Tuy học ở gần nhà mà mất thời gian đưa đón. Sáng 7g tới trường, trưa 10g đón con, 14g tới trường, 16g đi đón. Ở trường xa, bé học bán trú, lại được ăn trưa, rất thuận tiện, dù tiền học cao hơn một chút.

Việc nuôi dạy con gái cũng mỗi người một quan điểm nên bà ngoại thường nói vui. “Có một mụn con gái, mà khi thì con ba, khi là con mẹ”. Từ khi chị sinh con, niềm hạnh phúc ngập tràn tưởng như không có gì sánh bằng.

Nhưng thời gian không chiều lòng người, khi con gái chị thoắt biết bò, biết đi, rồi chạy nhảy tung tăng sau thôi nôi.

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

Những bộ quần áo cho bé chủ yếu là đồ cũ đi xin về mặc “lấy vía”, dần phải thay đổi, tức là phải sắm đồ mới cho con. “Anh ơi, mình đi sắm đồ mới cho con nhen!”. Vợ chồng hồ hởi chở con đến shop và bỗng dưng mâu thuẫn xảy ra, khi anh muốn mua áo dài cho con, còn vợ thì thích đồ thể thao khỏe mạnh. Anh nhẹ nhàng: “Con gái thì phải dịu dàng, tha thướt, chứ mặc đồ thể thao trông như con trai”. Chị la lên: “Con trai thì sao? Em thích con gái phải mạnh mẽ, nhanh nhẹn. Mai mốt lớn em cho đi học võ nữa”.

Rốt cuộc là mua cho con cả 2 kiểu, của ba và của mẹ. Còn bé con tự chọn cho mình 1 đôi dép có hình con vịt, bước đi kêu chít chít.

Khi con ở nhà với mẹ thì bận đồ ngắn, tóc cột đuôi gà gọn gàng. Bé chạy nhảy một lúc, dơ đồ thì thay cái khác. Những lúc ấy, bé là “con của mẹ”, sẽ được mẹ lôi đi tắm rửa. Còn khi bé ở nhà với ba, bé thường bận áo dài hoặc áo váy sặc sỡ, tóc chải buông sau vai.

Có cô giáo bạn của ba ở Bến Tre gửi cho bé 2 bộ bà ba màu hồng và vàng rất đẹp, ba cho bé diện miết. Chị nhắc cất đồ đi, khi nào đi chơi đâu hãy mặc mà anh không nghe. “Hay là anh nhớ mấy cô Bến Tre nên cho con nhỏ bận bà ba hoài?” - chị nói, vẻ ghen hờn. Anh vội lấy đồ khác thay cho con, song cứ có cơ hội 2 ba con ở nhà với nhau là anh lại thay đồ cho con gái theo ý mình.

Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz

Những áo váy sặc sỡ, áo dài cách tân, áo bà ba được sử dụng tối đa. Vừa rồi anh còn kiếm mua cho con chiếc bóp đeo vai nhỏ, chiếc khăn xếp màu vàng kiểu trang phục cổ. Chị đi làm về, thấy con lòe xòe áo váy ngồi chơi đồ hàng ngoài sân thì la trời, rồi lôi con vào nhà tắm. Con bé la khóc ngằn ngặt vì đang chơi vui mà bị phá ngang. Anh bực bội, to tiếng với vợ. Thành ra vợ chồng giận nhau, anh giận bỏ cơm, đi uống cà phê.

Thế nhưng, tối anh về, lại vui vẻ vì vợ nấu cho món chân gà nước mắm - món anh thích. Vợ chồng lai rai uống bia với nhau. Họ đúng là một cặp “ông chẳng, bà chuộc” nhưng lại luôn cần nhau.

Sau mỗi “trận chiến”, họ lại tìm thấy điểm tương đồng. Mỗi lần “chẳng, chuộc” lại phát hiện ra những phẩm chất tốt của nhau mà thương nhau hơn. 

Phương Quý

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI