Chuyên đề Hoạn nạn có nhau

Ông chăm bà - chuyện tình đẹp hơn mọi lời tụng ca

10/07/2021 - 11:35

PNO - Ông cười hiền hậu: "Có tình thương là làm được hết cháu ơi. Bác chăm bác gái là niềm vui của bác, chứ không có cực khổ hay phải chịu đựng như cái nhìn thương cảm của mọi người"

Đang đổ bánh xèo ăn tết Đoan ngọ, vào ngày 14/6/2021, bà Đặng Thị Th., 57 tuổi, ở ấp An Hưng, xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang bất ngờ đánh rớt đồ, miệng méo và yếu nửa người bên trái.

Ông Nguyễn Trong Kh., chồng bà, nghi vợ bị đột quỵ nên nhanh chóng đưa vợ đến Bệnh viện Tim mạch tỉnh An Giang cấp cứu. Bà Th. được chẩn đoán bị tai biến mạch máu não và phải nằm viện theo dõi. Vậy là ông Kh. khăn gói và đem túi thuốc cho mình (ông bị cao huyết áp) để vào bệnh viện chăm vợ - dù con cái giành chăm sóc bà.

Tuy nhiên, ông không đồng ý vì "chỉ có ba mới hiểu được tánh ý mẹ bây". Dù bà Th. vẫn đi được, nhưng bác sĩ dặn hạn chế đi lại nên ông bắt vợ ở yên trên giường và phục vụ từ A-Z. Ông thành đôi tay, chân cho bà, từ đi vệ sinh, ăn uống, đánh răng…

Ảnh minh họa. Ảnh: Hoàng Ngân
Ảnh minh họa. Ảnh: Hoàng Ngân

Sợ ở nhà lo lắng, cách vài tiếng ông cập nhật tình hình sức khỏe của bà vào nhóm chat gia đình. Các con lo cho ông vất vả, nhưng ông đùa: "Nhờ mẹ bây nằm viện nên "hai đứa" mới được ngủ chung giường". Bởi đã 5 năm nay, vợ ông phải chăm cháu ngoại, ngủ cùng cháu nên ông bị cách ly vợ… từ đó. 

Chuyện ông Kh. chăm vợ bệnh là… truyền thống gia đình và đã nổi tiếng khắp xóm.

Cha ông Kh. là thầy giáo Nguyễn Bường A., chăm vợ bị tai biến mạch máu não nằm liệt 12 năm. Trong suốt thời gian đó, ông A. chưa một ngày rời khỏi vợ.

Các con ông đòi thay ông chăm sóc, ông không cho. Con đòi thuê người giúp việc, ông cũng không đồng ý. Ông tự tay tắm rửa, nấu ăn cho bà. Và ông còn học vật lý trị liệu để tập cho vợ, trưa nào ông cũng nằm kế bên đọc sách cho bà nghe. 

Cũng có khi bà giận hờn, mặc cảm bệnh tật tỏ ra khó chịu với ông. Nhưng ông vẫn ân cần, kiên nhẫn.

Người viết từng hỏi ông: "Tuổi già của ông cũng cần nghỉ ngơi. Tại sao ông có thể chịu được ngần ấy năm, trong khi ông thừa điều kiện để thuê người giúp việc?".

Ông cười hiền hậu: "Có tình thương là làm được hết cháu ơi. Bác chăm bác gái là niềm vui của bác, chứ không có cực khổ hay phải chịu đựng như cái nhìn thương cảm của mọi người". 

Với sự chăm sóc, tận tụy, chu đáo và tình yêu thương vô bờ bến của ông, bà sống vui, sống khỏe được 12 năm. Khi bà mất, ông lập nhà mồ cho bà giữa mảnh đất ruộng bao la mà hai vợ chồng tay trắng tạo nên.

Ông cũng dọn từ ngôi nhà sang trọng ở thành phố Long Xuyên, An Giang ra khu mộ sống cùng bà. Con cái can ngăn thế nào cũng không được. Ông trải chiếc nệm mỏng sát bên mộ bà, ăn, ngủ cùng bà và giữ thói quen trò chuyện, đọc sách cho bà nghe mỗi ngày. 

Từ đó, người dân trong xóm gọi ông là "người đàn ông giữ mộ". Ông sống bên cạnh mộ của vợ hơn 10 năm và ông mới qua đời vào năm 2020 ở tuổi 92. Đây là một chuyện tình đẹp hơn mọi lời tụng ca và anh Kh., con ông, thừa hưởng ở cha tấm lòng sắt son với người bạn đời. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI