Ông Biden cảnh báo "hậu quả tàn khốc" việc Tổng thống Trump trì hoãn dự luật cứu trợ đại dịch

27/12/2020 - 08:32

PNO - Hàng triệu người Mỹ sắp phải chứng kiến trợ cấp thất nghiệp của họ hết hạn vào ngày 26/12 (theo giờ địa phương), khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho đến thời điểm này vẫn từ chối ký ban hành luật về gói chi tiêu và hỗ trợ đại dịch trị giá 2,3 nghìn tỷ đô la, với lý do được ông đưa ra là như vậy chưa đủ để trợ giúp cho người Mỹ.

 

Tổng thống Trump vẫn trì hoãn ký dự luật hỗ trợ, ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng triệu người Mỹ thất nghiệp - Ảnh: Getty Images
Tổng thống Trump vẫn trì hoãn ký dự luật hỗ trợ, điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng triệu người Mỹ thất nghiệp - Ảnh: Getty Images

Việc ông Trump trì hoãn ký dự luật hỗ trợ đã bị Tổng thống đắc cử Joe Biden phản ứng gay gắt. Ông Biden tuyên bố: “Việc thoái thác trách nhiệm này đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Dự luật này rất quan trọng (đối với người dân Mỹ) và nó cần được ký ban hành luật ngay bây giờ”.

Tổng thống Trump đã khiến các nghị sĩ Cộng hòa cũng như Dân chủ phải sửng sốt khi trong tuần ông tuyên bố không hài lòng với dự luật khổng lồ - cung cấp 892 tỷ USD cứu trợ hết sức cần thiết đối với các nạn nhân COVID-19 - sẽ hết hạn vào ngày 26/12 (theo giờ địa phương), và 1,4 nghìn tỷ USD cho chi tiêu của chính phủ.

Theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ, nếu không có chữ ký của ông Trump, khoảng 14 triệu người Mỹ có thể mất khoản tiền hỗ trợ bổ sung. Trong khi đó, chính phủ sẽ đóng cửa một phần từ ngày 29/12 nếu Quốc hội không nhất trí với dự luật tài trợ chi tiêu cho chính phủ còn treo trước đó.

Lập luận của Tổng thống Trump khi trì hoãn ký dự luật cứu trợ là “ông phàn nàn dự luật chi quá nhiều tiền cho các khoản hỗ trợ đặc biệt, các dự án văn hóa và viện trợ nước ngoài, trong khi khoản chi 600 USD một lần cho hàng triệu người Mỹ đang gặp khó khăn là quá nhỏ, và ông yêu cầu tăng lên 2.000 USD.

Người Mỹ phải đối mặt với một kỳ nghỉ lễ u ám chưa từng có trong bối cảnh đại dịch đã cướp đi mạng sống của gần 330.000 người, số người chết vì COVID-19 lên đến trên dưới 3.000 người/ngày, cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát ở Mỹ.

Cư dân căn hộ Meridian Heights ở Tây Bắc Washington phản đối việc hủy bỏ quyền thuê nhà do mất việc làm trong đại dịch COVID-19 - Ảnh: Reuters
Cư dân căn hộ Meridian Heights ở Tây Bắc Washington phản đối việc hủy bỏ quyền thuê nhà do mất việc làm trong đại dịch COVID-19 - Ảnh: Reuters

Nhiều nhà kinh tế cũng đồng ý khoản viện trợ của dự luật là “quá thấp”, nhưng họ nói rằng sự hỗ trợ ngay lập tức vẫn được hoan nghênh và cần thiết, vì dự luật được thiết kế để tạo ra “một cái phao cho các doanh nghiệp và những người đang vật lộn với cuộc sống không bị chết chìm”.

Hoàng Diệu (theo Reuters, Bangkok Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI