Đó là ý kiến của “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Sân khấu - Nghệ thuật Thái Dương - người đứng sau hai thương hiệu xã hội hóa (XHH) văn hóa nổi bật của TP.HCM là Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng và Sân khấu Kịch IDECAF - bàn về giải pháp tìm hướng ra cho sân khấu XHH của thành phố.
Phóng viên: Được biết TP.HCM có ý tưởng xây dựng đề án tìm giải pháp khuyến khích các nguồn lực xã hội trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật trên địa bàn thành phố. Thuộc nhóm người tiên phong làm sân khấu XHH ở thành phố, ông đánh giá đề án này như thế nào?
|
"Ông bầu" Huỳnh Anh Tuấn rất tâm huyết với hoạt động sân khấu XHH của thành phố |
Ông Huỳnh Anh Tuấn: Năm 1997, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 90 về “phương hướng và chủ trương XHH các hoạt động giáo dục, y tế và văn hóa”, 23 năm sau vẫn còn bàn mô hình này, đề án nọ, làm XHH như thế nào, thì có phải vô lý không?
* Nhưng có một thực tế là sân khấu TP.HCM, trong đó có bộ phận XHH, cần sự “tiếp sức” của Nhà nước?
- Hơn 20 năm nay, các sân khấu XHH chính là bộ mặt của sân khấu TP.HCM. Thế nhưng từ hơn mười sân khấu kịch hoạt động nhộn nhịp, giờ chỉ còn khoảng ba, bốn, rõ ràng là một bước lùi mà người làm quản lý văn hóa thành phố phải nhìn nhận lại.
XHH không có nghĩa là buông bỏ vai trò của Nhà nước, để cho tư nhân tự bơi, mà Nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tư nhân hoạt động.
* Đề xuất cụ thể của ông là gì?
- Thứ nhất, Nhà nước xây dựng các nhà hát hay các trung tâm văn hóa đạt chuẩn và cho các đơn vị XHH thuê lại để làm nghề. Không cần phải quá hiện đại, chỉ cần quy mô vừa phải nhưng khang trang và đủ chuẩn biểu diễn phù hợp với từng loại hình nghệ thuật, từng khu vực.
Các nước khi xây dựng một trung tâm văn hóa sẽ tích hợp cả nhà hát, đều tính toán hết từ sân khấu đạt chuẩn đến vị trí thuận lợi giao thông (khu vực gần bến xe, ga tàu điện ngầm…), an toàn cho khán giả đến xem. Chứ không như ở ta, xây đủ thứ trung tâm văn hóa lớn bé, nhưng không ra hội trường, cũng không phải nhà hát, không khai thác được hết công năng, rất lãng phí.
Thứ hai, Nhà nước xây dựng một quỹ văn hóa có nhiệm vụ hỗ trợ các sản phẩm nghệ thuật chất lượng, giúp lan tỏa đến đông đảo công chúng. Có nhà hát đẹp rồi, nhưng chưa chắc có tác phẩm tốt, vẫn cần sự khuyến khích của Nhà nước. Hình thức hỗ trợ là phần trăm chi phí xây dựng vở, có quy chuẩn rõ ràng, công khai minh bạch do hội đồng tư vấn nghệ thuật uy tín thẩm định và quyết định.
Một hình thức nữa là Nhà nước “đặt hàng” sản phẩm nghệ thuật và các đơn vị nghệ thuật “đấu giá” thực hiện. Như thành phố muốn làm một vở diễn về một đề tài cụ thể, thì hãy để các đơn vị mạnh dạn cạnh tranh, ai đưa ra “hồ sơ” thuyết phục nhất sẽ được “chọn mặt gửi vàng”.
|
Nhiều năm qua, sân khấu xã hội hóa luôn làm tốt việc đưa những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao đến công chúng |
* Nhưng sản phẩm nghệ thuật chỉ biết được hay, dở khi đã hoàn chỉnh, làm sao đảm bảo việc đặt hàng sẽ thành công?
- Đòi hỏi sự công tâm, minh bạch và có chuyên môn từ phía có thẩm quyền. Có thể ràng buộc là nếu làm dở sẽ bị phạt, nếu đạt chất lượng thì được thưởng thêm chẳng hạn! Hiện vẫn có những tác phẩm được “đặt hàng”, nhưng lại rất cảm tính vì quan hệ cá nhân, thậm chí đôi khi chỉ vì thấy… tiện lợi. Chúng tôi cần được cạnh tranh công bằng vì đây là tiền thuế, có phần đóng góp của những người làm sân khấu XHH. Ví dụ, IDECAF làm kịch thiếu nhi, thì Nhà nước cũng đầu tư cho các đơn vị công lập của mình làm chương trình thiếu nhi phục vụ miễn phí, thì chúng tôi làm sao bán vé? Thế có công bằng với sân khấu XHH không?
Nếu đã “đặt hàng”, tại sao không chọn đơn vị XHH chúng tôi? Trong khi chúng tôi dư sức làm hay hơn, hiệu quả lan tỏa tốt hơn? Đó là sự thật của sân khấu TP.HCM hơn 15 năm qua mà các vị quản lý Nhà nước phải thấy, cần nhìn thẳng vào vấn đề mà thay đổi tư duy, để vực dậy thế mạnh của sân khấu TP.HCM chính là sự năng động của sân khấu XHH.
* Theo ông, phải gỡ sự vướng mắc về mặt tư duy này trong công tác quản lý văn hóa ở thành phố hiện nay như thế nào?
- Là vướng mắc ở thói quen được bao cấp, sợ thay đổi; vướng mắc ở quan điểm sân khấu thị trường không thể phục vụ chính trị; ở quan điểm chỉ có đơn vị nghệ thuật công lập mới làm nhiệm vụ phục vụ đại chúng, đến với khán giả vùng sâu vùng xa. Điều đó rất sai lầm khi làm văn hóa cũng chính là làm chính trị, quan trọng tác phẩm đó truyền tải thông điệp như thế nào và bây giờ còn có quần chúng nhân dân nào đến xem diễn phục vụ sao?
|
Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng là thương hiệu sân khấu du lịch nổi bật của thành phố. |
Hàng loạt chủ trương xóa bao cấp, đưa quyền tự chủ cho các đơn vị nghệ thuật công lập, như: Nghị định số 16 của Chính phủ về “quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập” (2015), Nghị quyết số 19-NQ/TW về “tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” (2017), hay “Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2021, định hướng đến năm 2030” vừa được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 4/2020.
Đã có chủ trương, chính sách hợp lý thì cứ tiến hành thôi! Dù bị “dứt sữa”, nhưng các đơn vị công lập vẫn còn lợi thế cạnh tranh từ cơ sở vật chất, tổ chức biểu diễn đầy đủ… Nếu vẫn ì ạch, không hoạt động hiệu quả thì đúng là phải xem lại. Hãy tập trung nguồn lực cho việc khuyến khích hoạt động XHH!
* Cảm ơn ông!
Đông A (thực hiện)