Ông bà ta mặc đẹp như thế nào?

25/07/2018 - 16:48

PNO - Nếu không nghiên cứu, tìm hiểu, có lẽ chúng ta sẽ không thể ngờ được người Việt thuở xưa mặc đẹp đến thế nào - đẹp đủ để chúng ta tự hào về một thời xiêm áo Việt.

“Nguyên phong” là phỏng dựng lại những giá trị văn hóa xưa, nỗ lực truyền tải chúng vẹn nguyên nhất; “đoạn lĩnh” là tên hai chất liệu vải của người Việt trước đây, có số lượng sợi dọc được dệt dày hơn lụa và đòi hỏi kỹ thuật hồ sợi rất cao (để vải dày mà vẫn nhẹ, mượt). Tương tự như gấm, vóc, the, sa, xuyến… đoạn và lĩnh chỉ được dùng để may quần áo cho tầng lớp trung lưu, thượng lưu quý tộc.

Đây cũng chính là tên của nhóm bạn trẻ gồm 5 thành viên, chung khát khao phỏng dựng lại trang phục cung đình của triều Nguyễn, hình thành vào tháng 3/2017.

Ong ba ta mac dep nhu the nao?
 

Nâng niu từng nếp áo

Các thành viên của Nguyên phong đoạn lĩnh đều chưa qua tuổi 30. Trước khi gặp nhau, họ từng là thành viên của một vài nhóm cổ phong khác. Chính những đường nét, hoa văn trên phục trang của những ông hoàng, bà chúa triều Nguyễn đã níu họ đến gần nhau.

Như tên gọi, nhóm xác định chỉ phỏng dựng chứ không phục dựng, bởi nếu bắt buộc sử dụng đúng 100% chất liệu vải hiếm thời xưa, thêm công đoạn may, thêu thủ công, sẽ tốn rất nhiều tiền. Việc phục dựng một chiếc áo tốn từ một đến vài tỷ đồng là bình thường và là điều bất khả với một nhóm trẻ. Giải pháp được nhóm lựa chọn là tìm chất liệu không quá khác biệt, đồng thời ứng dụng công nghệ vào kỹ thuật thêu.

Trong quá trình tìm kiếm tư liệu, hình ảnh, Nguyên phong đoạn lĩnh được sự giúp sức của các nghệ nhân Vũ Văn Giỏi, Vũ Kim Lộc... Đến nay, nhóm đã phỏng dựng thành công 30 bộ trang phục của giới trung lưu, quan lại, phụ nữ hoàng gia xưa. Được chú ý nhiều nhất là chiếc áo Đoàn Loan Nhật Bình của công chúa Mỹ Lương (con gái vua Dục Đức, chị gái vua Thành Thái) với hoa văn hoa lá, chim loan chăm chút tỉ mỉ.

Đi kèm trang phục còn có các phụ kiện như khăn vành, mũ, hài, thẻ bài, ngọc bội… tạo thành một tổng thể gần chính xác chân dung giai tầng sử dụng trang phục cũng như văn hóa đặc trưng của thời đại, phản ánh vị thế xã hội của người mặc, những quy chuẩn trong xã hội mà họ đang sống.

Mỗi chiếc áo như vậy cần khoảng 2 tháng, từ thu thập, nghiên cứu tài liệu, đến chọn lựa, đặt mua chất liệu, đặt cắt may, sau đó chỉnh sửa, đính kết, hoàn thiện sản phẩm và tìm người mẫu, chụp ảnh. Công đoạn nào cũng đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, bởi chỉ cần kém tập trung một chút, chi tiết, hoa văn sẽ sai, vải sẽ đùn, bộc lộ sự kém tinh tế trong trang phục.

Khát khao còn xa

Tương tự nhiều nhóm trẻ quan tâm đến văn hóa, lịch sử và luôn đặt câu hỏi về bản sắc dân tộc, rồi bắt tay nhau làm việc với tâm thế hồn nhiên, không màng danh tiếng, cũng chẳng toan tính được mất, Nguyên phong đoạn lĩnh chắt chiu tiền túi, tìm tư liệu, nhờ sự hỗ trợ của bạn bè trong và ngoài nước… để thực hiện ước mơ.

Cuối thời nhà Nguyễn đã có máy ảnh nên hình ảnh trang phục những ông hoàng, bà chúa được quan sát trực diện, dễ hình dung. Tuy nhiên, sự mai một theo thời gian và chiến tranh khiến rất nhiều tư liệu thất lạc, thậm chí bị phá hủy. Điều đó càng khiến nhóm quyết tâm.

“Nếu bây giờ không làm, thế hệ tiếp theo sẽ chẳng biết gì về quá khứ của cha ông”. Đó là trăn trở chung của những bạn trẻ đã lao vào con đường chẳng hề dễ dàng này. Để khơi dậy và lan tỏa tình yêu với nếp áo xưa, Nguyên phong đoạn lĩnh lập trang Facebook giới thiệu chi tiết về những chiếc áo được phỏng dựng, từ áo tất, áo dài cho đến trang phục thường triều dành cho quan lại, áo Nhật Bình dành cho mệnh phụ…

Các mẫu áo được mô tả chi tiết, giới thiệu ý nghĩa hoa văn, viền tay, phụ kiện kèm thông tin về những dịp mà áo được dùng để người xem dễ dàng hình dung bối cảnh trang phục xuất hiện. Nhiều cá nhân thấy trang phục của nhóm trên Facebook đã tiếp cận, đặt may. Một chiếc áo dài của Nguyên phong đoạn lĩnh dao động từ 3-4 triệu đồng; cặp áo dài cưới 3 lớp, thêm khăn vấn, giày thêu có giá khoảng 15 triệu đồng.

“Chúng tôi từng nghĩ đến việc sản xuất hàng loạt để giảm giá thành. Thế nhưng, sau khi cân nhắc, chúng tôi đều thống nhất sẽ không vì lợi nhuận mà qua loa, làm giảm giá trị của chiếc áo, đánh mất tôn chỉ ban đầu của nhóm” - trưởng nhóm Trần Quang Minh Tân nói.

Sau khi hoàn thiện 30 bộ trang phục đầu tiên, Nguyên phong đoạn lĩnh mong tiếp tục phỏng dựng trang phục của vua chúa, hoàng hậu, hoàng phi triều Nguyễn, nhưng phải tạm dừng vì không có kinh phí. Nhóm mong mỏi tổ chức được một sự kiện đồng bộ gồm triển lãm, tọa đàm, trình diễn thời trang, ra mắt sách ảnh… nhằm thu hút sự chú ý của công chúng.

Lê Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI