PNO - PN - Chiều muộn, trong ngôi nhà nhỏ ở đường Nguyễn Thiện Thuật (Q.3, TP.HCM), chủ nhà vẫn chưa nổi lửa nấu cơm. Ông lôi mấy cây kiếm gỗ mới ra khoe với bà, bà cũng say sưa bàn luận về chuyện dạy kiếm. Cười xòa với khách, bà...
Ông bà võ sư Nguyễn Thanh Loan - Đặng Văn Phát bàn luận với nhau về kiếm gỗ
DUYÊN VÕ
Bà Thanh Loan hiện là trưởng bộ môn Aikido thuộc Hội Võ thuật người khiếm thị TP.HCM, đồng thời là người phụ nữ Việt Nam thứ hai đạt đến đẳng shodan (tức huyền đai quốc tế Aikikai). Ông Phát thì đã đạt huyền đai ngũ đẳng và hiện là một trong những “cánh chim đầu đàn” trong giới Aikido tại VN. Đến bây giờ, hai ông bà đã cùng nhau trải qua gần như cả cuộc đời trong không khí võ thuật.
Năm tám tuổi, tuy là con gái nhưng bà được cha đưa đi học Judo, Thiếu lâm, hơn 10 tuổi chuyển qua học Taekwondo. Bà bảo, khi đã thành thiếu nữ, bà chuyển qua học Aikido vì “môn này nhẹ nhàng, phù hợp với phụ nữ”. Nhưng kỳ thực, còn một lý do khác để bà ở lại với Aikido đến tận bây giờ, vì đã trót phải lòng người thầy bằng tuổi mình - võ sư Đặng Văn Phát. Bà sớm tiến bộ và nhanh chóng trở thành cặp đôi võ thuật với võ sư Phát.
Đầu thập niên 70 ở thế kỉ trước, hai ông bà đã được nhiều người biết đến khi thường xuyên biểu diễn đôi với nhau trên truyền hình. Đang là những ngôi sao Aikido, năm 1975, ông bà rơi vào cảnh thất nghiệp vì không còn nhiều người quan tâm đến Aikido nữa. Ông đi làm tài xế xe tải để nuôi vợ con. Năm 1979, nhớ nghề, ông bà quyết tâm dựng lại võ đường ở đường Bùi Viện (Q.1), sau đó chuyển qua nhà thi đấu Phú Thọ và năm 1991 chuyển về Trung tâm Thể dục thể thao Q.3.
Bà rưng rưng khi nhắc lại quãng thời gian khó khăn đó: “Cuộc sống gian khổ, ai cũng lo chạy ăn từng bữa thì hơi sức đâu mà quan tâm đến võ. Nhưng vợ chồng tôi quyết chí nuôi lớp, vì biết nếu dừng, sẽ rất khó mở lại. Vợ chồng tôi vốn đã “ăn võ, ngủ võ”, chỉ cần được sống trong không khí võ thuật thì những khó khăn trong cuộc sống đều trở thành vặt vãnh”.
Tính ông đơn giản, không cầu kỳ, màu mè. Bà cũng vậy. Trong ngôi nhà nhỏ, câu chuyện thường trực vẫn là Aikido. Các con của ông bà cũng lớn lên trong không khí đó nên sớm chọn Aikido là “một phần của cuộc sống”. Trong bốn người con, có đến ba người là huấn luyện viên Aikido và một người con rể cũng theo nghiệp này.
CÒN GÌ VUI HƠN!
Bây giờ, các con đã ở riêng, hai ông bà “gân” như trở về thời kỳ son rỗi, nhưng lại chẳng mấy khi gặp nhau vì ai cũng bận. Gặp phóng viên, ông khoe: “Sáng mai tôi đi Cần Thơ sớm. Tôi đang xây dựng lớp học Aikido ở đó, mọi thứ tiến triển sáng sủa lắm”. Nói đoạn, ông quay qua bà, chừng như thông báo: “Mai tôi đi sớm lắm đó, chiều tôi về”. Bà cười: “Thì tôi cũng có ở nhà đâu. Sáng mai tụi nhỏ thi đấu thể thao ngoài Phú Thọ, tối ông về đến nhà, chắc tôi còn ở lớp học”. Dù ở chung nhà nhưng thời gian hai người gặp nhau rất ít là vậy.
Ông tâm tình: “Triết lý của Aikido là “lấy tình thương làm tinh thần, lấy hòa hợp làm phương châm, lấy khí lực làm cơ sở” và với Aikido thì “không có đối thủ, chỉ có đối phương, không được làm tổn thương đối phương”. Từ những cơ sở tốt đẹp đó, tôi mong muốn thật nhiều người Việt đến với môn võ này”. Dù tuổi cao, nhưng ông không quản ngại, xông xáo đi mở lớp, gầy dựng phong trào học Aikido ở Bình Dương, Nha Trang, Cần Thơ, Long Xuyên. Riêng ở TP.HCM, từ chỗ chỉ có vài lớp, thầy Phát là một trong những nhân tố tích cực hàng đầu để gầy dựng được hơn 40 lớp như hiện nay.
Dù đã cao tuổi, võ sư Thanh Loan vẫn đội nắng ra sân với vai trò là huấn luyện viên của đội bóng trẻ chậm phát triển
Trong khi ông tập trung đi mở các lớp mới, bà Loan lại dành thời gian nhiều hơn cho trẻ khiếm thị, khuyết tật, bệnh Down và thiểu năng. Theo chân bà đến Trung tâm TDTT Phú Thọ một lần, mới thấy hết được tinh thần tận tâm đối với trẻ khuyết tật. Bà đã vận động để tổ chức được một hội thao cho trẻ khuyết tật theo cách rất riêng.
Gần 70 tuổi, bà vẫn đội nắng ra sân, cầm tay từng đứa trẻ bị bệnh Down hướng dẫn cách thi đấu môn bi gỗ. Rồi bà lại tất tả chạy qua sân bên cạnh để làm huấn luyện viên bóng đá. Ở đó, mỗi đội có năm cầu thủ thi đấu thì bà “trộn” lẫn ba trẻ thiểu năng với hai trẻ bình thường. Quẹt mồ hôi trên trán, bà lý giải: “Trẻ thiểu năng được đá cùng đội với trẻ bình thường sẽ khiến chúng tự tin hơn vào bản thân”. Chưa dứt lời, đội nhà ghi bàn, bà nhảy cẫng lên sung sướng, chạy ào ra sân chúc mừng.
Tổ chức hội thao cả ngày, tối hôm đó, bà còn đến Trung tâm TDTT Tân Bình để dạy Aikido miễn phí cho trẻ khiếm thị và trẻ Down. Bà chia sẻ: “Trẻ khiếm thị, trẻ bệnh Down có học võ được không? Thường thì ai cũng bảo là “không”, nhưng tôi nói được. Tôi đã tin như vậy và tôi làm được”. Dạy cho trẻ khiếm thị, bà chỉ có thể dùng lời để võ sinh tưởng tượng ra động tác. Tất nhiên, dạy cho người bình thường cực một, thì dạy cho người khiếm thị cực mười. Nhưng với trẻ bị Down thì dạy bằng cách nào khi chúng thậm chí còn không tự xúc muỗng ăn cơm?
Năm 2005, trong một lần đang dạy cho trẻ khiếm thị ở CLB TDTT Hồ Xuân Hương (Q.3, TP.HCM), bà thấy có một người mẹ dắt đứa con bị Down thập thò ngoài cửa. Người mẹ bày tỏ muốn cho con mình học Aikido nhưng biết là không thể. Đêm về, bà mất ngủ, bàn với chồng để lấy thêm tinh thần và quyết định liều một phen. “Tôi tự động viên mình phải dùng võ thuật, dùng tình thương để giúp đỡ, chia sẻ với những gia đình kém may mắn. Cuộc sống thật diệu kỳ, tôi đã có một niềm tin mãnh liệt rằng sẽ giúp được các em tìm lại tinh thần trên một thân thể không bình thường”.
Việc dạy Aikido cho người thiểu năng chưa có tiền lệ. Bà Loan tự soạn giáo án và trong quá trình dạy, mỗi võ sinh có một giáo án riêng. Điều kỳ diệu đã đến, nhiều võ sinh thiểu năng đã biểu diễn được những động tác cơ bản của Aikido, đặc biệt những trẻ này đã bớt hung hăng, không còn tấn công người thân và giao tiếp tốt hơn. Một số võ sư Nhật Bản đến thăm những lớp học đặc biệt này đã ngỡ ngàng thốt lên: cô Loan và thầy Phát đang viết nên chuyện cổ tích cho môn phái Aikido. Sau gần 10 năm đứng lớp, ông bà đã dạy Aikido miễn phí cho gần 200 thanh thiếu niên khuyết tật và trẻ Down. Số học viên đang trụ lại ở các lớp là 70 người, trong đó có khoảng 20 người Down.
Dù vậy, ông bà vẫn kiệm lời khi nói về sự nghiệp 40 năm đứng trên võ đường. Khi được hỏi: “Ở tuổi này, bà thấy niềm vui của mình là gì?”, võ sư Thanh Loan bộc bạch: “Cả hai chúng tôi đều biết quỹ thời gian, quỹ sức khỏe của mình không còn nhiều nên đang tranh thủ tối đa. Mỗi ngày, chúng tôi đến với các trẻ khuyết tật, trẻ thiểu năng, thấy chúng tiến bộ từng chút một, thấy nụ cười và cả những giọt nước mắt hạnh phúc của cha mẹ chúng. Tuổi già mà được như vậy thì còn gì vui hơn!”.
Doanh nhân Ngọc Thị Yến luôn xuất hiện trên thương trường với phong cách uy nghiêm. Nhưng khi ở nhà bà luôn là người vợ, người mẹ, người bà giản dị.