Ông bà chăm cháu, con cái phải trả lương?

17/07/2024 - 06:17

PNO - Tước đi quyền được nghỉ ngơi, thư giãn, ra ngoài gặp gỡ bạn bè, ép buộc cha mẹ phải giữ cháu… chính là những hình thức bạo hành người già.

Thỉnh thoảng, tôi sắp xếp về quê thăm mẹ. Trong những cuộc trò chuyện, bà hay kể cho tôi nghe về người này, người kia, tình hình xóm trên, làng dưới. Lần này, mẹ kể về trường hợp của bà Tơ.

Bà Tơ năm nay gần 70 tuổi, nhà ở xóm dưới. Chồng bà đã mất, bà ở chung với gia đình con trai út. Con trai đầu cũng đã lấy vợ, dựng nhà ra riêng cách nhà mẹ vài con ngõ. 2 bé của người con trai út năm nay một đứa vừa lên lớp 1, đứa còn lại chưa đầy một tuổi ở nhà bà nội trông giữ vì cha mẹ chúng bận đi làm.

Trông trẻ là một việc làm cần rất nhiều nhẹ nhàng, kiên nhẫn
Trông trẻ là một việc làm cần rất nhiều nhẹ nhàng, kiên nhẫn ( Ảnh minh họa)

Theo lời mẹ tôi, mấy năm nay, Bà Tơ gầy xọm và già đi nhanh chóng. Tóc tai xơ xác, thần thái mệt mỏi, áo quần thì nhàu nhĩ vì phải bồng bế, chăm bẵm cháu suốt ngày. Đã thế, con trai và con dâu của bà Tơ rất cầu toàn, khó tính. 2 người thường xuyên mặt nặng mày nhẹ, chê trách bà chăm cháu không kỹ, sao không cho ăn kiểu này, tắm rửa kiểu kia.

Tính bà Tơ hiền lành, không thích hơn thua, nên hết lần này đến lần khác bà đều nín nhịn, cho qua.

Dạo gần đây, bà Tơ than với mẹ tôi: “Người ta nói, tuổi già có con có cháu, gia đình đông đủ là vui vẻ, hạnh phúc nhưng sao chị thấy mình khổ quá. Chị như bị giam lỏng về cả tinh thần và thể xác. Mỗi ngày ngoài đống công việc bộn bề, bữa ăn không yên, buồn ngủ không được ngủ, chị còn phập phồng lo lắng vì không biết con dâu, con trai cuối chiều đi làm về sẽ chê trách mình thêm điều gì”.

Tôi nghe chuyện, lộ vẻ bực mình: “Sao bà ấy dại thế, không biết đường mà nói với con trai, con dâu về tuổi già, sức khỏe, về những điều mình cảm thấy. Cha mẹ có trách nhiệm nuôi con khi con còn nhỏ. Riêng với cháu, nếu thương thì chơi cùng, phụ hỗ trợ lúc ba mẹ nó ngặt công việc, thời gian, chứ trách nhiệm nuôi dạy, chăm bẵm vẫn chủ yếu là các con tự chủ động, sắp xếp lấy, mẹ không liên quan”.

Mẹ tôi kể, lúc đầu mẹ cũng phản ứng như tôi, nhưng sau đó bà nhận ra những lời mình nói chỉ làm bà Tơ buồn thêm. “Ngoài kia, chắc chắn còn hàng trăm hàng ngàn người như bà Tơ, biết mình khổ, nhưng phần vì thương, phần khác vì không muốn việc bé xé ra to, cha mẹ và con cái xa cách, gia đình bất hòa nên cứ mãi nín nhịn”, mẹ tôi chốt lại.

Tôi từng nghe câu, cách ta làm một việc cũng chính là cách ta làm mọi việc, và tôi cũng không nghĩ những mệt mỏi, bất lực triền miên của bà Tơ hay những bậc ông bà khác trong chuyện chăm cháu là việc bé. Đối với tôi, những gì gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, cảm xúc của một người đều là việc lớn, nếu không phù hợp cần phải điều chỉnh ngay.

Mới đây, tôi đã rất vui khi đọc thông báo: Thụy Điển là quốc gia đầu tiên trên thế giới thông qua luật ông bà được trả lương khi chăm cháu. Theo đó, cha mẹ sẽ chuyển một phần trợ cấp nghỉ phép nuôi con của mình sang cho ông bà của đứa trẻ.

Việc làm này, tôi cho rằng hoàn toàn hợp lý, nó thể hiện sự coi trọng, thấu hiểu công sức lao động của ông bà. Việc trả công, trả lương cho ông bà sẽ giảm tải được áp lực hao hụt mức thu nhập khi mà ông bà phải gác lại mọi công việc khác để tập trung thời gian chăm cháu. Ngoài ra, về mặt tâm lý, sức khỏe nó còn là động thái giúp tạo ra sự cân bằng, bình ổn. Mỗi điều cho đi thì sẽ được nhận lại, chứ không hoàn toàn là một bên “bao đồng”, bên còn lại ích kỷ, vô ơn.

Khi bản thân ông bà được vui vẻ, thoải mái thì việc chăm sóc các cháu mới trở nên nhẹ nhàng ( Ảnh minh họa)
Khi bản thân ông bà được vui vẻ, thoải mái thì việc chăm sóc các cháu mới trở nên nhẹ nhàng (Ảnh minh họa)

Theo thống kê của Hội Người cao tuổi Việt Nam, số người cao tuổi bị bạo hành, ngược đãi hiện nay đang giữ mức báo động. Bạo hành người cao tuổi không chỉ là đánh đập, mắng chửi, nhiếc móc hay bỏ rơi khi ốm đau, già yếu mà còn bao gồm rất rất nhiều cách hành xử khác. Như tước đi quyền được nghỉ ngơi, thư giãn, ra ngoài gặp gỡ bạn bè, ép buộc cha mẹ phải thay mình trông nom nhà cửa, giữ cháu,…

Ông cha ta thường có câu: “Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”. Thế nhưng trên thực tế, rất nhiều người mà tôi quen, ngoài làm cha làm mẹ về mặt sinh học thì họ hoàn toàn ỷ lại, không có một chút tư duy, khái niệm gì về vai trò của mình sau khi kết hôn. Dù đã sinh con ra đời nhưng họ vẫn mặc nhiên đẩy hết việc thức khuya dậy sớm, bồng bế, chăm bẵm con lúc ốm đau cho đấng sinh thành của mình. Hết đứa thứ nhất lại đến đứa thứ hai, thứ ba... Nếu con không tăng cân, sạch sẽ, hoạt bát, họ lại ngược ngạo quay qua đổ hết lỗi cho ông bà.

Theo bạn, những hành động đùn đẩy trách nhiệm, cậy nhờ cha mẹ chăm con mình trong tình trạng vất vả, quá tải gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tâm lý của ông bà có đáng được cảm thông? Việc chăm cháu có phải là trách nhiệm đương nhiên của ông bà để duy trì một gia đình theo đúng truyền thống? Khi ông bà chăm cháu, con cái có nên trả ơn, trả lương cho ông bà?

Diệu Thông

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhyeuhonnhanvi /strCate=tinhyeuhonnhan

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchuyennhavi /strCate=chuyennha

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhvalyvi /strCate=tinhvaly

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEphongcachsongvi /strCate=phongcachsong
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhonnhangiadinhvi /strCate=honnhangiadinh