Chiều 7/1, làng Facebook của giới văn nghệ Việt Nam náo động. Nhiều người đưa tin, cải chính, xin lỗi, hỏi thăm nhau về chuyện nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo vẫn còn sống hay trái tim đã ngừng đập. Cuối chiều, tin đưa từ bệnh viện, anh Tạo đã qua phút sinh tử, vẫn còn cầm cự. Nhưng đến tối thì mọi thứ đã được xác nhận. Anh đã qua đời lúc 19g50.
Tôi có qua lại thân gần với anh Nguyễn Trọng Tạo trong hai tư cách: một độc giả yêu thơ anh và một người làm công việc tổ chức giảng dạy tại Khoa Viết văn (Trường viết văn Nguyễn Du), thường mời anh cộng tác nói chuyện, giảng bài, chấm trả tác phẩm… Ai có dịp gần Nguyễn Trọng Tạo đều biết anh là người quảng giao - bạn bè trong giới rất nhiều, bạn bè trong công chúng và các lĩnh vực khác cũng đông vô kể. Tính Nguyễn Trọng Tạo giản dị, hòa đồng, ham vui, luôn khiến cho người bên cạnh cảm giác được anh yêu quý.
|
Nguyễn Trọng Tạo và nhạc sĩ Giáng Son |
Mỗi khi đi đâu, gặp tôi trước đám đông, anh có khi cao hứng giới thiệu, bảo rằng, đây là thằng em trai tôi, rằng các vị có thấy nó giống tôi không, rằng tóc quăn nhé, mắt sáng nhé, mà mặt nó cũng tròn tròn hao hao giống nhé… Nói xong, anh lại cười xòa, bảo khối người hỏi tôi có phải là em trai Tạo không đấy. Nghe vậy, tôi chỉ cười cười, lòng cũng thấy vui vui, chứ không dám nhận theo cách “vơ vào”.
Anh thích tụ bạ, nhóm họp triền miên, nhậu nhẹt liên hồi. Người ta quý anh, người ta mời bằng được. Anh mang đến cho cuộc rượu một không khí vui nhộn với những trận cười và những bài hát của chính anh, được anh cao hứng hát lên. Sự có mặt của anh làm cho những người trong cuộc nhậu cảm thấy hãnh diện, vì được ngồi cùng một người nổi tiếng.
|
Nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ về sự đồng cảm với thơ Nguyễn Trọng Tạo |
Tuy không thuộc nhóm bạn rượu của anh, nhưng thỉnh thoảng, có lý do gì đặc biệt, chúng tôi cũng mời anh tham dự, hoặc ngược lại. Những cuộc như thế, thích nhất là được nghe anh ngẫu hứng hát: Làng quan họ quê tôi, Khúc hát sông quê, Lên Cao Bằng, Làng ta Trường Sa, Cổng làng… Nghe anh hát, ta sẽ cảm được rất rõ vẻ đẹp của ca từ và giai điệu, thấy được sự sắc nét, rỡ ràng, mà ca sĩ chắc khó thể hiện được quyến rũ như thế. Những lúc ngắm anh hát hoặc hòa theo giọng anh, tôi vẫn luẩn quẩn với ý nghĩ: sao con người kia lại có thể đẻ ra được những giai điệu đặc sắc và duyên dáng đến vậy?
Trong buổi trao giải cho các ca khúc viết về nông thôn - nông nghiệp - nông dân cách đây mấy năm, nhiều nhạc sĩ chỉ được trao giải với một ca khúc; riêng ông nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo ẵm hai giải cho hai ca khúc: Làng quan họ quê tôi và Khúc hát sông quê. Cách đây chừng 6, 7 năm, khi anh xuất bản tập Nguyễn Trọng Tạo - Thơ và trường ca, chúng tôi có phối hợp làm lễ ra mắt tập sách này ở Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Tây.
|
Nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo |
Đây là tập sách có tính cách tuyển chọn, nên đã tập hợp phần tiêu biểu và sáng giá nhất trong đời thơ của Nguyễn Trọng Tạo. Hôm ấy trong vai trò MC, tôi có khẳng định mấy ý trước bạn văn và công chúng: Thứ nhất, Nguyễn Trọng Tạo thuộc thế hệ nhà thơ xuất hiện trong những năm cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ, nên thơ anh, trong những bước đi đầu tiên đó, chưa có giọng riêng, đang bị lẫn, chưa ấn tượng lắm (tập thơ đầu tay mang tên Tình yêu sáng sớm, xuất bản năm 1974.
Để định hình gương mặt thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo đích thực phải chờ đến tập Đồng dao cho người lớn (1994), liền sau đó là Thư trên máy chữ và tản mạn thời tôi sống (1995). Ở đây, Nguyễn Trọng Tạo đã ghi được hai nốt son đáng chú ý: không chỉ là một trong những tiếng thơ đầu tiên cất lên sự cách tân thơ kể từ sau 1975, anh còn trình ra một kiểu thơ “Đồng dao cho người lớn” khác biệt, mang dấu triện của riêng anh mà không ít nhà thơ sau đó, kể cả tận bây giờ, vẫn bị ảnh hưởng.
Thơ anh đã nhanh chóng bước ra khỏi dàn đồng ca anh hùng ca để gióng lên những nỗi niềm thế sự, những hoài nghi, băn khoăn nông nỗi phận người: “Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi/ Câu trả lời thật không dễ dàng chi”… Mặc dù lối thơ 8 chữ đã có mầm mống từ hát nói, nhiều thành tựu ở Thơ Mới; nhưng đến Nguyễn Trọng Tạo, anh đưa tất cả về nhịp chẵn 2/2, bố trí mỗi cặp câu thơ gồm 2 câu, với nhiều thanh bằng đi suốt toàn bài. Nhờ thế, mỗi bài thơ có cái nhịp điệu chùng giãn, chơi vơi, buông lơi, làm nên một nhạc tính ám gợi: “Có thương có nhớ có khóc có cười/ Có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi”.
Ca khúc Làng quan họ quê tôi - ca sĩ Anh Thơ thể hiện:
Nguyễn Trọng Tạo cũng có thể được coi là “Nam vương” của thơ tình thời hiện đại. Thơ tình của anh khi e ấp, trìu mến dịu dàng; lúc đắm say, bạo liệt, thâm chí tràn đầy tính dục. Đó là những áng thơ tình của người không tuổi. Nhiều bài, nhiều câu thơ tình của Nguyễn Trọng Tạo còn sống mãi trong tâm tình những người trẻ: “Chia cho em một đời thơ/ Một lênh đênh/ Một dại khờ/ Một tôi”…
Sau buổi ra mắt tập sách, Nguyễn Trọng Tạo bảo tôi: “Cứ những ý em vừa phát biểu là đã thành một bài hay rồi đấy”. Tôi hiểu ý anh muốn nói tôi nên viết thành một tiểu luận về thơ anh. Thực lòng, tôi cũng định sẽ viết một bài đầy đặn về thơ anh. Thế rồi ngày tháng chảy trôi, cho đến tận lúc này, khi anh đã đi xa mà tôi vẫn chưa động bút. Tự thấy mình đáng trách…
Nhà phê bình Văn Giá