PNO - “Trước Rashomon, hình ảnh của nước Nhật trong mắt thế giới bên ngoài là núi Phú Sĩ, geisha và hoa anh đào. Sau bộ phim, nó đã chuyển thành Kurosawa, Sony và Honda” - một nhà phê bình người Nhật từng nói.
Rashomon đại diện cho một Kurosawa mà người ta vẫn biết, một vị đạo diễn của những bộ phim lớn hơn cuộc đời, của những bi kịch và của những đại bi kịch. Steven Spielberg so ông với Shakespeare, và cũng như Shakespeare không chỉ có bi kịch mà còn có thơ tình, Kurosawa cũng có những “áng thơ tình” trong điện ảnh.
One Wonderful Sunday (Một ngày Chủ nhật tuyệt vời), bộ phim ra đời năm 1947, lọt thỏm và mất hút trong gia tài phim đồ sộ của “Thiên hoàng” (biệt danh người ta gọi đạo diễn Akira Kurosawa). Không chuyển thể Shakespeare, Dostoevsky hay kinh điển Nhật Bản, không có cuộc chiến của những samurai, không có cái chết, không có những âm mưu, không có triết lý nhân sinh hay tranh đoạt quyền lực, bởi đôi tình nhân mới đính ước - nhân vật chính của bộ phim - chỉ có một ngày Chủ nhật, với vỏn vẹn 35 yên và có nhau.
Hai nhân vật chính của bộ phim - chỉ có một ngày Chủ nhật, với vỏn vẹn 35 yên và có nhau
Đôi tình nhân xuất hiện trên đường phố Nhật, một nước Nhật thời hậu chiến thất trận và túng thiếu. Người đàn ông bảo 35 yên ít ỏi chẳng làm được gì. Anh nhầm; với 35 yên đó, họ đã mua được ba chiếc màn thầu, dù là ba chiếc màn thầu nát; họ còn vào được sở thú để nhìn những con thiên nga không biết thế nào là bất hạnh và những con gấu không biết thế nào là lạm phát; họ có thể cùng chơi bóng chày với một lũ trẻ con - cái này thì không mất tiền; họ uống được hai ly cà phê sữa và ăn hai chiếc bánh, dù cuối cùng phát hiện ra mình thiếu 10 yên và đành phải để lại chiếc áo măng tô của người đàn ông.
Có vẻ ấm áp bi đát trong buổi hẹn hò của họ. Ấm áp về tình yêu, bi đát về hiện thực. Suốt chiều dài bộ phim, tình yêu như đám bùi nhùi, cứ mỗi lần bắt lửa là một lần hiện thực lại đổ vào một xô nước lạnh. Khi họ ngỡ đã tìm được một căn nhà giá rẻ để thuê sau khi cưới, thì lại phát hiện ra họ vẫn chẳng đủ tiền. Khi họ ngỡ mình có thể mua vé nghe bản giao hưởng Dang dở của Schubert, thì một kẻ phe vé bất lương chen vào khiến họ không mua được. Rồi lại có một cơn mưa rào ập xuống, như thể vẫn chưa đủ tệ.
Hy vọng nhen lên là ngay lập tức bị dập tắt, dường như không gì thắng nổi hiện thực không-xu-dính-túi nghiệt ngã (một mô-típ rất Andersen). Lần duy nhất hiện thực không xô đổ được họ, là khi họ lúc này, hoàn toàn trắng tay, đứng trong một khu đất bỏ hoang, và bắt đầu mơ, vì còn có gì đâu trong túi áo ngoài giấc mơ kia chứ?
Hai mươi phút cuối cùng Một ngày Chủ nhật tuyệt vời là một trong những trường đoạn đẹp nhất của vị đạo diễn lừng danh Nhật Bản
Hai mươi phút cuối cùng Một ngày Chủ nhật tuyệt vời xứng đáng là một trong những trường đoạn đẹp nhất của vị đạo diễn lừng danh Nhật Bản. Không cần phải dựng cả một lâu đài lên để đốt (như ông đã làm trong Ran), ông chỉ cần một bãi đất hoang, những chiếc xích đu, mặt trăng đêm rằm sáng óng, và đôi tình nhân mơ về quán cà phê của riêng họ. Quán cà phê trong tưởng tượng, không ai nhìn thấy, trừ hai nhân vật trong phim - và bằng cách đó, Kurosawa đã dựng nên một thước phim vô hình trong đầu khán giả, còn có gì đẹp hơn điều không có thật?
Và đỉnh cao của bộ phim, một giấc mơ không có thật nữa, khi đôi tình nhân tìm đến một nhà hát ngoài trời, và người đàn ông bước lên sân khấu trống vắng, giả vờ làm chỉ huy một dàn nhạc vô hình. Người phụ nữ ngồi dưới khán đài, mắt đẫm lệ, như thực sự đã nghe thấy bản giao hưởng Dang dở của Schubert cất lên từ miền hư vô thẳm sâu nào đó. Nếu có gì nối liền Một ngày chủ nhật tuyệt vời với những đại chế tác sau này, thì chính là giây phút người đàn ông trong cơn gió lộng múa cây que đan, bởi dù giản dị, nhưng không phải là sự giản dị của Yasujiro Ozu, nó tráng lệ bất tận, vượt thoát hiện thực, như que diêm cuối cùng trong truyện cổ Andersen lóe trong đêm tuyết.
Cuối cùng, chỉ có giấc mơ là bất khả xâm phạm, chỉ duy nó là miễn nhiễm với hiện thực mà thôi.
Đạo diễn Akira Kurosawa
Ngoài đời, tiền cũng làm khổ Akira Kurosawa. Bộ phim màu đầu tiên của ông thất bại. Những dự án phim không thể thực hiện vì không ai đầu tư, mà điện ảnh thì vốn luôn đắt đỏ. Năm 1971, Akira Kurosawa tự vẫn. Ông tự rạch cổ mình. Nhưng lần tự tử ấy bất thành.
Và thay vì chết, Kurosawa trở lại với phim, giấc mơ đời ông. Kiệt tác cuối cùng của ông, theo nhiều nhà phê bình, là Yume (Những giấc mơ), một bộ phim bao gồm 8 thước phim ngắn, mỗi thước phim là một giấc mơ. Giấc mơ đầu tiên trong bộ phim ấy, một thằng bé con bị mẹ cấm không cho xem đám cưới cáo. Bất chấp hiểm nguy, nó vẫn lén xem, nhưng bị đàn cáo phát hiện. Mẹ bảo nó phải đi xin đàn cáo tha thứ, không thì nó phải chết. Nó đi tìm đàn cáo ở phía rặng núi xa, chưa biết đàn cáo ở đâu, nhưng nó tìm thấy một khung cảnh đẹp tuyệt dưới cầu vồng.
Hiện thực luôn hứa hẹn bất trắc, nhưng đứa bé con trong Những giấc mơ, đôi tình nhân trong Một ngày Chủ nhật tuyệt vời, và cả chính Akira Kurosawa vẫn lao vào vì dường như, ở đâu đó trong lòng mình, họ vẫn tin giấc mơ của họ đủ lớn để hiện thực không còn ý nghĩa gì, và sẽ không có đàn cáo nào cả mà chỉ có cầu vồng tỏa sáng. Kurosawa nói: “Con người là thiên tài khi họ mơ”.