Ôn thi tốt nghiệp: Giảm môn thi, vẫn… đuối!

03/04/2014 - 16:13

PNO - PN - Số môn thi tốt nghiệp được giảm từ sáu xuống còn bốn môn để giảm áp lực cho người học, cộng thêm sự đổi mới trong cách tính điểm, nhiều dự đoán cho rằng chỉ cần học gì thi nấy là khó rớt tốt nghiệp. Thế nhưng,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Trường công: Tăng tốc

Một phụ huynh HS lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) bức xúc: "Năm nay, Bộ GD-ĐT đã giảm môn thi để giảm áp lực thi cử nhưng nhìn lịch học của con từ đầu tháng Tư mà tôi thấy choáng. Sáng, các em phải có mặt ở trường từ 6g15 để học bài và làm kiểm tra 30 phút cho những môn thi, mỗi ngày một môn. Khoảng 10g có kết quả. HS nào đạt từ 6 điểm trở lên thì 11g30 về luôn. Nếu dưới 6 điểm, buổi chiều phải có mặt từ 13g15 để làm kiểm tra lại, rồi tiếp tục học và chờ kết quả. Cứ xoay vòng như thế đến ngày thi thì các em phải chịu áp lực thi cử kéo dài gần hai tháng. Đóng tiền là chuyện nhỏ, nhưng chúng tôi không cần con mình phải đậu cao để phải chịu áp lực như vậy".

On thi tot nghiep: Giam mon thi, van… duoi!

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đến trường tìm hiểu, chúng tôi được cô Kim Thủy, Phó hiệu trưởng trường giải thích: Hình thức này đã duy trì vài năm, để 6g30 kiểm tra thì các em phải tập trung sớm 15 phút. 7g kiểm tra xong là giáo viên (GV) chấm bài ngay. Thực ra, tổ chức như vậy rất vất vả, GV, ban giám hiệu phải đi sớm và về trễ hơn HS nhiều. Vất vả lắm nên khi số môn thi tốt nghiệp giảm còn bốn môn, nhiều GV cũng có ý giảm bớt áp lực, không ôn luyện như thế nữa.

Nhưng, khi họp thì ban đại diện cha mẹ HS không đồng ý, đòi duy trì để đảm bảo chất lượng cho HS thi tốt nghiệp và thi đại học. Nhà trường cũng thông báo thẳng với phụ huynh là không thu thêm bất kỳ khoản tiền nào, dù là tăng tiết hay phụ đạo. Kể cả những em kiểm tra chưa đạt phải ở lại học bán trú trường cũng không thu tiền.

Một HS lớp 12 Trường THPT Phú Nhuận than: "Tụi em phải tăng 12 hoặc 13 tiết tùy theo lớp nên rất mệt". Em đưa ra thời khóa biểu sáu tuần học và ôn tập (tháng Tư và tháng Năm) của HS khối 12, thoạt nhìn đã thấy không hề nhẹ chút nào. Không chỉ học các ngày trong tuần, Chủ nhật cũng phải đi học.

Trường tư: Ôn tập… vòng chung kết

Dù số môn thi ít hơn, nhưng ở nhiều trường, cường độ học tập của HS lại bị đẩy lên cao. Tại trường ngoài công lập, cả năm HS đã phải học ba ca từ chính khóa đến giải quyết bài tập, học nâng cao… Thế nhưng, cuối tháng Ba - trước ngày thi tốt nghiệp, HS vẫn phải chạy nước rút để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, HS bán trú gần như ngày nào cũng phải hơn 21g mới tan học, còn HS nội trú thì đến khi nào thuộc bài, làm xong bài mới được đi ngủ. Đó là chưa kể lịch thi thử, kiểm tra dày đặc.

Tại Trường THPT DL Thanh Bình, số giờ học toán của HS từ tám tiết tăng lên mười tiết/tuần (HS trung bình) và từ 10 lên 12 tiết/tuần (đối với HS yếu). Ở môn văn, ngoài việc tăng cường luyện tập trong giờ học chính thức, HS còn được truy bài bốn câu lý thuyết mỗi tuần. Ở các môn vật lý và hóa học, dù không tăng tiết nhưng số tiết ôn tập cũng rất cao: bảy tiết/môn/tuần. Môn sinh và địa, số tiết cũng ở mức từ ba - năm tiết/môn/tuần tùy vào từng đối tượng HS.

Tại Trường THPT tư thục Thái Bình, cường độ học tập cũng căng như dây đàn với thời khóa biểu của HS lớp 12 là sáng, chiều và tối. Cụ thể, sáng HS học từ 7 giờ kém 15 đến 11g30, chiều học từ 13g30 đến 17g kém 15, tối từ 19g đến 22g. Riêng thời gian buổi tối được dành để luyện thi và phụ đạo HS yếu. Cô Lê Thúy Hòa - Hiệu trưởng trường cho biết: “Thi tốt nghiệp có nhẹ đi nhưng thi ĐH thì vẫn như cũ. Mục tiêu của trường là giúp HS đậu ĐH chứ không chỉ đậu tốt nghiệp, nên HS vẫn phải học bình thường. Năm ngoái tỷ lệ HS đỗ ĐH của trường là 92,3%, xếp 118 trong toàn quốc nên năm nay cũng phải phấn đấu”.

 Minh Nhật - Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI